Thứ Tư, ngày 14 tháng 5 năm 2025

TPHCM góp ý hoàn thiện các dự án Luật về tổ chức bộ máy tư pháp và tố tụng

Đồng chí Hà Phước Thắng điều hành hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 25/4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý các dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo.

Làm rõ khái niệm “nơi cư trú rõ ràng” trong Bộ luật Tố tụng dân sự

Đóng góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, các đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể hơn về điều kiện để bị can, bị cáo được xem xét cho tại ngoại, trong đó làm rõ khái niệm “nơi cư trú rõ ràng”.

Các đại biểu phản ánh thực tiễn hiện nay, nhiều hồ sơ tố tụng chỉ căn cứ vào địa chỉ thường trú trong lý lịch bị can để xác định nơi cư trú, trong khi đó người bị can có thể đã không còn sinh sống tại địa phương, thậm chí đã bán nhà, di chuyển nơi ở. Việc xác nhận của Công an cấp xã đôi khi không phản ánh đúng thực tế, nhưng vẫn được xem là đủ điều kiện cho tại ngoại.

Từ đó, kiến nghị bổ sung quy định về trình tự xác minh nơi cư trú rõ ràng, tăng cường trách nhiệm phối hợp của chính quyền và công an cơ sở trong việc xác minh điều kiện tại ngoại, đảm bảo tính khách quan, đầy đủ.

Liên quan đến việc thi hành án hình sự tại cộng đồng, đại biểu đề xuất cần có quy định cụ thể về việc lập biên bản bàn giao lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú giữa cơ quan có thẩm quyền và chính quyền cấp xã; đồng thời, giao Công an cấp xã tham mưu theo dõi, quản lý người bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Việc thiết lập sổ theo dõi trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan là cần thiết nhằm đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát và hạn chế vi phạm trong thi hành án tại địa phương.

Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình mới đặt ra yêu cầu sửa đổi đồng bộ các quy định pháp luật, nhất là về mối quan hệ giữa Tòa án, Viện kiểm sát và Công an trong hoạt động tố tụng và thi hành án hình sự.

Việc không còn tổ chức các cơ quan tư pháp ở cấp huyện tại một số địa phương đòi hỏi phải xác lập lại cơ chế phối hợp và phân công rõ thẩm quyền giữa các cấp để đảm bảo hiệu quả hoạt động và quyền lợi của người dân.

Góp ý về thẩm quyền của Tòa án trong xét xử hành chính

PGS.TS Nguyễn Hoàng Yến, giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi mô hình tổ chức Tòa án nhân dân theo hướng ba cấp là bước đi đúng đắn nhằm hiện thực hóa chủ trương cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập, khách quan của hoạt động xét xử.

Tuy nhiên, một số nội dung trong các khoản 7 và 13 Điều 1 của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và khoản 3, 4 Điều 2 của Dự thảo sửa đổi các luật tố tụng khác vẫn cần tiếp tục rà soát, làm rõ thẩm quyền cụ thể giữa các cấp tòa án trong giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hành chính. Dự thảo quy định Tòa án Nhân dân khu vực có thẩm quyền sơ thẩm đối với các vụ khiếu kiện hành vi, quyết định hành chính của cơ quan nhà nước cấp xã; khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh trở xuống và nhiều nội dung hành chính khác. Đây là sự thay đổi lớn, cần tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy mới của địa phương.

Các ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện đồng bộ các dự án luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân và các quy trình tố tụng, góp phần xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và tổ chức lại hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng tập trung góp ý vào các nội dung liên quan đến Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án những đạo luật có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân, hỗ trợ phục hồi kinh doanh và thúc đẩy giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng.

Về Luật Tư pháp người chưa thành niên, các đại biểu đề nghị cần xác định rõ nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên trong toàn bộ quá trình tố tụng; đồng thời, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các tổ chức xã hội, nhằm đảm bảo môi trường phục hồi, tái hòa nhập cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Đối với Luật Phá sản, đại biểu cho rằng cần sửa đổi các quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn yêu cầu phá sản để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường vai trò của Thẩm phán và Quản tài viên trong việc giám sát hoạt động của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Kiến nghị cũng nêu rõ việc cần xác lập cơ chế ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người lao động và các nghĩa vụ tài chính xã hội trong quá trình xử lý phá sản.

Về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các ý kiến thống nhất rằng mô hình này đã góp phần giảm tải cho hệ thống xét xử, thúc đẩy giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính một cách hiệu quả. Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề của hòa giải viên, chế độ đãi ngộ, cũng như thẩm quyền, trách nhiệm của Tòa án trong việc hỗ trợ hoạt động hòa giải, đối thoại.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo