Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

TPHCM ghi nhận 23 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh

Giữ gìn vệ sinh cá nhân là một trong những biện pháp quan trọng phòng chống bệnh TCM.

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 2/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong tuần 4 năm 2023 (từ ngày 23 đến 29/1/2023), TP ghi nhận 400 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng khoảng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, giảm 47% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 51% và ngoại trú giảm 43%.

Trong tuần 4, TPHCM không ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Các quận huyện đều có số ca giảm so với số mắc trung bình 4 tuần trước. Có 4/312 phường xã có số ca bệnh tăng ở mức ngưỡng báo động (Phường 12 Quận 11; Phường 6 Quận 10; Phường 13 Quận 8; Phường 7 Quận 6).

Trong tuần 4, toàn TP ghi nhận 23 ổ dịch SXH mới phát sinh ở 17 phường, xã thuộc 5/22 quận huyện, TP Thủ Đức. Tổng số ổ dịch được xử lý phun hóa chất trong tuần là 44 ổ dịch và không có phường, xã nào xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 57 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 31 phường, xã.

Đối với bệnh tay chân miệng (TCM), trong tuần 4, TP ghi nhận 43 trường hợp mắc bệnh, giảm 33,3% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó, số ca bệnh giảm nhiều hơn ở các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và giảm ở các trường hợp khám ngoại trú.

Trong tuần 4, toàn TP không ghi nhận ổ dịch TCM mới. Số ổ dịch TCM tích lũy đến tuần 4 năm 2023 là 0 ổ dịch.

Trong tuần 4, TP cũng ghi nhận 7 ca bệnh xác định nhiễm SARS-CoV-2 được Bộ Y tế công bố (bao gồm 6 ca dương tính SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, 1 ca xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính có yếu tố dịch tễ) và không có ca nhập cảnh. Số ca tích lũy trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 (tính từ ngày 29/4/2021) đến ngày 29/1/2023 là 618.402 ca, trong đó có 617.563 ca trong nước (tỷ lệ 99,86%), 839 ca nhập cảnh (tỷ lệ 0,14%).


HCDC khuyến cáo phòng bệnh TCM:

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh TCM. Để chủ động phòng chống, người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em).

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo