Tiếp nhận những bức xúc, đề xuất, kiến nghị của người dân
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, 7 ngày qua, TP tập trung triển khai các biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn toàn TP nhằm ngăn chặn, kiềm chế, kéo giảm, khống chế và từng bước kiểm soát dịch bệnh. 7 ngày qua, toàn bộ hệ thống chính trị từ TP đến tận cơ sở đã ra quân thực hiện với tinh thần nỗ lực quyết tâm cao nhất, quyết liệt, đặc biệt sự tham gia, sự ủng hộ đồng tình của người dân TP; sự ủng hộ chung của các tỉnh, thành và người dân cả nước hướng về TP. “Đây là niềm động viên cổ vũ rất lớn để TP quyết tâm thực hiện phòng chống dịch theo kế hoạch đã đề ra” - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, có thể nói công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP đã chuyển sang trạng thái mới, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cách thức tổ chức phòng, chống dịch trên khắp các địa bàn. Bên cạnh đó, có sự phân công rõ ràng, rành mạch từng phần, từ các Trung tâm điều phối trực thuộc Ban chỉ đạo một cách bao quát, áp các công việc cụ thể như: xét nghiệm, thu thập dữ liệu, quản lý điểm thu dung, cách ly, điều trị, tổ Covid cộng đồng, tất cả hoạt động rất hiệu quả. Đặc biệt phối hợp chặt chẽ có hiệu quả các bộ, ngành Trung ương; huy động nhiều nguồn lực xã hội, tiếp nhận sự hỗ trợ của các tỉnh, thành khác.
Bên cạnh đó, TP đã tập trung thực hiện tương đối đồng bộ chiến lược phòng chống dịch dựa vào 5 trụ cột: khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị và chuẩn bị tiêm vaccine… Đây là việc làm thường xuyên, nhưng lần này làm đồng bộ, hiệu quả trách nhiệm và rõ ràng hơn. Riêng tổ chức xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, trả kết quả nhanh hơn, không để tồn mẫu như trước đây; công sức xét nghiệm tăng nhanh; đã chấn chỉnh công việc chuệch choạc trước đó.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, khi thực hiện Chỉ thị 16, phát sinh những tình huống khó khăn ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do đó, đề nghị các địa phương, các lực lượng trực tiếp ở tuyến đầu cần quan tâm, ứng xử không để có những vấn đề làm cho người dân thêm bức xúc.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị, thời gian tới Ban chỉ đạo TP bổ sung lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; rà soát, kiểm tra, nhắc nhở, chia sẻ, sâu sát hơn. Bên cạnh đó, cần xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm để xử lý từng vùng theo bản đồ. Đồng thời, sáng tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng. Ngoài ra, ngăn chặn được ca lây mới, nhiễm mới bằng cách thực hiện nghiêm giãn cách.
Đồng chí cũng yêu cầu cần tăng cường truyền thông, chủ động thông tin, đầy đủ và chính thống, đúng. Bên cạnh đó, cần phải xử lý nghiêm những thông tin có ý đồ phá hoại công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phải đổi mới nội dung, đổi mới cơ chế, chủ động hơn, nhanh hơn nữa, phân phối thông tin hợp lý hơn. Ngoài ra, phải có kênh thông tin đường dây nóng để tiếp nhận những bức xúc, đề xuất, kiến nghị của người dân để kịp thời xử lý. Hiện nay, HĐND TP đã triển khai kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của cử tri qua tổng đài 1022. Trong quá trình tuyên truyền vận động cần phải lưu ý những điểm chính trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành để đưa những thông điệp sớm đến người dân.
Đồng chí Bí thư Thành ủy lưu ý, thời gian còn lại trong thực hiện Chỉ thị 16 lần này phải tăng tốc, nỗ lực trong thực hiện phòng chống dịch bệnh. Nếu nỗ lực, tăng tốc, tập trung toàn lực, đoàn kết, thống nhất, ý chí cùng hành động của xã hội cùng thực hiện để ngày càng hiệu quả sau 7 ngày. “Chỉ có một cách tập trung, quyết tâm, quyết liệt của mỗi đồng chí từ TP đến tận chi bộ, đến tận tổ tự quản, tổ nhân dân cùng thực hiện, góp phần thực hiện thành công phòng, chống dịch Covid-19”. – Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định giãn cách trong khu cách ly
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, những ngày qua, TP đã nỗ lực rất lớn, đạt được những kết quả khá tốt trong công tác phòng chống dịch. Cơ bản chúng ta đã triển khai nhanh toàn diện, các mặt để thực hiện Chỉ thị 16 và phân công các đồng chí lãnh đạo thường vụ, các ban, ngành hệ thống chính trị vào cuộc rất quyết liệt. Đồng chí lưu ý, còn những khiếm khuyết chúng ta rút kinh nghiệm để chấn chỉnh. Đồng thời, cần phân tích kỹ thêm bản chất về số ca bệnh tăng, với tỷ lệ người mắc bệnh không có triệu chứng, có triệu chứng và bệnh nặng. Từ đó, các cơ quan TP phải có đánh giá kỹ để có quyết sách tiếp theo sau khi chấm dứt thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Từ những thành công, kinh nghiệm đã làm được trong 3 đợt dịch vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, trong tình hình dịch bệnh đợt này có những gì phát sinh để bổ sung các biện pháp mới nhằm phòng chống dịch bệnh cho hiệu quả.
Về các giải pháp cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP khi đảm bảo: Doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”; Doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”, đồng chí Trương Hòa Bình đánh giá, biện pháp này là tốt, cần kiểm tra các doanh nghiệp có thực sự đáp ứng được nhu cầu hay không.
Liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị TP tập trung thực hiện nội dung này gắn với phân phối nhu yếu phẩm hàng hóa, gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân. Đồng chí nhấn mạnh, sức mạnh của chúng ta là từ cơ sở, cơ sở mạnh mới mạnh. Vì vậy, tiếp tục kiểm tra, củng cố để phát huy được sức mạnh của cơ sở, chống hiện tượng đầu cơ, vét hàng, gom hàng.
Sau khi tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý các khu cách ly tập trung cấp Thành, các khu cách ly cấp huyện siết chặt các giải pháp đồng bộ trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định giãn cách trong khu cách ly. Tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo trong các khu cách ly. Bên cạnh đó, tuyệt đối không hình thành các khu cách ly cấp huyện tại các địa điểm không đảm bảo các yêu cầu về điều kiện thiết yếu như: nhà vệ sinh, phòng tắm, nơi ăn nghỉ, vệ sinh rác thải,...
Đồng thời, quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người đang thực hiện cách ly tại các khu cách ly, khu phong tỏa. Quan tâm, hỗ trợ thành viên Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng, các đội hình phục vụ các khu phong tỏa, khu cách ly để họ có điều kiện tốt nhất và bảo hộ an toàn khi thực hiện nhiệm vụ. Cố gắng đến mức tối đa giảm thiểu các trường hợp phơi nhiễm do thực hiện nhiệm vụ.
Về công tác hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị Bí thư, Chủ tịch quận huyện, TP Thủ Đức quán triệt thật rõ cho cán bộ, công chức của đơn vị, nhất là người đứng đầu về trách nhiệm của hệ thống chính trị trong hỗ trợ tối đa người dân cùng vượt qua khó khăn, bất tiện trong thời gian giãn cách xã hội này. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phiền hà về thái độ giao tiếp, ứng xử với người dân khi có ý kiến phản ảnh.
Bên cạnh đó, quan tâm chăm lo các trường hợp chưa hoặc không thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ theo quy định. Phát động phong trào vận động các mạnh thường quân, người có điều kiện tốt hơn quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ người đang gặp khó khăn sinh sống xung quanh mình, để cùng nhau, chung sức vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đối với việc triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Nghị quyết số 09 của HĐND TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị các địa phương khẩn trương hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn, phấn đấu đến ngày 23/7/2021 (ngày thứ 15 thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16), mỗi địa phương phải giải ngân đạt ít nhất 95% kế hoạch đề ra.