Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

TPHCM cần có cơ chế xã hội hóa, thu hút đầu tư trường ngoài công lập

Đồng chí Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi giám sát.

(Thanhuytphcm.vn) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại buổi giám sát về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại UBND TPHCM vào sáng 27/3.

Tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong quản lý giảng dạy và học tập

Ghi nhận và đánh giá cao TPHCM đã thực hiện hiệu quả về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong những năm qua, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, ngành giáo dục TP đã có những bước tiên phong, đổi mới so với cả nước. Cụ thể, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, chủ động trường học không tiền mặt, thành lập trung tâm điều hành giáo dục thông minh.

Bên cạnh đó, TP đã sáng tạo và đổi mới; mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục. Theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, qua báo cáo của UBND TP, tình trạng thiếu giáo viên, nhất là trong bộ môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật… Bên cạnh đó, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đầy đủ cho việc dạy và học.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị TP cần rà soát toàn bộ mạng lưới giáo dục. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị những giải pháp, giúp TP tháo gỡ các vướng mắc trong tuyển dụng giáo viên cũng như đầu tư cơ sở vật chất.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị TP cần có cơ chế phân cấp, phân quyền để các trường tự chủ hơn. Đồng thời, mạnh dạn trao nhiều hơn quyền tự chủ cho các cơ sở công lập, tạo điều kiện cho chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy ở TPHCM. Bên cạnh đó, TPHCM cần có cơ chế xã hội hóa, thu hút đầu tư trường ngoài công lập; Cần có cơ chế để các trường tư phát triển, nhất là tạo cơ chế về mặt bằng. Ngoài ra, tiếp tục phát động phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong quản lý giảng dạy và học tập.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho rằng, nguồn lực đầu tư cho việc chuyển đổi mới giáo dục phổ thông của TP còn thấp so với nhu cầu thực tế. Đặc biệt, nội dung một số môn học chưa thực sự giảm tải, giá sách giáo khoa tăng cao, tình trạng lãng phí do không sử dụng lại sách giáo khoa… gây bức xúc cho nhân dân một số nơi. Đồng chí đề nghị, trong kế hoạch phát triển ngành giáo dục, TP cần điều chỉnh theo hướng đáp ứng nhu cầu dạy và học. Việc phát triển giáo dục của TPHCM cần phải so sánh với các TP trong khu vực; chú trọng đổi mới quản trị nhà trường theo hướng minh bạch, tinh gọn.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi giám sát. Đồng chí Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi giám sát.

Cần phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò giám sát

Tại buổi giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá cao nỗ lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 của TPHCM. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, kịp thời, tạo hành lang pháp lý cho các trường học triển khai một cách bài bản, hệ thống.

Tuy nhiên, thực tế triển khai còn nhiều bất cập như công tác đấu thầu tập trung mua sắm trang thiết bị; giáo viên còn thiếu về số lượng và chưa đồng bộ về cơ cấu, một số cơ sở lúng túng trong bố trí giáo viên dạy môn tích hợp; việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh gặp khó khăn đối với một bộ phận giáo viên lớn tuổi, hạn chế trình độ tin học.

Riêng đối với việc lựa chọn sách giáo khoa, hoạt động nghiên cứu và lựa chọn diễn ra trong thời gian gấp rút, số bản mẫu nhiều, thực hiện trong năm học khiến giáo viên gặp khó khăn, ảnh hưởng độ chuẩn xác của kết quả lựa chọn.

“Đối với việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, việc biên soạn và in ấn chậm ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai chương trình. Hiện nay, các cơ sở giáo dục đang sử dụng tài liệu điện tử do vướng cơ chế về in ấn nên cần giải pháp cụ thể hơn trong thời gian tới” - đồng chí Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ.

Để TP tiếp tục thực hiện tốt và hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị TP cần chỉ rõ và đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn nữa về những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện Nghị quyết để từ đó có những đề xuất, kiến nghị cụ thể hơn đối với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương.

Quang cảnh buổi giám sát. Quang cảnh buổi giám sát.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị TP cần tiếp tục quan tâm việc đào tạo, tuyển dụng để sớm khắc phục tình hình thiếu hụt giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập; đồng thời đẩy mạnh bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học tích hợp. Bên cạnh đó, TP nghiên cứu để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp cho lực lượng giáo viên khi dạy 2 buổi/ngày.

Đồng thời, TP cần có chính sách quan tâm đến giáo dục cho trẻ em đặc thù khiếm thị, tạo điều kiện tối đa để các em có sách chữ nổi để học tập, đồng thời tiếp tục dành sự hỗ trợ nhiều hơn cho đối tượng học sinh khó khăn, con em của công nhân ở các khu công nghiệp, gia đình yếu thế, gia đình chính sách.

Bên cạnh đó, TP cần phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò giám sát của HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HĐND và MTTQ xây dựng kế hoạch định kỳ tập trung giám sát việc thực hiện 7 nội dung đổi mới được nêu trong Nghị quyết 88 để đánh giá tiến độ, hiệu quả việc triển khai, đồng thời, kịp thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập để kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết.

Đề nghị xem xét giao TPHCM chủ động để quyết định những chính sách thí điểm

Trước đó, phát biểu tại buổi giám sát, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, UBND TP và Sở Giáo dục và Đào tạo TP cần có trách nhiệm cao trong công cuộc đổi mới giáo dục, trong đó đổi mới chương trình sách giáo khoa trong giáo dục phổ thông với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản toàn diện chất lượng và hiệu quả.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, TP là địa bàn luôn có nhiều vấn đề về kinh nghiệm triển khai thực hiện các chính sách mà Trung ương nghiên cứu, tìm những đổi mới sáng tạo của TP. Vì vậy, TPHCM muốn thực hiện Nghị quyết có hiệu quả phải vượt qua một số thử thách cơ bản, trong đó trước hết khi dân số tăng, học sinh tăng cần nghĩ đến chính sách cho đội ngũ giáo viên. Đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng nhất, phải có chính sách thu hút nguồn lực theo yêu cầu; phải tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giáo viên phát triển, phải có lòng yêu nghề bám nghề, sống được với nghề.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, hiện nay thời đại khoa học công nghệ phát triển để học sinh tương tác năng động sáng tạo trong nghiên cứu học tập; đồng thời để giáo viên dạy thuận lợi phải phát triển các  kỹ năng mềm trong thời đại mới để theo kịp thế giới.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị Quốc hội ủng hộ TPHCM. Vì TP không phải đề xuất cho TP, mà TP đề xuất cho cơ chế phát triển chung của cả nước. Vì thế, TP đề nghị xem xét giao TPHCM chủ động để quyết định những chính sách thí điểm rút kinh nghiệm, ban hành một số chính sách.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo