Thứ Năm, ngày 17 tháng 10 năm 2024

TPHCM ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại

(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong nội bộ UBND TPHCM.

Quy chế này quy định công tác quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là viện trợ) thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam (gọi tắt là Nghị định số 80/2020/NĐ-CP) trong nội bộ UBND TPHCM.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh thuộc một trong các trường hợp sau: Các khoản viện trợ dành cơ quan, tổ chức do UBND TP là cơ quan chủ quản có chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phù hợp với mục tiêu và nội dung của khoản viện trợ tiếp nhận; nhằm mục đích phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, thương mại; các khoản viện trợ dành cho các cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam mà UBND TP không phải là cơ quan chủ quản nhưng có địa bàn triển khai (dự kiến triển khai), tiếp nhận viện trợ tại TPHCM.

UBND TP thống nhất quản lý nhà nước về viện trợ trên địa bàn TPHCM, trên cơ sở công khai, minh bạch, có phân công, gắn quyền hạn với trách nhiệm, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và phát huy tính chủ động của các sở, ban ngành, UBND  các quận, huyện và TP Thủ Đức, các tổ chức và các đơn vị thực hiện.

UBND TP không phê duyệt các khoản viện trợ gây ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, chính trị và trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chủ khoản viện trợ có trách nhiệm thực hiện việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ; chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan của TPHCM theo đúng quy định tại Nghị định số 80/2020/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan.

Trường hợp phạm vi triển khai khoản viện trợ tại nhiều tỉnh, TP và vượt quá thẩm quyền quản lý của UBND TP, cần phải lấy ý kiến của các bộ, ngành trung ương, địa phương có liên quan theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP thì thời gian thẩm định theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP tính từ thời điểm Sở Kế hoạch và Đầu tư TP nhận đầy đủ ý kiến góp ý bằng văn bản của các bộ, ngành trung ương, địa phương có liên quan.

Các nội dung khác tuân thủ theo nguyên tắc trong quản lý và sử dụng viện trợ được quy định tại Điều 4 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP. Các hành vi bị cấm trong sử dụng viện trợ thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP.

Chủ tịch UBND TP phê duyệt các khoản viện trợ mà bên tiếp nhận viện trợ là các cơ quan, tổ chức do UBND TP là cơ quan chủ quản theo quy định tại điểm c, điểm đ khoản 3 Điều 3; điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bên tiếp nhận viện trợ (trừ các tổ chức do Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập).

M. Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo