Thứ Hai, ngày 14 tháng 7 năm 2025

TP Thủ Đức: Phát triển công viên công cộng đồng bộ với phát triển đô thị, từng bước đầu tư nâng cấp các tuyến đường, hẻm

Phối cảnh tổng thể công viên khu tái định cư diện tích 38,4 ha, phường An Khánh, TP Thủ Đức

(Thanhuytphcm.vn) -  Ngày 30/5, Thành ủy Thủ Đức đã có buổi làm việc với UBND TP Thủ Đức về Chương trình xây dựng các khu công viên trên địa bàn theo quy hoạch giai đoạn 2022 - 2030.

Tham dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy Thủ Đức; Nguyễn Phước Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức; Hoàng Tùng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức; Nguyễn Hữu Anh Tứ, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Thủ Đức Mai Thanh Nga cho biết: TP Thủ Đức có 453,47 ha đất công viên và 88,03 ha đất mảng xanh hiện hữu, tương ứng chỉ tiêu đất công viên, mảng xanh công cộng đạt bình quân 5,34m2/người. TP Thủ Đức đề ra chỉ tiêu chung dự kiến đến năm 2030, diện tích đất công viên mảng xanh trên địa bàn TP Thủ Đức đạt chỉ tiêu 6m2/người (theo Quy chuản QCVN 01:2019/BXD) với dân số ước tính là 1.500.000 người, tương ứng diện tích đất công viên cây xanh là 900 ha (tăng 358,5 ha so với năm 2021).

Cụ thể, TP Thủ Đức đầu tư khôi phục 4 công viên hiện hữu và xây dựng 41 công viên cây xanh tập trung theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, tương ứng 60,02 ha diện tích đất công viên được đầu tư mới bằng nguồn ngân sách nhà nước. Đôn đốc chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở hoàn thành và bàn giao công viên cây xanh của 184 dự án, tương ứng 276,38 ha đất công viên. Kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối với 8 công viên, tương ứng 24,78 ha diện tích đất công viên.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu đề nghị UBND TP Thủ Đức thành lập Tổ công tác có sự tham gia của các phòng ban chuyên môn, tiến hành khảo sát cụ thể các công viên công cộng, công viên trong các dự án để có kế hoạch sớm triển khai thực hiện. Việc phát triển công viên công cộng cần đồng bộ với phát triển đô thị nhằm góp phần cải thiện môi trường sống, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo văn minh đô thị. Chỉ tiêu, diện tích công viên, cây xanh trên đầu người phải được xem là thước đo cho sự phát triển của đô thị, của từng dự án. Tăng cường quỹ đất tối đa, phù hợp và có tính khả thi để phát triển công viên, cây xanh. Khuyến khích phát triển loại hình công viên, cây xanh đa chức năng để đạt được cùng lúc nhiều mục tiêu như: tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, vui chơi giải trí, thoát nước mưa. Bên cạnh xây dựng các khu công viên, cũng cần quan tâm tạo mảng xanh, tiểu cảnh, vệ sinh môi trường tại một số tuyến đường lớn của TP Thủ Đức như: đường Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng…

* Cùng ngày, Thành ủy Thủ Đức đã có buổi làm việc với UBND TP Thủ Đức về Đề án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội trên địa bàn thành phố Thủ Đức giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Anh Tứ cho biết: việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, TP Thủ Đức tập trung đầu tư phát triển các tuyến đường vành đai, các tuyến đường trục chính đô thị nối vào các khu đô thị mới, khu công nghiệp, dịch vụ ưu tiên phát triển của TP, các khu chức năng và các cảng đường thủy, cảng hàng không... Từng bước đầu tư nâng cấp các tuyến đường, hẻm để giải quyết việc ngập nước, phát triển hạ tầng và chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP Thủ Đức; phát triển mở rộng mạng lưới giao thông công cộng; đề xuất chủ trương thực hiện các giải pháp nhằm giảm ngập và xử lý nước thải.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu đề nghị UBND TP Thủ Đức thành lập Tổ công tác có sự tham gia của các phòng ban chuyên môn, tiến hành khảo sát thực tế các công trình dự án theo nhu cầu cấp thiết để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, nhất là các công trình giao thông của TP Thủ Đức. Lập danh mục các công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn của Trung ương, công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn của TPHCM, công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn của Thủ Đức, từ đó, sắp xếp chọn thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình đã được ghi vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các công trình phải có tính khả thi cao. Nghiên cứu việc kết nối với các đô thị trọng điểm phía Đông của vùng TPHCM như Bình Dương, Đồn Nai...; với các trung tâm, khu chức năng trọng điểm khác của TPHCM, với các tuyến đường vành đai đi qua TP Thủ Đức.

Ngọc Anh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo