Chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong tổ chức chính quyền đô thị
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân đã có báo cáo chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong tổ chức chính quyền đô thị và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM. Đồng chí Huỳnh Thanh Nhân cho biết, TPHCM đã xây dựng Đề án tổ chức chính quyền đô thị từ năm 2007 và tiếp tục điều chỉnh, bổ sung vào năm 2013… Quá trình xây dựng Đề án, TP đã thực hiện đầy đủ việc đánh giá thực trạng; đánh giá tác động của chính sách được đề xuất; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến góp ý, phản biện của các cơ quan Trung ương đến địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, HĐND TP, các đồng chí nguyên lãnh đạo TP, các chuyên gia, nhà khoa học, các tầng lớp Nhân dân, giúp Đề án được hoàn thiện kịp thời, đảm bảo chất lượng và đúng quy định.
Với sự quan tâm và hỗ trợ từ các cơ quan Trung ương, trên cơ sở hồ sơ Đề án, ngày 16/11/ 2020, Quốc hội đã họp phiên toàn thể và thông qua Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và ngày 29/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14.
Theo đồng chí Huỳnh Thanh Nhân, từ khi thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội, UBND tiếp tục thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương phân quyền, phân cấp. Đồng thời, UBND TP đã ban hành nhiều quyết định phân cấp trên một số lĩnh vực như tài chính, kế hoạch và đầu tư, nội vụ, tài nguyên và môi trường, lao động - thương binh và xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ, xây dựng, công thương…
Theo đồng chí Huỳnh Thanh Nhân, trong quá trình thực hiện có nhiều bất cập, vướng mắc, khó khăn, do đó TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức làm việc tại phường quy định khoản 1 Điều 29 Nghị định số 33/2021/NĐ-CP từ bình quân 15 người/phường trong một quận, TP thuộc TPHCM; cho phép TPHCM căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu của thực tiễn và ngân sách TP, UBND TP trình HĐND cùng cấp quyết định số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thêm ngoài số lượng đã quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP. Bên cạnh đó, khi thực hiện chính quyền đô thị được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 131/2020/QH14, UBND quận thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc UBND TP, không còn là cấp ngân sách. Do đó, TP kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép đơn vị dự toán ngân sách quận thuộc TPHCM có dự phòng ngân sách như cấp ngân sách.
Mô hình TP Thủ Đức đã giúp tinh gọn tổ chức bộ máy
Đối với việc thực hiện mô hình TP Thủ Đức thuộc TP, đồng chí Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh, đã giúp tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, góp phần tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, qua đó nâng cao chất lượng và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức TP Thủ Đức, giảm chi ngân sách nhà nước, góp phần tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị làm việc của các cơ quan, đơn vị, tạo điều kiện để cơ quan, đơn vị và người dân có cơ hội tiếp cận các công nghệ hiện đại, tiên tiến, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng thực hiện các thủ tục hành chính.
“Thực tiễn của quá trình vận hành TP Thủ Đức theo mô hình mới đã đặt ra yêu cầu và những thách thức rất lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như: quy hoạch, quản lý quy hoạch, đất đai, môi trường, quốc phòng an ninh, giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là phát huy và tối ưu hóa các nguồn lực, các tiềm năng, thế mạnh của TP Thủ Đức để phát triển đúng theo định hướng là đô thị sáng tạo, tương tác cao, đóng vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng là kinh tế tri thức và khoa học công nghệ. Đòi hỏi TP Thủ Đức cần sớm được tạo điều kiện về cơ chế hoạt động có tính chất ưu việt hơn từ Trung ương và TPHCM để đảm bảo vận hành theo mô hình chính quyền đô thị đầu tiên của cả nước đạt được hiệu quả.” – đồng chí Huỳnh Thanh Nhân cho hay.
Quang cảnh buổi tiếp đoàn. Cũng theo đồng chí Huỳnh Thanh Nhân, việc thực hiện phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức, TPHCM rất quan tâm nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, nhất là việc hỗ trợ về nguồn lực để chuẩn bị cho việc thực hiện các nội dung đã được hoặc dự kiến phân cấp, ủy quyền; công tác phối kết hợp với các sở ngành TP tuy được thực hiện thường xuyên, kịp thời nhưng tính hiệu quả vẫn chưa cao, nhất là trong việc mạnh dạn phân cấp các nội dung có tính chất quan trọng, đột phá cho TP Thủ Đức.
Bên cạnh đó, TP Thủ Đức chưa có được sự chủ động về nguồn lực để phát triển như định hướng và mục tiêu đã hoạch định, các nguồn thu chiếm tỷ lệ cao không thuộc thẩm quyền của địa phương như: thuế xuất nhập khẩu, hoạt động cảng biển; tỷ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương từ hoạt động nguồn thu thuế Công thương nghiệp chiếm tỷ lệ cao chỉ 18%; nguồn thu được để lại cho địa phương cân đối 100% chiếm khoản 5% trong tổng nguồn thu ngân sách nhà nước... “Sự hạn chế về nguồn lực đã kéo theo sự hạn chế về tính chủ động trong việc sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển địa phương, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và tính hấp dẫn cũng như tốc độ phát triển chung của TP.” - đồng chí Huỳnh Thanh Nhân bày tỏ.
Sẽ xin một số cơ chế chính sách để phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết TP Thủ Đức là mô hình TP trong TP đầu tiên của cả nước. Trong quá trình thực hiện việc tổ chức chính quyền đô thị và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM, quan điểm của TP là làm sao để cùng đi chứ không đi trước. Do vậy, TPHCM cần phải có bạn đồng hành và cùng với những TP có nhu cầu triển khai chính quyền đô thị. TPHCM đang trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới để thay thế Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, dự kiến trong tháng 11/2022 sẽ được thông qua. Trong Nghị quyết sẽ đề cập một số vấn đề mới. Bên cạnh đó, TP sẽ thực hiện tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội. Theo đó, TP sẽ xin một số cơ chế chính sách để phát triển TP, trong đó có TP Thủ Đức.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, TP sẽ tập trung xin cơ chế để tháo gỡ vướng mắc khó khăn liên quan đến TP Thủ Đức. Hiện TP Thủ Đức đang vướng thể chế như: cần có thẩm quyền để quản lý doanh nghiệp; quy hoạch, đất đai, xây dựng. “Nếu có thẩm quyền sẽ triển khai nhanh chóng. Bên cạnh đó, tài chính ngân sách quá thấp sẽ không có khả năng tái đầu tư.” – đồng chí Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu cũng chia sẻ, cần phải nghiên cứu hình thái chính quyền đô thị tập trung. Trong lĩnh vực kinh tế cần xúc tiến đầu tư, quản lý dự án đầu tư, cấp phép đầu tư; Quản lý dự án đầu tư công và các dự án hợp tác công tư. Đối với tài chính ngân sách, nếu để lại khá hơn sẽ thuận lợi cho đầu tư phát triển. Ngoài ra, việc quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin là rất quan trọng để thúc đẩy phát triển…
Thay mặt đoàn công tác, Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao những chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của TPHCM về tổ chức chính quyền đô thị và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM, đặc biệt là những khó khăn và cách xử lý. Đồng chí Trần Lưu Quang khẳng định TP Hải Phòng sẽ đồng hành cùng TPHCM và các địa phương, không chỉ cho sự phát triển của địa phương mà cho đất nước…