Thương yêu thiếu niên, nhi đồng là tình cảm thường trực trong lòng Bác Hồ. Vào dịp Tết Trung thu, trăng sáng, Bác bộc bạch chân thành tình cảm của Bác đối với các cháu: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”. Năm 1956, Bác cùng Bác Tôn Gửi các cháu thiếu nhi Trường Hoàng Lệ Kha và tất cả các cháu niềm Nam lòng thương nhớ, mong mỏi: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt; trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi. Đây là lời thắm thiết chân tình của người ông đối với các cháu, của người trên đối với trẻ nhỏ, của người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đối với thế hệ tương lai. Với tất cả tấm lòng nhân ái bao la và sự tin cậy cao độ, Bác tự nhận, tự khẳng định quả quyết: “Ai yêu nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh” (Thư Trung thu – 1952).
Qua thơ Bác đặt niềm tin, ân cần khuyên nhủ, nhẹ nhàng chỉ bảo, biểu dương, khen ngợi kịp thời khi các cháu đạt thành tích xuất sắc, một hình thức giáo dục nêu gương, một cách nhân điển hình hiệu quả nhất. Bác chăm lo, dạy dỗ các cháu từ việc nhỏ đến việc lớn “Các cháu phải chăm ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy phải kính trọng, lễ phép, đối với bạn phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”, “Giữ kỷ luật, chớ tự do phóng túng vì tự do phóng túng là không tốt”, “phải biết gắng, gắng giúp đỡ thương binh và gia đình các chiến sĩ”, “phải yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động”, “phải thật thà, dũng cảm”, “việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Tuổi các cháu còn nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to”, “Mong các cháu mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do”… Sau này, Bác kết lại thành thơ “Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tuỳ theo sức của mình/ Đi tham gia kháng chiến/ Để gìn giữ hòa bình/ Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh” (Thư Trung Thu – 1952). Những bức thư, những bài thơ Bác gửi cho các cháu đều có những yêu cầu cụ thể, phù hợp với yêu cầu cách mạng, gắn chặt với tình hình đất nước, đúng với hoàn cảnh, việc làm, tâm lý lứa tuổi của các cháu, nội dung giáo dục rất sâu mà lại dễ hiểu, thuộc ngay, làm ngay được. Vào những năm 1960, 1961, xuất phát từ tình hình mới và trên cơ sở tổng kết các điều đã dạy, đã khuyên, Bác đúc kết thành năm điều: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Năm điều Bác Hồ dạy đã trở thành tiêu chuẩn đạo đức của trẻ em Việt Nam phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành cháu ngoan Bác Hồ.
Hầu như thư nào Bác cũng nhắc thiếu niên, nhi đồng phải ham học và học thật giỏi: Trong một bài thơ viết năm 1946, Bác căn dặn thiếu niên nhi đồng: “Bác mong các cháu thật ngoan/ Mai sau gìn giữ giang san Lạc Hồng/ Sao cho nổi tiếng tiên rồng/ Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”. Để giáo dục và khích lệ các cháu, Bác thường nêu những tấm gương điển hình của thiếu nhi trong lịch sử và trong đời sống cụ thể hàng ngày. Bác nêu gương cậu bé Làng Gióng, nêu gương anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản … Bác gửi lời khen bằng thơ đến cháu Phạm Đỗ Hải, một liên lạc viên bị giặc bắt đã dùng mưu trốn thoát, lại còn tuyên truyền, dụ được hai lính Tây ra hàng, Bác khen cháu Lê Văn Trực dũng cảm một mình bắt sống được giặc (Tặng hai cháu liên lạc trong bộ đội quân khu II). Bác khen cháu “Nguyễn Thị Tứ, 13 tuổi, cõng bạn đi học suốt ba năm. Cháu Đặng Văn Kiên, 7 tuổi, đã cứu hai bạn khỏi chết đuối. Cháu Nguyễn Trọng Thể, 6 tuổi, nhiều lần nhặt được của rơi trả lại…” (Bài nói tại lễ kỷ niệm lần thứ 35 Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, 25.3.1966). Trước ngày đi xa, Bác còn kịp viết thư khen ngợi, động viên các cháu thiếu nhi Hợp tác xã Măng non, thôn Phú Mẫm, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc về thành tích đóng góp cho hợp tác xã: “Bác rất vui lòng biết các cháu vừa học tập tốt, vừa tham gia sản xuất tốt… như thế là rất tốt. Các cháu tuy tuổi còn nhỏ, cũng có thể làm những việc ích nước, lợi dân. Các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà, của Hợp tác xã”.
Từ những bức thư, bài thơ của Bác gửi cho thiếu nhi, cho chúng ta thấy một điều hết sức lớn lao, Bác Hồ đã dành tình thương yêu bao la, một tầm nhìn sâu rộng, là người đầu tiên phát hiện và chỉ ra vai trò của thiếu nhi trong sự nghiệp cứu nước và xây dựng đất nước và cũng là lần đầu tiên khẳng định thiếu nhi là lực lượng cách mạng trong công cuộc giải phóng đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.