Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ

Năm nay, kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Nhớ đến Người, chúng ta một lần nữa ghi nhớ công lao to lớn của các thương binh, liệt sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước nhân kỷ niệm 63 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2010). Ôn lại những câu nói, hành động thiết thực đối với thương binh, liệt sĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng cảm thấy tấm lòng yêu thương cao cả của Bác đối với thương binh, liệt sĩ nói riêng và đối với nhân dân nói chung.

Ai cũng biết rằng, ''uống nước nhớ nguồn'' là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Bác Hồ là một tấm gương tiêu biểu nhất. Bác từng nói trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng: ''Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta''.

Sinh thời là Chủ tịch nước, mặc dù bận rất nhiều công việc để lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến và kiến quốc, nhưng hàng năm cứ đến ngày 27/7, ngày Thương binh, liệt sĩ, Bác đều gửi thư cho các đồng chí thương binh và gia đình liệt sĩ Những bức thư của Người giản dị, chân thành. Đó là những lời động viên, an ủi, kêu gọi rất mộc mạc, nhưng cụ thể và thiết thực.

Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày thương binh toàn quốc, để nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh, liệt sĩ. Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, Khu và tỉnh Thái Nguyên đã họp và nhất trí lấy ngày 27/7 hằng năm làm ngày thương binh toàn quốc (từ năm 1955 đổi thành ngày Thương binh, liệt sĩ).

Khoảng 18 giờ ngày 27/7/1947 tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đại diện Đảng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Nha thông tin, Cục Chính trị quân đội, chính quyền huyện Đại Từ, bộ đội, nhân dân địa phương đã mít-tinh để nghe công bố bức thư đầu tiên Bác Hồ gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức ngày thương binh và ghi nhận sự ra đời ''Ngày thương binh toàn quốc”.

Trong bức thư gửi Thường trực Ban tổ chức ''Ngày thương binh toàn quốc”, đăng trên Báo Vệ quốc quân số 11, ra ngày 27/7/1947 - năm đầu tiên kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ, Bác viết: ''Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh. Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy ''.

Không chỉ bằng những câu nói suôn, Chủ tịch Hồ Chí Mình còn thể hiện tình cảm với thương binh, liệt sĩ bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực. Tại buổi lễ xung phong ''Mùa đông binh sĩ” do Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 17/11/1946, Người đã cởi chiếc áo ấm của mình đang mặc để tặng cho binh sĩ. Ngay trong ngày thương binh liệt sĩ đầu tiên (27/7/1947), Bác gửi tặng thương binh một chiếc áo lụa mà chị em phụ nữ đã biếu Bác, một tháng lương của Bác, một bữa ăn của Bác và của các nhân viên Phủ Chủ tịch. Từ đó đến năm 1954, mỗi lần đến ngày Thương binh, liệt sĩ, Bác đều gửi quần áo, một tháng lương của Bác để tặng các thương binh và gia đình liệt sĩ.

Câu chuyện chiếc điều hòa nhiệt độ trong phòng Bác là một trong nhiều câu chuyện thể hiện tấm lòng nhân ái bao la của một con người mà cả cuộc đời ''Nâng niu tất cả, chỉ quên mình'' của Người. Một lần Bác đến thăm trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Hôm đó, trời nóng, khi đến thăm anh chị em thương binh nặng phải nằm bất động, Bác vừa hỏi chuyện vừa cầm chiếc quạt giấy của mình quạt cho anh em. Trên đường về, Bác rất xúc động. Chiếc điều hòa nhiệt độ là quà của các đồng chí ở Bộ Ngoại giao đang công tác ở nước ngoài gửi biếu Bác. Lúc đó, Bác đang ở trong ngôi nhà của người thợ điện trong Phủ Toàn quyền. Ngôi nhà có trần thấp, buổi trưa và buổi chiều rất nóng (lúc này Bác chưa chuyển sang Nhà sàn). Khi các đồng chí phục vụ lắp chiếc điều hòa nhiệt độ vào phòng của Bác, Bác không dùng, mà nói với đồng chí Vũ Kỳ: ''Chiếc máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi''. Ngay chiều hôm đó, chiếc máy điều hòa nhiệt độ trong phòng của Bác được chuyển đi.

Những món quà của Bác giản dị nhưng vô cùng quý giá vì đó chính là sự quan tâm chăm sóc, là tình cảm của Người dành cho thương bệnh binh. Những món quà đó là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với thương bệnh binh, làm ấm lòng người chiến sĩ. Đáp lại tình cảm ấy, bằng tinh thần và nghị lực của anh bộ đội cụ Hồ, nhiều thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã có nhiều cố gắng vươn lên, tự lực cánh sinh trong lao động sản xuất, học tập và trong cuộc sống. Họ không những đã tạo ra công ăn việc làm cho mình và gia đình, mà còn tích cực giúp đỡ đồng đội và con em của họ, tạo dựng nên một cuộc sống có ích hơn, tươi đẹp hơn. Họ đã làm đúng theo đời Bác dạy: Thương binh tàn nhưng không phế.

(Tổng hợp từ các nguồn: sách “Bác Hồ - con người và phong cách”, “Bác Hồ với thương binh liệt sĩ, các thông tin trên Internet...”).

Ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Phú

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo