Triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid - 19
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết: Trong Quý 1/2020, TP đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 thông qua việc yêu cầu đối với hệ thống doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, công ty dịch vụ vui chơi giải trí phòng chống dịch nghiêm ngặt; thực hiện kiểm soát dịch bệnh cục bộ khi có người đến từ vùng dịch; chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trong ngành giáo dục tập trung phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng các phương án đảm bảo hiệu quả các hoạt động chuyên môn và chương trình giáo dục theo quy định; chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện cần thiết cho công tác phòng chống dịch…
Đồng thời, TP chỉ đạo việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, đảm bảo cung ứng khẩu trang vải cho người dân, khẩu trang y tế được tập trung dành cho đội ngũ cán bộ y tế.
Các Thành ủy viên biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết Bên cạnh đó, UBND TP đã chủ động kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn với những chính sách thiết thực, cụ thể, như: giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp thuế; hỗ trợ miễn, giảm thuế; cho phép TP tham gia gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng đã được Chính phủ phê duyệt; giãn thời gian trả nợ đến hạn để doanh nghiệp không rơi vào nhóm nợ xấu; hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi giảm từ 30% trở lên so với lãi suất cho vay theo quy định thông thường; giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động; giảm 50% bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp; hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020 - 2021; điều chỉnh giảm 50% giá điện giờ cao điểm đến tháng 5/2020…
Ngoài ra, UBND TP đã trình HĐND TP thông qua nội dung một số chế độ chi của TPHCM phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid - 19 và hỗ trợ cho người lao động bị tác động bởi dịch Covid - 19 tại kỳ họp thứ 19 với tổng kinh phí thực hiện hơn 2.753 tỷ đồng.
Quang cảnh hội nghị TP đã chủ động làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang… để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất, cung ứng hàng hoá, chủ động kế hoạch phân phối theo hình thức, phương thức phù hợp, tránh tình trạng đứt hàng cục bộ gây tâm lý hoang mang. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, dự trữ và cung ứng hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tránh nguy cơ gây mất ổn định thị trường hàng hóa.
Ngoài ra, TP cũng thực hiện tốt công tác chăm lo, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách có công, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em… góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Theo dõi thường xuyên tình hình biến động lao động, quản lý chặt chẽ tình hình lao động nước ngoài trở lại Việt Nam làm việc từ vùng dịch.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều kiện dịch bệnh
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và cho rằng, dịch bệnh Covid - 19 đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư, các hoạt động cộng đồng doanh nghiệp, của người dân, tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP. Để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, TP cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 tiếp tục triển khai các biện pháp kịp thời, quyết liệt, linh hoạt, phù hợp trong từng giai đoạn, diễn biến dịch bệnh Covid – 19. Kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, hạn chế tối đa mức độ lây lan ra cộng đồng. Nêu cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội của TP tại hội nghị Một số ý kiến cho rằng TP cần tăng cường các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu; tạo điều kiện hỗ trợ, chăm lo người dân, doanh nghiệp, chủ động chuẩn bị các phương án tốt nhất khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất; tiếp tục tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc. Tăng cường phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực, thực phẩm) và thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều kiện dịch bệnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử và kinh tế số. Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số…
Quy tắc ứng xử của từng ngành nghề, của từng khu dân cư
Kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: Trong Quý 1/2020, TP có tốc độ tăng trưởng chậm 0,42% nhưng cũng có điểm sáng như sản xuất về công nghiệp cũng phát triển, xuất khẩu vẫn duy trì mức khá. Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước tuy giảm nhưng vẫn đóng góp 27% cả nước.
Bên cạnh đó, cùng với cả nước với sự lãnh đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Chính phủ, TP đã tổ chức các hoạt động đồng bộ, bài bản hiệu quả trong việc phòng dịch Covid-19. Chính nhờ thực hiện hiệu quả phòng chống dịch này, TP đã không có dịch lây lan rộng trên địa bàn TP. Tổng cộng có 54 ca nhiễm, trong đó 35 ca nhiễm từ nước ngoài về, 19 ca nhiễm lây tại chỗ. “Khi nói đến dịch, từ một người lây ban đầu phải lây hơn 1 người khác thì mới thành dịch. Từ 35 người lây 19 người, tỷ lệ này nhỏ hơn 1 người” - Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân phân tích.
Theo Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân, cùng cả nước giữ số ca lây nhiễm không tăng mà còn giảm dần, đến nay TP còn 8 ca, dự báo đến 30/4, TP còn không quá 2 ca nhiễm bệnh. Tuy nhiên cũng không thể chủ quan vì tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp. “Dịch có thể chấm dứt nhưng không phải là không còn người nhiễm. Và quan điểm là phải kiểm soát số ca nhiễm, hoạt động bình thường.” - Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Để công tác phòng chống dịch Covid -19 hiệu quả trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu TP tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, đặc biệt là phát hiện, ngăn chặn những người có nguy cơ xâm nhập. Trường hợp dương tính cần được khoanh vùng, cách ly F1, F2, F3; mỗi người phải đeo khẩu trang, phải rửa tay.
Theo Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân, để sản xuất trở lại bình thường ở điều kiện mới, TP cần phải có quy tắc ứng xử của từng ngành nghề, của từng khu dân cư để ngăn ngừa dịch. Mỗi một ngành nghề sản xuất kinh doanh, mỗi một loại doanh nghiệp, cơ quan phải xây dựng tiêu chí, hành vi của tập thể, cá nhân để không phát dịch. Đồng thời, yêu cầu đến hết tháng 4, các đơn vị tự khai các tiêu chí và ký xác nhận đảm bảo điều kiện an toàn. Các đơn vị sản xuất, buôn bán, khách sạn nhà hàng, quán ăn cũng phải có quy định. Ngoài ra, cần phải xây dựng tiêu chí công sở an toàn,…
Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất kinh doanh xây dựng bộ tiêu chí sản xuất kinh doanh an toàn, có kiểm tra đăng ký và có lộ trình triển khai. Đặc biệt, dịch vụ phải tăng dần quy mô, nên có lộ trình ít nhất 3 tháng, trở lại quy mô cũ, quy mô tối đa phải có lộ trình. Ngoài ra, hỗ trợ kết nối ngân hàng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid -19.
Về sản xuất kinh doanh từ nay đến hết tháng 5, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đề nghị TP cần phải ưu tiên các chính sách hỗ trợ.
Về đầu tư công và đầu tư xã hội, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP cần có hướng dẫn quận huyện và giao ban đầu tư công với quận huyện 2 tuần một lần để rà soát tiến độ, đặc biệt vận dụng quy trình đền bù, giải tỏa tái định cư mới. “Đồng thời, cần xác định tiến độ, phấn đấu đến 30/10, đây là thời gian Đại hội Đảng bộ TP phải giải ngân đầu tư công được 80%”- Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.
Về đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các cấp ủy Đảng thực hiện đúng quy chế, giám sát tổ chức thi đua ở cơ sở, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Năm nay là năm cuối nhiệm kỳ, vai trò cấp ủy, người đứng đầu là rất quan trọng, góp phần thực hiện phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.
Trong Quý 1/2020, tổng thu ngân sách nhà nước của TPHCM thực hiện ước đạt hơn 88.241 tỷ đồng, đạt 21,74% dự toán, giảm 8,63% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt hơn 60.504 tỷ đồng, đạt 21,72% dự toán, giảm 4,73% so cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt hơn 4.121 tỷ đồng, đạt 33,78% dự toán và giảm 25,98% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt hơn 23.590 tỷ đồng, đạt 20,51% dự toán và giảm 14,17% so cùng kỳ.