Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của UBND Quận Thủ Đức. Ảnh: Thanhuytphcm.vn (Thanhuytphcm.vn) – Ngày trước, đi chứng thực cái giấy khai sinh hay bằng cấp ở phường-xã, phải mất cả buổi. Có khi mang cái giấy cần chứng thực đến nơi, nhân viên báo lãnh đạo bận đi họp, đi học,… đành phải quay về - Anh Tư kể.
-Ngày nay, tác phong phục vụ của cán bộ, công chức có tiến bộ hơn. Nhiều nơi tổ chức làm việc vào giờ trưa, cuối giờ chiều, sáng thứ bảy,… để phục vụ người dân – Chị Tư lạc quan.
-Thế nhưng, vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM phải thốt lên “xấu hổ quá”, khi một doanh nghiệp gửi hồ sơ xin tham gia chương trình kích cầu doanh nghiệp. Thế nhưng phải mất… 1,5 năm, hồ sơ chuyển lòng vòng qua các sở, phòng ban, cuối cùng mới trình lên Chủ tịch UBND TP ký! - Anh Tư băn khoăn.
-Thời đại công nghệ 4.0, thời cơ, thời gian, ảnh hưởng và quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. “Ngâm” hồ sơ của người ta cả năm rưỡi trời, khác nào dâng cơ hội cho đối thủ cạnh tranh – Chị Tư phân tích.
-Gần đây, lãnh đạo TPHCM làm việc với các sở ngành, quận huyện, kiểm tra và chỉ đạo quyết liệt việc cải cách hành chính, trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp… Tinh thần là việc cải cách hành chính phải sâu sắc, xuất phát từ trái tim cán bộ công chức. Khi chứng kiến người dân tới xếp hàng lâu thì người công chức phải bức xúc, phải suy nghĩ cách để người dân bớt cực khổ. Có nơi, người lớn tuổi thường quên mắt kính, không thấy rõ để ký giấy tờ thì ở phường có để sẵn nhiều mắt kính với những độ khác nhau để người dân lấy xài… Dù là những việc nhỏ, nhưng người dân thấy vui, hài lòng khi được quan tâm, được phục vụ.
-Nghe đâu tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn được kéo giảm dưới 1%, vẫn còn sự bức xúc lớn trong dân? – Chị Tư thắc mắc
-Dù chỉ 1% trong tổng số đến 14 triệu là cả 140.000 hồ sơ. Con số hồ sơ trễ hẹn khá lớn, sao tránh khỏi thiệt hại cả về tiền bạc, thời gian, công sức và cả sự bức xúc? – Anh Tư giải đáp.
-Trong thực hiện cải cách hành chính, phẩm chất, đạo đức cán bộ công chức được quán triệt: phải biết thực hiện “4 xin” khi giao tiếp và giải quyết công việc cho nhân dân. Đó là “xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn” để phấn đấu xây dựng nền hành chính minh bạch, năng động, hiệu quả và vì dân… Chẳng phải Thành phố đang làm tốt việc “xin lỗi” hồ sơ trễ hẹn? – Chị Tư tiếp tục thắc mắc
-Theo tôi, cán bộ công chức trong thực thi công vụ không chỉ thực hiện “4 xin” là “xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn”, mà còn phải biết “xin nhận trách nhiệm, xin nhường chức vụ-công việc” cho người có năng lực làm tốt hơn mình. Do đó, việc cải cách hành chính phải xuất phát từ trái tim cán bộ công chức và phải đến được trái tim người dân, đó là sự hài lòng cao – Anh Tư thẳng thắn nói.