PCI của TP đã chuyển từ nhóm có chỉ số năng lực cạnh tranh “khá” thành nhóm “tốt”
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm, qua phân tích số liệu thứ hạng và điểm số chỉ số PCI của TP trong giai đoạn 2017 - 2019, thứ hạng có sự thay đổi từ hạng 8 sang hạng 14 (năm 2017 hạng 8, năm 2018 hạng 10 và năm 2019 hạng 14). Tuy nhiên, về điểm số TP đều tăng hàng năm và tăng từ 65,19 điểm thành 67,16 điểm trong giai đoạn 2017 - 2019 (năm 2017 là 65,19 điểm, năm 2018 là 65,34 điểm và năm 2019 là 67,16 điểm).
Về các chỉ số thành phần của PCI thành phố trong giai đoạn 2017 - 2019 tập trung vào nhóm có điểm cao và nhóm có điểm số trên trung bình. Cụ thể, nhóm các chỉ số có điểm số cao (từ 6,79 đến 7,3 điểm), chiếm 50% số lượng chỉ số gồm gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đào tạo lao động. Trong nhóm này, các chỉ số cao điểm nhất là gia nhập thị trường và hỗ trợ DN. Tuy nhiên, hai chỉ số này có xu hướng giảm điểm (giảm không quá 0,5 điểm).
Nhóm các chỉ số có điểm số trên trung bình (từ 5,39 đến 6,35 điểm), tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Các chỉ số này có xu hướng tăng điểm nhưng tăng không nhiều (tăng không quá 1 điểm).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho rằng: Các chỉ số thành phần của PCI thành phố trong giai đoạn 2017 - 2019 có tăng nhưng không nhiều (tăng 1,97 điểm trong 3 năm), trong khi các tỉnh thành khác có sự tăng mạnh về điểm số nên dẫn đến việc TP xuống hạng. Năm 2019, PCI của TP đã chuyển từ nhóm các tỉnh thành có chỉ số năng lực cạnh tranh “khá” thành nhóm “tốt”. Điều này chứng minh TP đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, DN nhưng sự chuyển biến chưa thật sự mạnh mẽ.
Về kết quả chỉ số cải cách hành chính (CCHC), năm 2017, TP đạt 83,50/100 điểm, được xếp thứ tự số 10/63 tỉnh, TP. Năm 2018, TP đạt 79,63/100 điểm, được xếp vị trí 10/63 tỉnh, TP. Năm 2019, TP đạt 83,56/100 điểm, được xếp vị trí 7/63 tỉnh, TP.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm, qua kết quả trên cho thấy, công tác CCHC có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ TP đến cơ sở và kết quả nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện đúng các quy định, các nhiệm vụ kế hoạch đặt ra. Có sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các cấp, nhất là cấp TP, thủ trưởng các sở, ngành trong tham mưu, triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà các tiêu chí, tiêu chí thành phần của đề án đã đặt ra, nổi bật là ở các lĩnh vực chỉ đạo, điều hành CCHC và hiện đại hóa hành chính. Tuy nhiên, kết quả thẩm định chỉ số qua các năm cho thấy vẫn còn nhiều nội dung chưa đạt yêu cầu, cần phải quyết liệt triển khai nghiêm túc, có hiệu quả.
Giải quyết hồ sơ thủ tục cho người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của UBND Quận 2. Nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính
Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho hay: Trong năm 2020, UBND TP triển khai thực hiện các giải pháp như áp dụng tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ DN, cung cấp thông tin nhanh chóng và đầy đủ để DN lựa chọn dịch vụ; nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ công với thủ tục đơn giản, rút ngắn thời gian. Tăng cường công tác tiếp xúc, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng lực sản xuất. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thực tế của DN. Hỗ trợ DN xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối, tiêu thụ hàng hóa.
Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC); hoàn thiện hệ thống thể chế và các TTHC trong công tác kiểm soát TTHC. 100% đơn vị áp dụng công nghệ thông tin quá trình tiếp nhận, xử lý, trả kết quả hướng đến một Chính phủ điện tử nhằm mục đích phục vụ tốt hơn cho DN. Công khai minh bạch tất cả các TTHC, tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận, thực hiện các thủ tục khi có nhu cầu hay trong việc giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các thủ tục liên quan đến quá trình gia nhập thị trường của DN.
Mặt khác, đẩy mạnh rà soát, kiến nghị bộ, ngành đơn giản hóa TTHC, cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC tại đơn vị nhằm đạt mức độ hài lòng của người dân và DN về giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, xây dựng, hoàn chỉnh các TTHC theo hướng đơn giản hóa rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết các thủ tục cho người dân và DN.
Về công tác CCHC, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đề nghị các sở, ngành, UBND quận, huyện tổ chức đánh giá, rà soát những hạn chế, yếu kém trong công tác CCHC theo phạm vi ngành, lĩnh vực phụ trách; đề ra các biện pháp cụ thể khắc phục, bảo đảm nhiệm vụ CCHC của TP được triển khai đúng tiến độ và kế hoạch. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc trả lời các phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết.
Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ CCHC với nội dung trọng tâm là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, tình hình tổ chức giải quyết TTHC cho người dân, DN.
Bên cạnh đó, tăng cường thông tin về kết quả đạt được của công tác CCHC trên các phương tiện truyền thông, nhất là các mô hình, giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và tổ chức.