Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp. - Ảnh: VGP Ngày 1/4, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra các Bộ, cơ quan về các quy định đang gây khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết trong quý I vừa qua, lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp, GDP ước tăng 6,79%. Tuy nhiên nền kinh tế vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong nông nghiệp, công nghiệp. Vừa qua, chúng ta đã tập trung cải cách, trong năm 2018 đã nỗ lực cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục, danh mục kiểm tra chuyên ngành, nhưng tổng hợp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp cho thấy việc cải cách cần tập trung và thực chất hơn.
Thực hiện ý kiến của Thủ tướng, Tổ công tác đã nắm bắt ý kiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và tổ chức buổi làm việc với 5 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
“Mặc dù các Bộ cải cách rất mạnh, đã trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành nhiều văn bản nhưng thời gian qua, có những thông tư được ban hành tạo ra rào cản rất khó khăn cho doanh nghiệp. Tinh thần của buổi làm việc là đi thẳng vào những vấn đề thực chất, nếu nhìn nhận đúng là rào cản, giấy phép con thì phải cân nhắc, xem xét”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Đánh giá Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất tích cực cải cách trong thời gian qua, Tổ công tác đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình về 14 nội dung được doanh nghiệp kiến nghị, cụ thể là: Vướng mắc trong quy định nhập khẩu nguyên liệu để gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài chuyển tải tại các cảng trung chuyển của quốc gia khác; quy định công bố cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Cùng với đó là các nội dung: Chồng chéo trong kiểm tra chất lượng và kiểm dịch nguyên liệu thức ăn; quy định khảo nghiệm giống vật nuôi mà đã được nuôi phổ biến trên thế giới; về thời gian xem xét hồ sơ đăng ký sản phẩm thuốc thú y, chế phẩm thức ăn bổ sung sản xuất trong nước; về quy định hồ sơ truy xuất nguồn gốc lâm sản nhập khẩu không rõ ràng; việc giảm một số thủ tục trong khảo nghiệm phân bón.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị bổ sung định nghĩa về phân bón giả, phân bón kém chất lượng; xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trong đó có phân bón hữu cơ; đề nghị không áp dụng kiểm dịch thực vật với gỗ tròn, gỗ xẻ nhập khẩu với trường hợp các lô gỗ đó các nước đã xuất khẩu đã có hồ sơ chứng nhận kiểm dịch rồi; đề nghị cập nhật các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc thú y; đề nghị quy định về đấu thầu thuốc sát trùng trong thú y và hóa chất dùng trong xử lý môi trường thủy sản dùng để dự trữ.
Với Bộ Tài chính, doanh nghiệp kiến nghị 5 vấn đề đều liên quan đến thuế. Trong đó, kiến nghị đầu tiên là về Luật số 71 ngày 26/11/2014 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế VAT, dẫn đến sản phẩm phân bón không được khấu trừ thuế VAT của nguyên vật liệu, chi phí đầu vào, gây bất lợi cho doanh nghiệp kinh doanh phân bón.
Với Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp kiến nghị các vướng mắc liên quan tới việc đánh giá tác động môi trường kéo dài (45 ngày) lại phải qua Hội đồng thẩm định, gây khó khăn cho doanh nghiệp; vướng mắc về các chỉ tiêu trong nước thải chế biến thủy sản sau xử lý.
Bộ Khoa học và Công nghệ được kiến nghị các khó khăn vướng mắc khi thiếu hướng dẫn quy định về ghi nhãn hàng hóa liên quan đến các dòng hàng đặc thù của thủy sản.
Với Bộ Y tế, các doanh nghiệp nêu 2 kiến nghị, trong đó đáng chú ý các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị về bất cập liên quan đến quy định sử dụng muối I-ốt trong chế biến thực phẩm được quy định tại Nghị định 09 năm 2016. Cho tới nay, Bộ vẫn chưa trình phương án bãi bỏ quy định bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải sử dụng muối I-ốt, trong khi nhiều ý kiến cho rằng việc này không nên bắt buộc mà chỉ khuyến khích.
“Các Bộ đã nỗ lực cải cách rồi nhưng yêu cầu của Thủ tướng, của doanh nghiệp là cải cách tốt hơn, thực chất hơn, tránh việc cắt điều kiện này thì mọc quy chuẩn, tiêu chuẩn khác, phải cắt bỏ những gì không cần thiết”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.