Khám bệnh cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (ảnh: Đan Như) (Thanhuytphcm.vn) - Tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài tại TPHCM những ngày gần đây khiến số lượng trẻ em nhập viện tăng đột biến. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về hô hấp, tiêu hóa gia tăng…
Nhiều trẻ phải nhập viện điều trị hô hấp, tiêu hóa
Chăm sóc con điều trị tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, chị Lê Thị Minh Anh, ngụ Quận 8 kể: “Con tôi bị viêm phổi, thở mạnh nên phải nằm viện điều trị. Mấy ngày đầu, thấy cháu bị ho, gia đình mua thuốc cho bé uống nhưng ngày càng nặng thêm. Đến ngày thứ ba là cháu bị sốt cao, thở mạnh nên cho đi Bệnh viện Nhi đồng 1. Thời tiết nắng nóng cực điểm thế này bé cứ sốt hoài…”.
Những ngày qua, thời tiết tại TPHCM oi bức và nắng nóng kéo dài liên tục nhiều trẻ em không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm nên dễ mắc bệnh. Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi ngày tiếp nhận khoảng gần 5.000 bệnh nhi đến khám. Các bệnh nhi nhập viện tại đây phần lớn là bệnh viêm đường hô hấp. Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa khám bệnh - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím, sức đề kháng của trẻ em giảm; bé dễ thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn, đặc biệt trẻ dễ các bệnh lý hô hấp, như viêm phổi. Ngoài ra, trẻ có thể bị bệnh tiêu hóa do nắng nóng khiến thực phẩm dễ ôi thiu, vi trùng phát triển nhanh gây bệnh đường ruột như tiêu chảy cấp, đi tiêu ra đàm máu.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, số bệnh nhân nhi đến khám và nhập viện những ngày qua cũng tăng lên đáng kể, trong đó có bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói tăng nhiều, từ 10-15% so với tháng trước. Cùng với đó, có hàng ngàn trường hợp điều trị ngoại trú do liên quan đến các bệnh khác như viêm họng, viêm phế quản do nhiễm siêu vi…
Theo bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, trẻ năng động, ham chơi, chạy ra ngoài nắng nóng nhiều nên dễ bị bệnh. Trong khi đó, có nhiều trẻ rơi vào tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột, chạy từ ngoài trời vào thẳng phòng máy lạnh, xuống hồ bơi ngay hoặc tắm ngay khi vừa mới đi ra ngoài về nhà, tắm nhiều lần trong ngày, ngâm mình lâu trong bể bơi… Thời tiết nóng bức, khi mặc quần áo chật, bí bức cũng dễ đổ mồ hôi nhiều, da nhạy cảm nên gây nhiều trẻ bị nổi mẩn ngứa, gãi và trở nên viêm da…
Hạn chế thay đổi nhiệt độ đột ngột
Theo các bác sĩ, nắng nóng dễ mất nước nên phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước, nhưng không để trẻ uống quá nhiều nước trắng, nước ngọt có ga kèm theo đá lạnh. Nên cho trẻ uống nước ép từ các loại trái cây tươi. Bên cạnh đó, phải chú ý dung hòa nhiệt độ các phương tiện làm mát phù hợp với cơ thể trẻ, hướng dẫn trẻ hạn chế thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ bị sốc nhiệt. Theo Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, khoảng từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều là thời điểm nắng nóng nhất, nhiều tia cực tím nhất rất độc hại cho sức khỏe nên đừng để trẻ phải ra nắng. Đặc biệt là phải cho bé uống nhiều nước bởi nắng nóng gây thiếu nước, thiếu điện giải nên em bé dễ suy kiệt và bị bệnh. Ngoài ra, cần có các loại nước trái cây, vitamin bổ sung cho trẻ.
Bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên khuyến cáo, phụ huynh không nên chủ quan các biểu hiện của trẻ, như ho, sốt, sổ mũi, để lâu kéo dài sẽ khiến bệnh tình nặng hơn sẽ phải nhập viện để điều trị. Nếu sốt cao mà khó hạ, hai ba tiếng đồng hồ mà vẫn 39, 40 độ C thì nên dùng thuốc hạ sốt; hoặc trải qua 2, 3 ngày, kèm theo các triệu chứng nôn ói, mệt mỏi, lả người đi, không ăn uống gì thì nên cho trẻ đến bác sĩ thăm, khám. Có những trẻ sốt mấy ngày trôi qua có thể viêm phổi âm thầm diễn tiến hoặc viêm màng não.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng hay thời điểm giao mùa gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao nên mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành. Nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc. Trong thời tiết nóng bức hay trong thời điểm giao mùa, phải lưu ý thêm các bệnh lý về đường hô hấp. Nguyên nhân là do mọi người có xu hướng ở trong các phòng máy lạnh quá lâu, sử dụng nhiều quạt hoặc ăn uống các loại thức ăn, thức uống lạnh hay có đá… những hoạt động như vậy vô tình làm khô niêm mạc, khô chất nhầy của đường hô hấp. Việc này sẽ làm cho các vi trùng có lợi cho cơ thể chết đi, tạo điều kiện thuận lợi cho các siêu vi, vi trùng ngoại lai dễ xâm nhập gây các bệnh lý như: nhiễm siêu vi, viêm đường hô hấp trên… Ngoài ra, nhiệt độ môi trường cao dễ làm cho thức ăn bị ôi thiu, cùng với sự phát triển mạnh của các trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, gián… dễ gây ngộ độc thực phẩm đặc biệt là các vụ ngộ độc tập thể.
Theo bản tin cảnh báo nắng nóng trên khu vực Nam bộ của Đài Khi tượng Thủy văn khu vực Nam bộ ngày 27/3, từ ngày 28/3 nắng nóng có xu hướng gia tăng và mở rộng trên khu vực các tỉnh miền Đông và một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Nhiệt độ cao nhất dao động khoảng từ 35 - 37 độ C. Từ 30/3 nắng nóng thu hẹp trên khu vực. Riêng tại TPHCM, từ ngày 27 đến 29/3, nhiệt độ cao nhất từ 35 - 37 độ C, độ ẩm 25 - 40% .