Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tạo hành lang pháp lý cho phát triển các loại hình thư viện, phát triển văn hóa đọc

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, sáng 13/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thư viện.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hơn 10 năm gần đây, các thư viện đã từng bước hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng thư viện điện tử, thư viện số nhằm cung cấp thông tin cho người sử dụng được dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, hoạt động thư viện ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thỏa mãn được nhu cầu đọc, sử dụng và khai thác thông tin của các tầng lớp nhân dân. Nhiều thư viện ở Việt Nam luôn phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu do ngân sách đầu tư cho thư viện còn hạn chế. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các thư viện là thiếu nguồn lực để phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; người làm công tác thư viện thụ động, thư viện chưa thực sự được tạo điều kiện để phát huy hết sự chủ động và sáng tạo trong công tác.

Cho ý kiến vào dự án Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, so với mục tiêu xây dựng Luật, tổng thể cấu trúc còn chưa hợp lý, thiếu những quy định khái quát để tạo hành lang pháp lý cho phát triển các loại hình thư viện, phát triển văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Dự thảo Luật có một điều quy định một số chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện. Tuy nhiên, các chính sách còn dàn trải, chưa xác định rõ về ưu tiên trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động thư viện, chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy văn hóa đọc trong nhân dân.

Thường trực Ủy ban cho rằng phát triển sự nghiệp thư viện là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước. Trong điều kiện ngân sách có hạn, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, hiện đại hóa, số hóa các thư viện công lập trọng điểm, đẩy mạnh hoạt động liên thông từ các thư viện công lập trọng điểm và thư viện khác đến những nơi có nhu cầu; phát triển văn hóa đọc nhất là đối với thanh niên, học sinh, sinh viên; cung cấp dịch vụ thư viện cho người có công với cách mạng, người cao tuổi, đồng bào dân tộc, người khuyết tật và đồng bào ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Các nội dung hoạt động khác như: sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị các tài liệu quý hiếm nên được phối hợp với công tác lưu trữ, bảo tàng; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực hoạt động thư viện nên được phối hợp với công tác giáo dục, đào tạo. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện và dịch vụ phục vụ hoạt động thư viện.

Dự thảo Luật phân loại thư viện theo hình thức sở hữu gồm công lập và ngoài công lập. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng cách phân loại này thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, tuy nhiên, chưa bao quát và chưa rõ về mô hình tổ chức của các loại hình thư viện. Theo xu hướng chung trên thế giới, thư viện được phân loại theo chức năng, nhiệm vụ. Cách phân loại này sẽ giúp cho việc hình thành mạng lưới thư viện, xác định rõ hơn tính đặc thù, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của từng thư viện để có chính sách đầu tư hiệu quả. Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để có quy định phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, cần xem lại định nghĩa hoạt động thư viện là không vì lợi nhuận, điều này chỉ đúng với các thư viện quốc gia, thư viện tỉnh, hoạt động phi lợi nhuận nhưng phải thu lệ phí để bảo tồn. Còn quy định chung chung là đã là thư viện thì phi lợi nhuận chưa chắc phù hợp. Ông lấy ví dụ về Google và Facebook – “kho” cung cấp thông tin tư liệu trực tuyến, và các nền tảng này đã thu hút được rất nhiều tiền từ quảng cáo, riêng Facebook mỗi năm thu của Việt Nam 200 triệu USD nhờ quảng cáo, thì không thể định nghĩa là hoạt động phi lợi nhuận được.

Bên cạnh đó, cần xem lại quy định về xếp hạng thư viện. Dự thảo quy định xếp hạng thư viện dựa trên các tiêu chí về quy mô, cơ sở hạ tầng, vốn tài liệu, tiện ích thư viện, hiệu quả hoạt động, cơ cấu, trình độ và năng lực của người làm thư viện là chưa cụ thể về tiêu chí, nguyên tắc và chính sách đối với mỗi hạng, khó khả thi. Thực tế 12 năm qua cho thấy, việc xếp hạng thư viện thực hiện theo Thông tư 67/2006/TT-BVHTT còn nhiều bất cập do xếp hạng thư viện dựa trên tiêu chí hành chính làm ảnh hưởng đến chính sách đầu tư, hiệu quả hoạt động của thư viện và do chính sách đối với cán bộ lãnh đạo thư viện công cộng chưa hợp lý khi dựa vào kết quả xếp hạng thư viện. Đến nay, Thông tư 67 vẫn chưa được tổng kết.

Tờ trình của Chính phủ cho thấy, sau gần 18 năm triển khai Pháp lệnh Thư viện, sự nghiệp thư viện Việt Nam đã có những bước tiến đáng khích lệ, mạng lưới thư viện công lập phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng với hơn 31.000 thư viện và hơn 21.000 tủ sách, phòng đọc cơ sở. Từ chỗ chỉ là nơi giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc, thu thập, tổ chức khai thác và sử dụng vốn tài liệu dùng chung, đến nay thư viện đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, không gian học tập sáng tạo của cộng đồng, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo