
Soạn giả Trần Hà. (Ảnh tư liệu)
(Thanhuytphcm.vn) - Soạn giả Trần Hà, tác giả của nhiều kịch bản cải lương nổi tiếng: Chắp cánh chim bằng, Khách sạn hào hoa, Bóng hồng sa mạc, Mái tóc người vợ trẻ, Nửa mảnh tim…, vì tuổi cao sức yếu đã qua đời tại nhà riêng vào sáng 21/1, thọ 88 tuổi.
Soạn giả Trần Hà tên thật là Nguyễn Văn Thiệt, sinh năm 1928 tại làng Nhâm Lăng, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Tham gia kháng chiến chống Pháp, ông công tác tại ngành Công an tỉnh Sóc Trăng. Sau Hiệp định Genève (1954), Trần Hà được cử về thành hoạt động dưới sự phụ trách trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Khuynh, Ủy viên Ban Binh vận liên tỉnh miền Đông. Do có năng khiếu viết lách, ông học viết tuồng và trở thành soạn giả cải lương để tạo “vỏ bọc” phục vụ công tác. Sự phát triển mạnh mẽ của sân khấu cải lương thập niên 60 - 70 thế kỷ XX là “mảnh đất lý tưởng” cho lực lượng cán bộ văn hóa kháng chiến về thành hoạt động khi khéo léo lồng ghép những tư tưởng tiến bộ về lòng yêu nước, khát vọng thống nhất đất nước trong những vở tuồng. Cùng với Trần Hà, còn có Hà Triều, Hoa Phượng, Quy Sắc, Mai Quân, Mộc Linh, Thiếu Linh… đã trở thành lớp tác giả trụ cột đưa sân khấu cải lương phát triển đến đỉnh cao giai đoạn trước năm 1975. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Trần Hà đã cộng tác cho nhiều sân khấu, như Mai Hoa, Kim Chung, Thủ Đô, Kim Chưởng, Thăng Long Huỳnh Thái, Dạ Lý Hương… (trước năm 1975), Thanh Minh (Thanh Nga), Sài Gòn 2, Sài Gòn 3 (sau năm 1975)… Sau ngày giải phóng, Trần Hà còn làm công tác quản lý ở Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM, Hội Sân khấu TPHCM và phụ trách nhiều đoàn hát tại TP.
Công chúng nhớ đến tác phẩm của Trần Hà qua phong cách riêng: chủ yếu khai thác cốt truyện dã sử, dân gian với tư tưởng phương Đông đề cao trung, hiếu, tiết, nghĩa, sự thủy chung, luật nhân quả “ở hiền gặp lành”… gần gũi tâm lý người Việt Nam. Ông cũng khéo léo lồng ghép thông điệp về niềm tin mãnh liệt vào một ngày non sông độc lập, đất nước thống nhất qua hai tác phẩm tiêu biểu là Nửa mảnh tim và Mái tóc người vợ trẻ… Tác phẩm nổi tiếng nhất của Trần Hà là Khách sạn hào hoa (đạo diễn: NSND Huỳnh Nga) trên sân khấu đoàn cải lương Sài Gòn 2, một trong những vở diễn tiên phong của sân khấu cải lương cách mạng sau năm 1975, đã “cháy vé” trong một thời gian dài khi công diễn, cũng như lập thành tích “nghẹt rạp” với tần suất 2 suất/ngày cả tuần lễ khi lưu diễn tại Rạch Giá.
Tang lễ của soạn giả Trần Hà được tổ chức tại nhà riêng (38/24 Trần Khắc Chân, Quận 1, TPHCM). Lễ động quan diễn ra vào 7 giờ ngày 23/1, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa
 |
Năm 2008, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã dàn dựng lại vở cải lương kinh điển Khách sạn hào hoa với 3 diễn viên chính là: NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Trọng Phúc và NSƯT Thoại Mỹ. (Ảnh: Thanh Hiệp) |