Sinh viên tham dự một cuộc thi cảm nhận về sách tổ chức tại Đường Sách TPHCM (Thanhuytphcm.vn) - Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia tại Hội thảo “Các giải pháp và mô hình tiêu chuẩn của việc rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho TPHCM” do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 24/1. Hội thảo có sự tham gia của nhiều cơ quan, nhà khoa học, giảng viên và sinh viên. Đây là diễn đàn khoa học để chia sẻ các nghiên cứu, chỉ ra thực trạng và bàn giải pháp rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên hiện nay.
Theo ý kiến các đại biểu cho thấy, việc học tập và rèn luyện kỹ năng mềm trong sinh viên hiện nay chưa được quan tâm thỏa đáng. Đa số các trường đều tập trung đến buổi hội thảo, báo cáo chuyên đề kỹ năng mềm vì giải pháp này đảm bảo được tiêu chí tiết kiệm thời gian, đảm bảo nguồn nhân lực cần thiết, hạn chế chi phí phát sinh chứ chưa hẳn là để hiệu quả… Chính vì vậy mà sinh viên có biểu hiện tích cực khi vận dụng các thao tác có liên quan đến kỹ năng làm việc nhóm nhưng nhìn tổng thể kỹ năng này còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Các nghiên cứu cũng cho biết chỉ một nửa số sinh viên hiểu biết đúng về khái niệm của kỹ năng giải quyết vấn đề. Khá nhiều sinh viên không quan tâm đến các bước để giải quyết vấn đề mà chủ yếu hành động theo suy nghĩ chủ quan. Nguyên nhân của thực trạng này là do sinh viên không được hoặc ít trang bị về nội dung này.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, trong khi thực trạng sinh viên yếu kỹ năng mềm như vậy nhưng đội ngũ giảng viên giảng dạy kỹ năng mềm thì phần lớn chưa có kinh nghiệm ứng dụng. Giảng viên có thành tựu nhất định nhưng thiếu hẳn phương pháp sư phạm, các giảng viên tập trung giảng lý thuyết, chia sẻ kinh nghiệm về vai trò của kỹ năng mềm mà chưa triển khai được bản chất của kỹ năng và mô hình cấu trúc kỹ năng hay các bước rèn luyện. Bên cạnh đó mô hình rèn luyện kỹ năng mềm không có, thiếu cơ sở khoa học…
“Chương trình Giáo dục kỹ năng mềm còn thả nổi ngay từ khâu biên soạn, thẩm định dẫn đến việc sinh viên chưa hài lòng về những gì được đào tạo bồi dưỡng khi bước vào thực tiễn: Chương trình xây dựng không quy chuẩn, tài liệu tham khảo không thẩm định, tài liệu vi phạm bản quyền…”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết.
Các chuyên gia cho rằng hiện nay sinh viên còn thiếu kỹ năng mềm. Ảnh: Quang cảnh tại hội thảo TS Bùi Hồng Quân, Học viện Cán bộ TPHCM đưa ra một số phương pháp để phát triển kỹ năng mềm, đó là tự học và tự rèn luyện; học theo nhóm, học chính quy ở trường và học theo chuyên đề trải nghiệm. TS Bùi Hồng Quân cho rằng, muốn giải quyết được nhiệm vụ này, cần có những định hướng từ việc xác định cơ chế rèn luyện kỹ năng mềm, bối cảnh xung quanh, yêu cầu từ thực tế, các định hướng triển khai rèn luyện để chuẩn bị hành trang cho sinh viên đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra các bậc đào tạo cũng như chuẩn kiến thức và kỹ năng phù hợp với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Các chuyên gia cho rằng, vai trò của người giảng viên vô cùng quan trọng trong công tác hướng dẫn sinh viên thực hiện, rèn luyện. Nhà trường muốn thay đổi phải thực sự chú trọng nhiều hơn nữa công tác giáo dục, đặc biệt trong việc đào tạo, rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên, trong đó trước hết cần quan tâm đến chất lượng đội ngũ giảng viên. “Mô hình rèn luyện kỹ năng mềm và đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo hay chương trình chi tiết học phần kỹ năng mềm là những tiêu điểm cần xem xét nghiêm túc và thay đổi nhanh chóng, cấp thiết…”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho hay.