Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020)

Niềm tin và những giá trị cộng dồn

45 năm trôi qua, TPHCM hôm nay trở thành trung tâm, đô thị phát triển lớn nhất nước. (Ảnh: Q.Việt)

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 30/4/1975 đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ngày kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà, non sông thu về một mối, ngày đất nước cùng hát bài ca chiến thắng, kết đoàn.

45 năm trôi qua, hình ảnh của một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất đang chuyển mình phát triển từng ngày, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, uy tín và vị thế trên trường quốc tế được nâng lên là minh chứng sống động cho trọng trách của Đảng được Bác Hồ gửi gắm trong Di chúc thiêng liêng của Người và đó cũng là trọng trách nhân dân giao phó.

Trọng trách ấy được nhân dân đặt trọn niềm tin trong quá trình đấu tranh, lãnh đạo cách mạng và trong giai đoạn xây dựng phát triển đất nước. Những thành quả đạt được tạo nên giá trị cộng dồn bổ sung vào các giá trị truyền thống của dân tộc, đó là tinh thần đoàn kết, yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, luôn biết cách vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội.

Thấu hiểu, tự hào với những giá trị đúc rút từ khói lửa, chiến tranh, qua đó biết trân trọng và gìn giữ giá trị hòa bình, độc lập, tự do là điều mà các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau phải thực hiện.

Phát biểu tại “Lễ Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020)”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Trong thời khắc thiêng liêng, xúc động này, chúng ta thành kính tưởng nhớ và đời đời biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam - Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta; chúng ta bày tỏ sự tri ân, biết ơn vô hạn sự cống hiến to lớn của các thế hệ tiền bối cách mạng đi trước, tưởng nhớ biết bao đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc…”

Sự mất mát, hy sinh trong chiến tranh là điều khó tránh, tuy nhiên với tâm thế chấp nhận và sẵn sàng đánh đổi máu xương, sinh mệnh, không ngại khó, ngại khổ, đau thương bởi chiến tranh vì hòa bình thống nhất giang sơn, góp phần hình thành nên các giá trị cộng dồn, vun đắp vào kho tàng các giá trị truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc.

Có thể nhận thấy, thông qua báo chí, truyền thông, trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử, những giá trị ấy đang được làm phong phú thêm bởi những câu chuyện, thước phim, hình ảnh chân thật, tái hiện không khí hào hùng của thời khắc lịch sử, mùa xuân thống nhất nước nhà. Cũng là dịp quan trọng để toàn Đảng, toàn quân và dân ta ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ - thế hệ sinh ra trong thời bình hiểu sâu sắc giá trị lịch sử đại thắng mùa Xuân 1975, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lịch sử hào hùng được tạo nên bởi những người anh hùng dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng đã làm nên những chiến công hiển hách, đánh đuổi giặc ngoại xâm, thu giang sơn về một mối. Nhưng để viết tiếp vào trang sử vàng của dân tộc thành tựu thời kỳ đổi mới, khi mà hiện nay xuất hiện bộ phận không nhỏ những người thờ ơ, vô cảm với những vấn đề xã hội, đất nước, đòi hỏi toàn Đảng, toàn xã hội cần có giải pháp giáo dục thiết thực nhằm khơi gợi lòng yêu nước, củng cố niềm tin, bồi đắp lý tưởng cao đẹp cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Giáo dục tình cảm cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ là việc làm không mới, nhưng để nó đi vào tâm tưởng, hình thành nhận thức, tác động, làm thay đổi hành vi một bộ phận không nhỏ những người có lối sống thờ ơ, vô tâm là việc làm lâu dài, thường xuyên, liên tục. Có như vậy, mới kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc hình thành những quan điểm méo mó, lệch chuẩn, tạo điều kiện để các giá trị nhân văn trong thời đại mới phát huy, liên tục thẩm thấu vào lý tưởng cao đẹp của thế hệ hôm nay, xác lập niềm tin vững chắc, lan tỏa, tạo lập nên những giá trị cộng dồn, trở thành tài sản quý báu, góp công, góp sức vào xây đựng đất nước phồn vinh.

Và như chúng ta nhận thấy, điều đó đang được diễn ra, bằng nhiều hình thức, cách thức khác nhau, không chỉ trong những sự kiện quan trọng của đất nước mà đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng từ trung ương đến địa phương, toàn xã hội. Có điều, đừng để nó rơi vào hình thức, chiếu lệ.

Phan An


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo