Ca khúc Những đôi mắt mang hình viên đạn (Thanhuytphcm.vn) - Chỉ trong 3 năm 8 tháng và 20 ngày cầm quyền (giữa năm 1975 đến 1979), chế độ Pol Pot đã xóa bỏ mọi hoạt động kinh tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật… và giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia, đẩy đất nước Campuchia vào thảm họa diệt vong. Đồng thời Pol Pot phát động tấn công Việt Nam và giết hại dã man hàng ngàn người dân vô tội. Những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam chưa kịp tận hưởng hòa bình sau ngày đất nước thống nhất đã lại lên đường bảo vệ biên cương và giúp đỡ nhân dân Campuchia chống lại họa diệt chủng.
Cùng gìn giữ những ký ức không phai về tình hữu nghị chung một chiến hào Việt nam - Campuchia, tối 3/1, Đài Truyền hình TPHCM đã tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Những năm tháng không quên” kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019).
Đến dự chương trình có: Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư; Đại tá Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM; Tổng Lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TPHCM Im Heng… cùng các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong từng chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam, đông đảo du học sinh Campuchia và đoàn viên thanh niên TPHCM.
Chương “Ký ức tháng giêng” mở màn chương trình “Những năm tháng không quên” đã đưa mọi người trở lại một giai đoạn đen tối trong lịch sử Campuchia với một trong những tội ác ghê rợn của lịch sử loài người - chế độ diệt chủng Pon Pot mà đến hôm nay qua 40 năm những dấu tích tội ác vẫn hằn sâu trong lòng đất nước Campuchia. Không ai có thể hình dung được chỉ với diện tích của một sân bóng mà đã có hơn 20.000 người bị sát hại tại “Cánh đồng chết” và chỉ khoảng 9.000 người được tìm thấy. Trong số những hiện vật ít ỏi còn sót lại từ những hố chôn tập thể, thấp thoáng những chiếc quần, chiếc áo, chiếc vớ xinh xắn của những em bé chưa quá một tuổi đời.
Không chỉ gây tội ác tày trời trên đất nước mình, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary liên tục gây hấn, xâm phạm biên giới Tây Nam Việt Nam, phá hoại mối quan hệ hữu nghị lâu đời Việt Nam - Campuchia. Ba Chúc (An Giang) là một trong những nơi ghi dấu tội ác diệt chủng man rợ nhất của quân Pol Pot đối với người dân các vùng biên giới Việt Nam với 3.157 dân thường bị sát hại với các thủ đoạn tàn độc. Đây trở thành ký ức đau thương không bao giờ có thể xóa nhòa đối với nhân dân Việt Nam. Và như bao lần khi đất nước lâm nguy, tuổi trẻ Việt Nam lại lên đường. Rất nhiều những bức thư, thậm chí viết bằng máu, của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi, kiên quyết đòi cho được một quyền thiêng liêng của tuổi trẻ: “Quyền đi giữ nước!”.
Chương “Chung một chiến hào” tiếp tục khắc họa một thế hệ trẻ Việt Nam mới với những người lính tình nguyện, những chàng trai cô gái thanh niên xung phong đã sống, chiến đấu và hy sinh tuổi thanh xuân cho bình yên của Tổ quốc. Cùng với đó là tinh thần quốc tế cao cả khi bộ đội tình nguyện và những chuyên gia Việt Nam đã sát cánh chiến đấu cùng quân dân Campuchia, giúp giải phóng đất nước Campuchia khỏi họa diệt chủng, cũng như hồi sinh hoạt động lao động, sản xuất, tái thiết Campuchia trở lại.
Từ đó, với chương “Campuchia hồi sinh” ghi nhận những thành quả mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia trong 40 năm qua, tiêu biểu là tượng đài Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ tại trung tâm thị xã Svayrieng (Campuchia) và những ký ức không phai về tấm lòng bộ đội tình nguyện Việt Nam trong lòng người dân Campuchia.
Sau hơn 20 năm đấu tranh pháp lý bền bỉ của nhân dân Campuchia và Việt Nam, cùng nhân dân yêu chuộng lẽ phải thế giới, cuối cùng công lý đã được thực thi khi cuối năm 2018, Tòa án quốc tế chính thức ra tuyên án: Chế độ Khmer đỏ đã phạm tội ác diệt chủng đối với chính nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam! Vậy là, sau 40 năm, cộng đồng quốc tế đã thừa nhận chế độ Khmer đỏ là một chế độ diệt chủng và mặc nhiên công nhận việc Việt Nam đưa quân sang Campuchia là một hành động chính nghĩa để bảo vệ Tổ quốc mình, nhân dân mình và cứu nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng!
Trong chương trình cũng ghi nhận khoảnh khắc vô cùng xúc động khi Chan Phal - một nạn nhân của chế độ diệt chủng, sau 40 năm đã gặp lại những ân nhân đã cứu sống mình là hai phóng viên chiến trường Đinh Phong và Lê Trí, đều ở tuổi ngoài 80 - những người đã ghi lại những thước phim tư liệu chân thực về tội ác của quân Pol Pot tại nhà tù Toul Sleng, được dùng làm chứng cứ phiên tòa đầu tiên xét xử các lãnh đạo Khmer đỏ vào năm 2009.
Ca khúc Việt Nam - Campuchia con đường tương lai Với những ca khúc của một thời chiến đấu hào hùng và của tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia, như: Bài ca không quên, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Gởi lại em, Mùa xuân bên cửa sổ, Đồng đội, Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara, Cảm xúc trên đường Phnom Penh, Việt Nam - Campuchia con đường tương lai, Việt Nam - Campuchia Samaki…, chương trình không chỉ nhắc nhở về “những năm tháng không quên” mà còn là lời khẳng định mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Campuchia - đã được hun đúc bằng bao máu xương của 2 dân tộc trong nhiều giai đoạn lịch sử - sẽ luôn bền chặt và không một thế lực nào có thể thay đổi được.