Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Nhân viên y tế xã hội - Cầu nối của bệnh nhân nghèo

Điều dưỡng Thanh ân cần chăm sóc bệnh nhân Nguyễn Ngọc Sơn

(Thanhuytphcm.vn) - Thành lập vào năm 2016, đến nay Tổ công tác xã hội Bệnh viện huyện Bình Chánh đã triển khai rất nhiều hoạt động hướng về bệnh nhân như vận động Ban Giám đốc bệnh viện tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho bệnh nhân nhân dịp lễ, tết; kết nối các cá nhân hảo tâm tổ chức các hoạt động “Bánh mì sáng 0 đồng”, “Cơm trưa 0 đồng”. Năm 2022, các nhân viên y tế xã hội đã tư vấn sức khỏe cho 1.466 lượt bệnh nhân; tham vấn tâm lý 128 trường hợp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; giúp trên 30 bệnh nhân hoàn cảnh cơ nhỡ được điều trị tại bệnh viện, trong đó toàn bộ sinh hoạt, chăm sóc bệnh nhân do mạng lưới công tác xã hội thực hiện.

Niềm hy vọng của bệnh nhân yếu thế 

Có dịp đến các khoa, phòng bệnh viện vào buổi trưa khi nhiều người đã ngã lưng nghỉ ngơi, thì các điều dưỡng nơi đây vẫn còn tất bật, ăn vội vài muỗng cơm rồi tiếp tục hành trình chăm sóc bệnh nhân…

Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện huyện Bình Chánh là khoa thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân “5K” (không nhà, không người thân, không giấy tờ, không tiền, không tỉnh táo). Điều dưỡng Đỗ Hữu Vinh vừa chỉnh lại dây truyền nước cho bệnh nhân vừa bồi hồi kể lại kỷ niệm về một bệnh nhân cũ nhập viện vì nhồi máu cơ tim. Sau khi biết bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn lại không nhà, không người thân, anh và đồng nghiệp thay phiên nhau túc trực vệ sinh cá nhân, chăm sóc tâm sự chỉ mong sao trái tim bệnh nhân ấy luôn đập từng nhịp bình yên.

“Tuy đó không phải là trường hợp cơ nhỡ duy nhất mà tôi từng chăm sóc nhưng tôi luôn nhớ về mỗi khi nhắc đến những người cơ cực. Tôi mong những bệnh nhân luôn khỏe và vượt qua những khó khăn trong cuộc đời”-anh Vinh chia sẻ.

Gặp chị Phạm Thị Ngọc Thanh - Điều dưỡng khoa Nội Tổng hợp đang bón thức ăn cho một bệnh nhân cao tuổi. Hỏi ra mới biết đó là ông Nguyễn Ngọc Sơn được người thân đưa vào bệnh viện trong tình trạng đột quỵ đã hơn 15 ngày trôi qua nhưng người thân không quay lại. Dù vậy, ông Sơn vẫn được hưởng đầy đủ các dịch vụ y tế, sự chăm sóc tận tình của nhân viên y tế xã hội và đang dần hồi phục. “Đặt mình vào vị trí của bệnh nhân mà đồng cảm, nếu bệnh nhân không ai chăm sóc tôi sẽ cùng đồng nghiệp chăm sóc, trò chuyện để họ vơi bớt cô đơn rồi vận động người quen hỗ trợ tã, sữa cho bệnh nhân”- chị Thanh bày tỏ.

Anh Dương Hà Minh Tài (xã Bình Chánh) vừa giúp chị Thanh đỡ ông Sơn uống nước; vừa cho biết lâu nay chỉ thấy điều dưỡng tới lui chăm sóc, không phải ai cũng làm được như vậy, nếu chấm điểm được thì tôi cho “5 sao” về chất lượng phục vụ.

Tiến sĩ Lê Thị Hoàng Liễu - Tổ Phó Tổ công tác xã hội Bệnh viện huyện Bình Chánh cho biết: Không phải trách nhiệm mà là tình thương, nhìn những mảnh đời yếu thế một mình chống chọi bệnh tật chúng tôi chỉ biết cố gắng quan tâm họ nhiều một chút để họ không buồn tủi. Việc bác sĩ, điều dưỡng góp tiền mua thức ăn, đồ dùng vệ sinh, chăm sóc giặt giũ cho bệnh nhân không có thân nhân lưu trú điều trị tại bệnh viện đã là việc làm quá quen thuộc. Đã gọi là “nhà thương” thì vào đây là sẽ được bác sĩ, điều dưỡng thương thôi.

Nơi đã hỗ trợ cho địa phương rất nhiều về chăm sóc sức khỏe

Bên cạnh chăm sóc sức khỏe, các nhân viên y tế xã hội còn tổ chức nhiều buổi truyền thông chăm sóc sức khỏe - phòng chống xâm hại cho hàng ngàn lượt học sinh, công nhân tại các xí nghiệp, trường học; tổ chức các hội thảo giáo dục sức khỏe cho thân nhân người bệnh.

Nhân viên y tế xã hội Bệnh viện huyện Bình Chánh chăm sóc bệnh nhân điều trị lưu trú không có người thân Nhân viên y tế xã hội Bệnh viện huyện Bình Chánh chăm sóc bệnh nhân điều trị lưu trú không có người thân

Cô Võ Thị Lê Dung - nhân viên y tế Trường THPT Lê Minh Xuân nơi gắn kết với Tổ công tác xã hội của Bệnh viện huyện Bình Chánh từ 6 năm nay, cho biết: “Hoạt động kết hợp truyền thông về giới giữa bệnh viện và nhà trường rất quan trọng đối với học sinh bởi sẽ kịp thời giúp trẻ giải đáp những thắc mắc, ổn định tâm lý, tự tin vượt qua vấp ngã vì dù sao bác sĩ cũng có chuyên môn hơn”.

Bà Đặng Thị Ánh Tú - cán bộ phụ trách trẻ em và bình đẳng giới xã Bình Chánh cho biết: “Tổ công tác xã hội Bệnh viện huyện Bình Chánh là nơi đã hỗ trợ cho địa phương rất nhiều về chăm sóc sức khỏe như tư vấn tâm lý, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản trẻ vị thành niên, xâm hại tình dục trẻ em,… qua đó đã có nhiều chương trình, biện pháp phù hợp tham vấn tâm lý giúp trẻ vượt qua khó khăn”.

Rời khỏi bệnh viện, chúng tôi ra về trong tâm trí còn đọng lại nụ cười và cái vẫy tay đầy hứng khởi của ông Sơn. Có thể nói, nhân viên y tế xã hội là cầu nối tình cảm giữa cán bộ y tế với người bệnh, hỗ trợ đắc lực trong công tác khám, chữa bệnh. Với người bệnh, nhân viên y tế xã hội là người bạn tinh thần, giúp họ hồi phục nhanh và sớm được ra viện, trở về với vòng tay ấm áp của người thân và gia đình.

Ngọc Ánh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo