Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Nhân dân Sài Gòn Gia Định với chiến thắng Điện Biên Phủ

Để có chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Bác Hồ đã phải trải qua cuộc kháng chiến 9 năm. Trong cuộc “9 năm làm một Điện Biên” đó, nhân dân Sài Gòn – Gia Định có vinh dự được bắn những phát súng mở đầu vào ngày 23 tháng 9 năm 1945 và đã kềm chân giặc một tháng ở thành phố, làm cho giặc Pháp bị nhiều tổn thất. Với thành tích đó, nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã bước đầu làm thất bại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của địch, đã giúp cho các tỉnh ở Nam bộ và Nam Trung bộ có thời gian chuẩn bị kháng chiến và đã góp phần tạo thế cho phái đoàn chính phủ ta thương thuyết với Pháp, thực hiện cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.

Nhân dân Sài Gòn – Gia Định cũng đã trực diện đấu tranh chống giặc Pháp chia cắt đất nước, làm cho cái gọi là “nước Nam kỳ tự trị” do Pháp nặn ra, bị phá sản và thủ tướng bù nhìn Nguyễn Văn Thinh phải treo cổ tự tử ngày 10/11/1946. Sự kiện đó đã khẳng định lời nói đanh thép của Bác Hồ:

“Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi” (1).

Nhân dân Sài Gòn – Gia Định lần đầu tiên đã rượt đuổi lính Mỹ, đã bắn vào tàu chiến Mỹ, đã biểu tình phản đối đế quốc Mỹ đến tiếp sức cho giặc Pháp, làm cho 2 tàu chiến Mỹ phải rút khỏi cảng Sài Gòn ngày 19 tháng 3 năm 1950.

Trong thời điểm ta mở chiến dịch tấn công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ và có hội nghị quốc tế ở Giơnevơ về Đông Dương, nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã góp phần xứng đáng của mình với những phong trào tấn công địch trên nhiều mặt, bằng nhiều hình thức.

Chỉ trong tháng 3/1954, 19 đồn bót địch đã bị quân ta tấn công tiêu diệt. Nhiều vùng nông thôn ở Hóc Môn, Bình Chánh, Trung huyện, Liên huyện, Thủ Đức, Nhà Bè được giải phóng. Nhiều cuộc hành quân tiếp viện, càn quét của địch đã bị quân ta chặn đánh. Các chiến sĩ đặc công Rừng Sác (thuộc Cần Giờ) đã đánh chìm 3 tàu chiến chở toàn lính Pháp, trên sông Lòng Tàu. Đến tháng 7/1954, toàn bộ quân địch ở An Phú Đông bỏ đồn rút chạy, 140 lính Hòa Hảo ở đồn Gò lũy Bình Chánh nổi dậy giết chỉ huy mang súng theo Việt minh.

Đặc biệt nổi lên tiếp theo sau chiến thắng của quân ta ở Điện Biên Phủ là trận đánh của bộ đội đặc công Sài Gòn Gia Định vào kho Phú Thọ Hòa trong đêm 31 tháng 5 rạng ngày 01 tháng 6 năm 1954. Kho Phú Thọ Hòa là một kho lớn của địch nằm trong một cánh rừng cao su rộng khoảng 4 km dài hơn 2 km, ở phía Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất gần ngã tư Bảy Hiền, thuộc Quận Tân Bình ngày nay. Xung quanh khu vực kho, cách 100 m có bót gác, cách 25 m có trụ điện với đèn pha cực mạnh, có xe cơ giới tuần tra thường xuyên, có 6 lớp rào gai và đường mương rộng 5 m gài mìn dày đặc, có một đại đội lính Âu Phi với chó bécgê túc trực canh gác ngày đêm. Đánh vào kho này, quân ta đã đốt cháy 10 triệu lít xăng dầu, gần 10.000 tấn bom đạn (bằng 1/3 số bom đạn của Mỹ giúp Pháp trong năm 1954) và một đại đội lính Âu Phi bị chết cháy. Tạp chí Mỹ “Đại học quân sự ngày nay” năm 1962 viết về trận đánh này đã cho rằng: “Đây là một trong những trận đánh làm thay đổi so sánh lực lượng, một trận đánh đau nhất”.

Cùng lúc với các cuộc tấn công đánh phá kho hàng, bức rút bức hàng, tiêu hao, tiêu diệt quân địch, còn có những cuộc đấu tranh chống địch bắt lính, chống đuổi nhà cướp đất, đòi dân sinh, dân chủ, đòi thực hiện hòa bình.

Phong trào chống bắt lính đã diễn ra khá mạnh ở các trường học như Đồng Nai, Huỳnh Khương Ninh, Kiến Thiết.

Phong trào công dân đòi dân sinh dân chủ nổ ra liên tục trong ngành in, giao thông vận tải công cộng, ngành cơ khí, nhà đèn. Đặc biệt là những cuộc bãi công của công nhân trong khối hậu cần của giặc Pháp như: công nhân sở mộ (tuyển công nhân quốc phòng), sở nhà binh, công nhân viên hàng không, nhân viên hoa hậu, nhân viên vô tuyến điện.

Khi được biết ngày 18 tháng 02 năm 1954, nước Pháp đã chấp thuận một Hội nghị quốc tế bàn về Đông Dương sẽ diễn ra ở Giơnevơ vào cuối tháng 4/1954, đầu tháng 3/1954 các nhân sĩ trí thức Sài Gòn đã họp và công bố bản Tuyên ngôn hòa bình. Nội dung bản Tuyên ngôn là hưởng ứng ca ngợi cuộc đấu tranh đòi hòa bình của nhân dân Pháp và yêu cầu Quốc hội cùng Chính phủ Pháp ra lệnh cho quân đội Viễn Chinh ngưng chiến ở Đông Dương, để có thể tiến tới một giải pháp hòa bình có lợi cho hai dân tộc Pháp - Việt. Cuối bản Tuyên ngôn có 325 chữ ký trong đó có các nhân vật nổi tiếng.

- Trong tháng 6/1954, 500 nghệ sĩ và công nhân sân khấu Sài Gòn cũng gửi kiến nghị cho Hội nghị Giơnevơ đòi Chính phủ Pháp phải thương lượng thành thật.

- Từ các cuộc đấu tranh trên, Phong trào hòa bình Sài Gòn Chợ Lớn hình thành do luật sư Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu, tiếp tục cuộc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ diễn ra sôi nổi từ tháng 8/1954.

Các phong trào đấu tranh của quân dân Sài Gòn Gia định đã làm cho địch bị động suy yếu và bị kìm chân ngay tại sào huyệt của chúng, đã góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ, và cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao ở Giơnevơ.

Trong cuốn Đông Dương hấp hối, Henri Navarre, tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương thời đó cũng thừa nhận: “Đối phương đạt được kết quả không thể tranh cãi trong việc cầm chân các lực lượng trên bộ của ta. Họ đã buộc chúng ta phải giữ chân tại chỗ một số lượng quân lính để bảo vệ các tuyến giao lộ và sân bay cũng như để giải vây đồn bót bị vây hãm. Những lực lượng này không thể tham dự vào một cuộc hành quân giải cứu Điện Biên Phủ” (2) Navarre còn viết “ở Sài Gòn, những cuộc tiến công còn nhiều hơn ở Hà Nội, số lượng công tác ở vùng bất an ninh ngang bằng thậm chí cao hơn ở Hà Nội” (3).

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vang dội, chấn động địa cầu. Nhân dân Sài Gòn Gia Định có sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, đã góp phần to lớn vào chiến thắng đó, thật đáng tự hào.

----------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 246 NXB Chính trị quốc gia năm 2000.

(2), (3) trích từ cuốn Đông Dương hấp hối, hồi ký của Henri Navarre, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, các trang 261 và 209.

Trần Trọng Tân

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo