Thứ Bảy, ngày 12 tháng 7 năm 2025

KỶ NIỆM NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM (20/10)

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo:Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và là chốn quay về êm ả!

Bà Phạm Phương Thảo (thứ hai từ trái sang) tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ TPHCM lần thứ X. (Ảnh: Việt Dũng)

(Thanhuytphcm.vn) - Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo là người có phong cách giản dị và gần gũi, chân tình dù từng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác quan trọng: Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban Văn hóa - Tư tưởng Thành ủy, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TPHCM.

Với tôi và nhiều người phụ nữ khác, bà là người phụ nữ tiêu biểu trong “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), bà Phạm Phương Thảo đã giành cho Website Thành ủy TPHCM cuộc trao đổi về 6 chữ nêu trên.

PV: Trong thời gian còn đương chức, bà đã đi học thêm ngành Luật, Ngoại ngữ… bà sắp xếp thời gian thế nào ạ?

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo: Bây giờ không nhớ rõ cách sắp xếp thời gian cụ thể thế nào, nhưng các lớp tôi học đều ngoài giờ và không phải tối nào cũng học, vì thế tôi cố gắng sắp xếp các việc cần giải quyết trong giờ và vào các tối không có buổi học. Công việc trong gia đình phải sắp xếp thời gian kỹ hơn, khít khao hơn, và các thành viên trong gia đình đã giúp đỡ tôi nhiều hơn trong việc nhà để tôi giải quyết việc vừa học vừa làm một cách ổn thỏa. Đó là một khoảng thời gian khá vất vả với tôi. Nhưng so với sự hữu dụng trong công việc dài lâu, và trong quãng đời dài còn lại, tôi cảm thấy sự vất vả ấy rất xứng đáng.

- Bà từng học chuyên ngành báo chí, từng là Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Thành ủy, bà có thể nói gì về hoạt động báo chí hiện nay?

Báo chí hiện nay hoạt động rất sôi động nhưng chất lượng không lên cao như số lượng đầu báo, trang tin đang tăng rất nhanh. Chúng ta luôn nói đến TPHCM là Thành phố đáng sống nhưng báo chí lại ít quan tâm đến nội dung xây dựng con người mới, đời sống văn hóa mới, thái độ sống tốt, văn hóa trong ứng xử… Báo chí cũng cần phê phán đích danh những điều, những việc làm chưa tốt bằng thái độ xây dựng, ngôn ngữ trong sáng. Hiện tượng đăng quá nhiều thông tin có cùng nội dung, thậm chí viết rất giống nhau cùng đăng trên nhiều báo đã kéo giảm sắc thái riêng, sự độc đáo của từng báo, từng tên tuổi người viết. Đặc biệt, thể loại phóng sự điều tra, cùng với nhiều tên tuổi cũ của làng báo, bây giờ, gần như mất hẳn. Rất uổng.

- Bà có thể định nghĩa ngắn về "gia đình"?

Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho ta, nơi quay về êm ả sau những giờ mệt nhọc, bôn ba vì công việc. Đi đâu, làm gì, ở đâu tôi cũng muốn sớm quay về nhà, ở nơi ấy tôi tìm thấy sự bình yên cho tâm hồn, thấy ấm áp trong cuộc sống từ những người thân yêu nhất... Và tôi thích quanh quẩn trong nhà, làm việc nhà, nấu ăn cho gia đình… nếu không vì những việc phải đi ra khỏi nhà.

- Một ngày khi còn đương chức của bà diễn ra thế nào?

Nếu không phải đi công tác xa, sáng sớm tôi là người lo bữa sáng cho cả nhà. Có thể là món gì đó nấu tại nhà hoặc tôi đạp xe, đi bộ ra ngoài phố mua bánh mì, bánh cuốn, xôi... xem như đây là bài tập thể dục kết hợp (cười). Trưa, ông xã, con cái, ai về nhà trước sẽ nấu nồi cơm và tôi sẽ nấu nhanh, hâm lại những món ăn đã chế biến tối qua; chiều là bữa cơm chính của gia đình. Mọi người sẽ cùng nhau ăn và kể nhau nghe những chuyện của mình, những điều mình quan tâm trong ngày.

Khi còn đảm nhận nhiều chức trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, phần thời gian dành cho công việc chiếm nhiều hơn thời gian dành cho gia đình. Dù mọi người trong gia đình đều thông cảm, chia sẻ nhưng tôi vẫn rất áy náy bởi tôi chưa thể chu tất mọi việc trong nhà với chất lượng tốt.

Bà Phạm Phương Thảo. (Ảnh: P.Thục)

- Có bao giờ, ý kiến của những thành viên trong gia đình bà ảnh hưởng đến suy nghĩ, quyết định của bà trong công việc chưa?

Có chứ. Khi đương chức tôi lắng nghe ý kiến người dân, cán bộ, các nhà báo, các vị tu hành, diễn viên... Những ý kiến của mọi tầng lớp và cả những người trong gia đình,… đã cho tôi cách nhìn đa chiều và từ đó tôi đã bật ra nhiều ý tưởng, suy nghĩ hay. Tôi trân trọng tất cả mọi thông tin được trao gửi đến mình; tôi tham khảo và cân nhắc trước khi quyết định ứng dụng, vận dụng ý kiến gì, như thế nào vào công việc của mình.

- Thế bây giờ, một ngày của cán bộ nghỉ hưu như thế nào, thưa bà?

Tôi hiện là báo cáo viên thành phố. Tôi vẫn đi nói chuyện nhiều nơi trong thành phố và ở một số địa phương khác, vì thế việc bổ sung kiến thức, cập nhật thông tin vẫn rất cần thiết. Thời gian để nghe, xem, đọc thông tin của tôi trong ngày cũng không ít hơn khi còn làm việc. Tôi vẫn tiếp nhận nhiều thông tin từ người dân, từ các nhà báo quen thuộc, cán bộ nhiều ngành nghề, nhiều vị trí thông qua các buổi họp, hội. Một ngày tôi bắt đầu từ bữa ăn sáng cho gia đình và chấm dứt bằng buổi trò chuyện ấm áp cuối ngày sau bữa cơm tối cùng nhau, nếu tôi không phải đi công tác xa. Mà bây giờ, tôi rất ít đi xa, những chuyến đi xa do tôi tự cân nhắc, quyết định - đi hay không đi, chứ không như khi còn làm việc; cứ có việc cần phải lên đường, là không chần chừ, chọn lựa gì.

- Về làm người phụ nữ của gia đình, không bận rộn trọng trách nào ngoài đời, bà thấy thế nào?

Tiêu chí về ăn uống bây giờ có khác trước nhưng không cầu kỳ, quan trọng là “giữ lửa” trong gia đình. Giờ thì những buổi trò chuyện cùng nhau được kéo dài hơn, đi đó đi đây nhiều hơn và sự ấm êm trong gia đình được cảm nhận rất rõ, từng ngày. Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố năng động bậc nhất của cả nước, người nào cũng bận rộn. 10 giờ sáng cũng kẹt xe, 3 giờ chiều cũng kẹt xe chỗ này, phố nọ… mọi người bươn chải, hối hả vì cuộc sống. Trong cái tất bật, hối hả của thành phố bận rộn này, tôi và chắc chắn các chị em đều muốn giữ cho gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn, êm ả mà vẫn đóng góp tích cực cho xã hội trong khả năng của mình; cũng không dễ dàng gì (cười). Nhưng tôi tin nhiều phụ nữ thành phố này sẽ làm được.

- Khi viết về những phụ nữ, bà muốn đưa đến cho người đọc điều gì? Theo bà, vai trò người phụ nữ trong xã hội hiện nay và trước kia có khác gì nhau?

Khi tiếp xúc với người dân, nhiều người đề nghị tôi viết về phụ nữ. Tôi cũng muốn viết về những người bà, người mẹ, người chị tôi luôn yêu quý. Tôi muốn bạn đọc của tôi thấy được vai trò và những đóng góp của phụ nữ trong cả hai thời kỳ, đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc và đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Thời chiến, các bà, các mẹ, các chị trực tiếp tham gia đánh giặc, tiễn chồng, con đi chiến đấu vì Tổ quốc thân yêu và có biết bao cuộc chia ly, tiễn đi nhưng chẳng thể đón về. Thời bình, trong lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, khoa học... đã có biết bao phụ nữ nổi bật. Hiện nay, tỷ lệ nam - nữ sinh viên đã ngang nhau chứng tỏ “phông” văn hóa của phụ nữ ngày càng cao. Số cô dì, chị em vươn ra xã hội lớn ngày càng nhiều, nhưng chức phận trong gia đình không hề thay đổi; họ vẫn là những người mẹ, người vợ đảm đang, chịu thương chịu khó trong gia đình. Thời nào cũng thế, để khẳng định mình, phụ nữ phải phấn đấu rất lớn.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này.

Phạm Thục (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo