Hội thảo khoa học “Công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam” (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 16/1, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (Quận 1), Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam” đánh giá tầm quan trọng, thực trạng của vấn đề, nhận diện đúng năng lực nghiên cứu của các trường nhằm xây dựng một cơ chế hiệu quả cấp quốc gia thúc đẩy công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, chia sẻ một thực trạng là trong danh sách các bài công bố thuộc Đại học Quốc gia TPHCM năm 2018 trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCI, SCIE, ISI và được xếp hạng Q1 thì số lượng các bài thuộc lĩnh vực KHXHNV rất thấp dù đây là “mảnh đất” đầy tiềm năng với những đặc thù riêng biệt mà thế giới đang rất quan tâm. PGS.TS Huỳnh Thành Đạt khẳng định việc số lượng công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXHNV ít ỏi là một thiệt thòi mang tầm quốc gia vì nó ảnh hưởng đến vị thế và sức ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, hạn chế những đóng góp của ngành này trong việc phổ biến những giá trị Việt Nam, văn hoá Việt Nam, vai trò của Việt Nam về đối nội, đối ngoại và cả khẳng định chủ quyền lãnh thổ... Vì thế, Hội thảo lần này là dịp để các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên chia sẻ những khó khăn và kinh nghiệm trong nghiên cứu và công bố quốc tế với mục tiêu cuối cùng là nâng cao số lượng và chất lượng các công bố trong lĩnh vực KHXHNV, qua đó nâng cao chất lượng đại học trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thống kê của Web of Science (cơ sở dữ liệu khoa học cung cấp thông tin về danh mục tạp chí uy tín thế giới) cho biết giai đoạn 2011 – 2016, Việt Nam có tổng số hơn 15.000 công bố thuộc danh mục Viện thông tin khoa học (ISI), tỷ lệ tăng trưởng trung bình đạt 17% mỗi năm, tăng gần 3 lần trong 5 năm. Tuy nhiên, con số này so với nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Singapore vẫn còn khoảng cách lớn. Số lượng công trình công bố quốc tế trong vài năm gần đây tăng khá rõ nhưng của ngành KHXHNV lại thấp hơn khá nhiều so với ngành khoa học tự nhiên. Trong khi đó, lịch sử ngành KHXHNV nước ta có rất nhiều công trình khoa học tầm cỡ, có giá trị lý luận và thực tiễn lớn nhưng chưa xuất bản quốc tế.