Các đại biểu tham quan khu trưng bày của Bảo tàng Hải quân tại Lễ kỷ niệm (Thanhuytphcm.vn) - Chiều 24/12, tại Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Quân chủng Hải quân tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn (1/1979 – 1/2019).
Dự buổi Lễ có Thiếu tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân; Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân; đại diện lãnh đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng, các địa phương, đơn vị bạn; các Cựu chiến binh Hải quân và đại diện lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng Hải quân.
Trong Diễn văn tại buổi lễ, Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Hải quân khẳng định: Chiến dịch Tà Lơn là chiến dịch đổ bộ đường biển đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam và đã giành thắng lợi. Kết quả của chiến dịch đã tạo thế, tạo thời cơ cho các lực lượng của ta phát triển chiến đấu giai đoạn tiếp theo, giải phóng toàn bộ khu vực đất đai từ Côngpôngxom đến Kô Kông với diện tích trên 3 nghìn km2 và vùng biển, hải đảo của Campuchia; góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cùng với các cánh quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia tổng tiến công, nổi đậy đập tan toàn bộ chính quyền phản động Pôn Pốt. Với chiến công ấy, Quân đội ta và Hải quân nhân dân Việt Nam được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương biểu dương, khen ngợi “đã chiến đấu anh dũng, làm nên một thắng lợi rất vẻ vang...”. Quân chủng Hải quân có 5 tập thể được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 79 tập thể và 471 cá nhân được tặng, truy tặng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các hạng.
Thắng lợi của Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược trên toàn chiến trường, khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân và sự lãnh đạo tài tình của Đảng; là thắng lợi của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên chiến trường sông biển để giành thắng lợi. Minh chứng rõ nét về đường lối, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo “giúp bạn là tự giúp mình” và chính sách đoàn kết quốc tế vô tư, trong sáng của Đảng, Nhà nước ta; khẳng định tình đoàn kết hữu nghị truyên thống giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam-Campuchia.
Các đại biểu thả vòng hoa và lễ vật tại buổi lễ tưởng niệm Buổi sáng cùng ngày, tại vùng biển An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Quân chủng Hải quân tổ chức trọng thể Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn (1/1979 – 1/2019). Trong Diễn văn tưởng niệm tại buổi lễ, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững, Chính ủy Hải quân khẳng định: Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn, với ý chí quyết chiến quyết thắng, cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã tỏ rõ phẩm chất, khí phách kiên cường, không sợ hy sinh, mưu trí, dũng cảm, kiên quyết tiến công địch, kiên cường giữ vững trận địa, quyết tâm chiến đấu đến cùng với tinh thần “sống bám tàu, bám trận địa”, “chết kiên cường, dũng cảm”, “còn một tổ cũng đánh, một người cũng tiến công, còn người còn trận địa”, giành giật với địch từng điểm cao, từng ụ súng, bẻ gãy các đợt phản kích, phục kích của địch.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân được giao nhiệm vụ làm nòng cốt mở Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn với nhiệm vụ: Đánh chiếm cảng Côngpôngxom và quân cảng Ream, tiêu diệt Sư đoàn 164 Hải quân và Trung đoàn 17 Biên phòng của địch, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở hướng Nam. Đúng 22 giờ ngày 6/1/1979, Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn bắt đầu. Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ huy các đơn vị: Vùng 5 Hải quân, Lữ đoàn 126 Hải quân (nay là Lữ đoàn HQĐB 101, Vùng 4 Hải quân), Hạm đội 171 Hải quân (nay là Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân) và Lữ đoàn 125 Hải quân phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, bí mật đánh chiếm bãi biển dưới chân núi Tà Lơn. Trong ngày đầu Chiến dịch, ta bắn cháy, bắn chìm tại chỗ 10 tàu, thuyền và bắn bị thương một số chiếc khác, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Ngày 8/1, địch lợi dụng các cao điểm xung quanh khu vực ngã ba Ream, dùng hoả lực pháo binh và lực lượng bộ binh phản kích, chống trả điên cuồng hòng ngăn chặn thế tiến công của ta. Tại đây, Lữ đoàn 126 Hải quân và Lữ đoàn 101, Vùng 5 Hải quân tổ chức cho bộ đội chiến đấu kiên cường. Bước sang ngày 9/1, với sự yểm trợ của hỏa lực không quân, Lữ đoàn 126 nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu được giao. Sau hơn 3 giờ chiến đấu anh dũng, quân ta đã làm chủ toàn bộ khu vực ngã ba và sân bay Ream. Ngày 10/1, các mũi tiến công của Lữ đoàn 126 hiệp đồng với Trung đoàn 66 Quân đoàn 2 tiếp tục phát triển chiến đấu, giải phóng toàn bộ thị xã và cảng Côngpôngxom. Ở khu vực cảng Ream, Lữ đoàn 101, Vùng 5 Hải quân và Hạm đội 171 Hải quân phối hợp với Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 đánh chiếm các mục tiêu, tiêu diệt các ổ đề kháng của địch, đến chiều cùng ngày ta làm chủ toàn bộ khu vực cảng Ream.
Sau 5 ngày đêm chiến đấu kiên cường tiến công địch, Quân chủng Hải quân hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ đổ bộ, phát triển chiến đấu, tiêu diệt Sư đoàn 164 Hải quân và Trung đoàn 17 Biên phòng của địch, giải phóng thị xã Côngpôngxom và quân cảng Ream. Đây là vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ cửa ngõ ven biển phía Đông Nam của Campuchia.