Lễ rước kiệu Đức Thần Tổ tại khu di tích lịch sử đình làng Mộ Trạch. (Ảnh: TTXVN) Ngày 12/2, tại Khu di tích lịch sử làng Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), Ủy ban Nhân dân xã Tân Hồng tổ chức khai hội Lễ hội truyền thống làng tiến sỹ Mộ Trạch và kỷ niệm 1215 năm (804-2019) ngày sinh Đức Thần Tổ - Thành hoàng làng Vũ Hồn, ông tổ của dòng họ Vũ-Võ Việt Nam.
Lễ hội truyền thống làng Mộ Trạch không chỉ là ngày hội của người dân trong làng mà còn là dịp để con cháu dòng họ Vũ-Võ từ khắp mọi nơi tìm về quê cha, đất tổ để ôn lại và nhân rộng truyền thống hiếu học của mảnh đất này.
Làng Mộ Trạch là một ngôi làng cổ, nổi danh trong lịch sử là làng khoa bảng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, với 36 người đỗ tiến sỹ Nho học.
Danh tiếng khoa bảng làng Mộ Trạch được khẳng định qua câu: “Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm” (Chằm là tên xưa của làng Mộ Trạch). Khoa thi năm 1656, cả nước chọn được 6 tiến sỹ, riêng làng Mộ Trạch đỗ 3 tiến sỹ, vua Tự Đức đã khen ngợi chỉ riêng làng Mộ Trạch tài bằng nửa cả nước.
Lễ hội làng Mộ Trạch có rước kiệu rồng. Lễ rước được bắt đầu từ miếu ra đình làng để các chức sắc, bô lão trong làng làm lễ tế Thành hoàng với 8 trai làng áo chẽn đỏ cùng khiêng, đầu chít khăn đỏ. Trên ngai cao có mũ, áo, hia màu vàng tượng trưng cho Vũ Hồn - ông tổ của làng. Hai bên có che hai cái tán ở trên Long ngai, đi đầu có bát bửu lộ-bộ, cờ, quạt và đi trước kiệu.
Sau lễ rước kiệu và dâng hương tưởng nhớ 1215 năm ngày sinh Đức Thần Tổ (804-2019), lễ hội diễn ra với các màn múa, hát, các trò chơi văn hóa dân gian. Để động viên thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống khoa bảng của cha ông, Ban khuyến học-khuyến tài của dòng họ đã trao tặng bằng Vũ tộc tinh hoa, bằng khen và phần thưởng cho các cá nhân có nhiều công lao đóng góp cho dòng họ và các em học sinh, sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong học tập.
Năm 2018, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương đã đón nhận Cúp kỷ lục Việt Nam do Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận làng Mộ Trạch có số lượng tiến sỹ Nho học nhiều nhất cả nước từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVIII và tiếp nhận trống đồng cổ 2.000 năm tuổi, do gia đình ông Vũ Xuân Hưng, quê ở Thanh Hóa, công đức cho khu di tích miếu thờ.