Thứ Ba, ngày 8 tháng 7 năm 2025

Khởi công cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ ba, bên trái), Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cùng lãnh đạo các ngành, địa phương nhấn nút khởi công đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây

(Website TU) – Ngày 3-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải; Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành và đông đảo người dân thành phố đã đến dự Lễ phát lệnh khởi công dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc dự án đường cao tốc Bắc – Nam do Công ty Đầu tư phát triển đừờng cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đoạn đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là một hạng mục quan trọng của dự án đường cao tốc Bắc - Nam tiếp sau hai dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Hà Nội - Ninh Bình, TPHCM - Trung Lương. Thủ tướng khẳng định, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng vì khi xây dựng xong, dự án này sẽ kết nối với Đại lộ Đông - Tây và nối 40km đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Đây là một trong những dự án có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM, Đồng Nai và các địa phương lân cận. Dự án còn có ý nghĩa quan trọng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của TPHCM, Đồng Nai và các địa phương trong khu vực.

Thủ tướng cũng khẳng định, đây sẽ là dự án hạ tầng giao thông mang tính đột phá góp phần đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị thi công, chủ đầu tư cùng các địa phương phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện dự án đúng tiến độ.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng khẳng định, đây là dự án quan trọng đối với phát triển của TPHCM, đồng thời đề nghị các hộ dân bị ảnh hưởng chấp nhận các phương án đền bù, giải tỏa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công dự án.

Theo VEC, dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là dự án quan trọng thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Dự án đi qua địa phận các quận 2, 9 của TPHCM và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và Thống Nhất của tỉnh Đồng Nai với điểm đầu tuyến là nút giao An Phú và điểm cuối tại nút giao với QL1A tại Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai, tổng chiều dài 55km, gồm 4 làn xe.

Các công trình trên tuyến bao gồm 20 cầu cỡ vừa và nhỏ, một cầu lớn (cầu Long Thành) với tổng chiều dài khoảng 1.700m. Các công trình thiết bị phục vụ bao gồm: hệ thống thu phí theo hình thức khép kín với ba trạm thu phí, một trung tâm điều khiển đường cao tốc, hai trụ sở hạt quản lý cầu đường, một trạm nghỉ và các dịch vụ kỹ thuật, các dịch vụ dọc tuyến.

Mô hình dự án sau khi hoàn thành

Đường TPHCM-Long Thành-Dầu Giây được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, cho phép phương tiện lưu thông với tốc độ 120 km/giờ, riêng cầu Long Thành có tốc độ thiết kế là 100 km/giờ. Trong giai đoạn 1, đường được xây dựng bốn làn xe, chiều rộng 27,5m; giai đoạn 2 sẽ được mở rộng lên sáu hoặc tám làn xe tùy theo từng đoạn. Tổng kinh phí đầu tư cho giai đoạn 1 là 932,4 triệu đô la Mỹ, chưa kể 4 km mà TPHCM vừa mới chuyển giao về cho nhà đầu tư. Toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng dự án do VEC vay lại (không có ngân sách cấp phát) và dự kiến hoàn vốn sau 32 năm khai thác thu phí, với mức phí dự kiến là 900 đồng/km. Dự án được chia làm 6 gói thầu, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2012.

X. Đ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo