Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, giảng viên đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học uy tín trong cả nước như Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Viện Chiến lược và Lịch sử Công an… Đặc biệt, hội thảo còn có sự tham dự của các nhân chứng, các cựu quân nhân đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Hội thảo có hơn 60 tham luận, báo cáo với những góc nhìn, phân tích sâu sắc về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc cách đây 40 năm.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, trong lịch sử dân tộc, cha ông ta luôn giữ gìn vùng biên cương của Tổ quốc, chuẩn bị mọi nhân tài, vật lực để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, có mối quan hệ gắn bó từ lâu đời. Phát huy tinh thần đoàn kết trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam về nhiều mặt, góp phần quan trọng giúp nhân dân Việt Nam hoàn thành việc giải phóng dân tộc. Sự giúp đỡ quý báu đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mãi ghi nhớ. Nhưng, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc từ tháng 2-1979 đến tháng 9-1989 là một sự kiện không thể nào quên của mọi người dân Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: SGGP Ngày 17-2-1979, Trung Quốc đã nổ súng tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh), với chiều dài hơn 1.400km. Nhân dân Việt Nam, trước hết là quân và dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã kiên cường anh dũng đánh trả để bảo vệ Tổ quốc và giành nhiều thắng lợi. Quân đội Trung Quốc đã phải chịu những tổn thất nặng nề. Đến ngày 18-3-1979, quân đội Trung Quốc cơ bản rút khỏi biên giới phía Bắc Việt Nam. "Với thắng lợi này, quân và dân Việt Nam đã viết tiếp trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc, bảo vệ bờ cõi, nền hòa bình, độc lập dân tộc của đất nước” - GS.TS Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, ngày 30-4-1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, thu về một mối. Để giành được độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, nhân dân Việt Nam đã trải qua những năm tháng khó khăn, gian khổ, nhiều thử thách.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh SGGP Năm 1975, đất nước giành được độc lập, thống nhất nhưng “thân mình” đầy thương tích sau chiến tranh. Hàng chục vạn người con ưu tú của Tổ quốc đã hy sinh vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, hàng triệu người bị thương và bệnh tật lâu dài bởi những di chứng chiến tranh. Hàng ngàn làng mạc bị tàn phá, hệ thống giao thông cầu cống, đường sá bị phá hủy. Người dân Việt Nam trong đó có hàng chục vạn người lính đã trải qua 2 cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, không có nguyện vọng gì hơn là xếp vũ khí lại, bắt tay vào xây dựng, khôi phục thành phố và làng mạc, cầu cống và đường sá, hướng tới cuộc sống hòa bình, tốt đẹp hơn.
Nhưng, theo PGS.TS Trần Đức Cường, vào thời điểm đó, trên đất nước chịu quá nhiều mất mát vì chiến tranh này, ước vọng về cuộc sống hoà bình của nhân dân Việt Nam đã không được trọn vẹn. Máu lại đổ, thành phố, làng mạc lại bị tàn phá. Sau năm 1975 không lâu, nhân dân Việt Nam đã phải đối đầu với các cuộc tấn công trên tuyến biên giới phía Tây Nam do quân PolPot tiến hành với sự hỗ trợ tối đa, nhiều mặt của các thế lực bên ngoài.
Và nghiêm trọng hơn, các đây 40 năm, đúng ngày 17-2-1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc với 9 quân đoàn chủ lực bất ngờ vượt qua tuyến biên giới kéo dài hơn 1.400km tấn công vào 6 tỉnh của Việt Nam, gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu. Quân Trung Quốc đã thọc sâu vào đất liền Việt Nam ở Lạng Sơn 10-15km, ở Cao Bằng là 40-50km. “Quân dân Việt Nam, trước hết là dân quân, du kích và bộ đội địa phương ở 6 tỉnh biên giới và tiếp đó là quân chủ lực được tăng cường đã kiên cường chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.600 quân Trung Quốc, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hỏng 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt sống nhiều sỹ quan và binh lính” - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhớ lại.
Theo PGS.TS Trần Đức Cường, cuộc tấn công Việt Nam của Trung Quốc thoạt đầu đẩy Việt Nam vào thế “lưỡng đầu thọ địch” và phải trải qua thử thách vô cùng khó khăn do bị bao vây cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây - có thể so sách với thế “ngàn cân treo sợi tóc” của đất nước khi mới giành được độc lập năm 1945 - 1946. Cuộc tiến công Việt Nam của quân đội Trung Quốc cũng làm cho thế giới sửng sốt.
PGS.TS Trần Đức Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh SGGP PGS.TS Trần Đức Cường khẳng định, cuộc tiến công Việt Nam của Trung Quốc đã bị nhân dân thế giới phản đối. Chính phủ nhiều nước tổ chức biểu tình, ra tuyên bố, tổ chức hội thảo, lấy chữ ký phản đối hành động của Trung Quốc với khấu hiệu “Không được đụng đến Việt Nam; ”đòi" nhà cầm quyền Trung Quốc rút ngay quân đội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam...
40 năm đã trôi qua, thế giới đã có nhiều biến đổi. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được bình thường hóa và đang trong quá trình phảt triển trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dù còn có những trở ngại cần vượt qua.
Hội thảo khoa học quốc gia này, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà hoạt động chính trị, xã hội trong cả nước không phải để khoét sâu mối hận thù mà để nhắc lại một sự thật lịch sử, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, bắt đầu từ ngày 17-2-1979 và kéo dài đến tận tháng 9-1989.
Cuộc hội thảo còn nhằm tôn vinh những đồng bào, chiến sĩ từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, đặc bỉệt là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân và xương mảu để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia....