Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Hạn chế tái nghèo, chống trục lợi chính sách

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp
(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 4/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2018, xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và  Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, trong năm 2018, nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt gần 59.800 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách trung ương dành hơn 16.000 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách địa phương là trên 43.700 tỷ đồng, nguồn vốn huy động hỗ trợ từ phía đối tác phát triển cho các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ireland cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 là 3 triệu euro.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng, ngành ngân hàng đã thực hiện đầu tư tín dụng trên địa bàn các xã toàn quốc, góp phần thúc đẩy thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Ngoài ra, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt gần 187.800 tỷ đồng, tăng 16.000 tỷ đồng so với năm 2017, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn. Đến hết năm 2018, cả nước có 3.838 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43,02% tổng số xã của cả nước. Bình quân cả nước đạt 14,57 tiêu chí/xã. Có 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn khoảng 5,35%, trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35%.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam, từ hơn 15.200 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào tháng 1/2016, đến hết tháng 12/2018, số nợ này đã giảm 95,7%, chỉ còn 651,8 tỷ đồng. Hải Phòng là địa phương tự cân đối ngân sách còn nợ 195,2 tỷ đồng và còn 7 tỉnh có số nợ đọng trên 40 tỷ đồng là Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Giang, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Bình và Phú Thọ. Hiện có 50 tỉnh, thành phố cơ bản đã xử lý xong và không còn nợ đọng.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao năm 2018, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu trong chương trình do Trung ương, Quốc hội và Chính phủ giao, điều này góp phần quan trọng vào việc cả nước hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Nhắc lại một số chỉ tiêu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu lên điểm nổi bật là trong xây dựng nông thôn mới, nhân dân và chính quyền các cấp đã tập trung thực hiện và công nhận trên cơ sở siết chặt xét duyệt các tiêu chí cứng và 2 tiêu chí “mềm” là bảo đảm 100% số xã, huyện không nợ đọng xây dựng cơ bản và trên 90% người dân bày tỏ hài lòng. Trên cả nước đã xuất hiện nhiều vùng quê đáng sống. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng tới 8,62% so với năm 2017, có 3 địa phương có 100% số xã đạt nông thôn mới (trong đó Nam Định đạt 100% số xã và gần 100% số huyện). Số huyện đạt chuẩn nông thôn mới cũng tăng 18 huyện so với năm 2017.

Nhấn mạnh năm 2019, tinh thần chung là các lĩnh vực phải bứt phá thì 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững cũng phải bứt phá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt mục tiêu phải hoàn thành và vượt 50% số xã của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu 70 huyện và xem xét một số tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bảo đảm không có hộ gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo. Các thể chế, chính sách phải được tính toán, hạn chế tái nghèo, đặc biệt là chống trục lợi chính sách, thay đổi thể chế chính sách để người dân ít ỷ lại, trông chờ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, các bộ, ngành cụ thể hóa các chỉ tiêu giảm nghèo, các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng nông thôn mới ở các vùng khó khăn; giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2019. Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất nâng mức cho vay hộ nghèo, tập trung khắc phục tình trạng tín dụng đen ở nông thôn. Cạnh đó, các bộ, ngành nghiên cứu sâu các chuyên đề để có quyết sách phù hợp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai ngay chương trình áo ấm mùa đông cho người già và trẻ em ở vùng cao; đánh giá chuẩn nghèo đa chiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cho đối tượng là trẻ em. Các bộ, ngành bắt tay xây dựng khung khổ thể chế cho giai đoạn sau, nhất là giai đoạn 2021- 2020 cho 2 chương trình, tích hợp các chính sách về dân tộc ở vùng cao, vùng khó khăn.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo