Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Giám sát cán bộ chủ chốt trong thực hiện trách nhiệm nêu gương

Quang cảnh Hội thảo
Cần giám sát đảng viên là cán bộ chủ chốt trong thực hiện trách nhiệm nêu gương; thí điểm việc cử cán bộ kiểm tra biệt phái để giám sát thường xuyên các tập đoàn, công ty nhà nước; kiểm tra, xử lý cán bộ, đảng viên trong các cơ quan hành chính nhà nước có hành vi “tham nhũng vặt”...

Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng do Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức ngày 28/12, tại Hà Nội.

Tạo diện mạo và xung lực mới cho công tác kiểm tra của Đảng

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 30/7/2007 về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết cho thấy, Nghị quyết đã tạo diện mạo và xung lực mới cho công tác kiểm tra của Đảng, là “nòng cốt” cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Việc thực hiện 3 mục tiêu, 5 quan điểm, 5 nhiệm vụ và 7 nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết tương đối đồng bộ; các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản đúng và trúng, sát thực tiễn, là cơ sở để cụ thể hóa nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị; phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và tính “răn đe”, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng. Các tổ chức đảng trước hết là người đứng đầu đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nội dung Nghị quyết phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Tô Quang Thu cho biết, báo cáo tổng kết của các ban đảng, đảng đoàn ở Trung ương, các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương cho thấy, nội dung kiểm tra, giám sát được thực hiện ở tất cả các lĩnh vực, trong đó chú trọng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cơ quan, đơn vị; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp tập trung những nơi có nhiều bức xúc, nổi cộm, được đảng viên, quần chúng và dư luận quan tâm, những nơi có nguy cơ cao dễ xảy ra dấu hiệu vi phạm, trước hết là về chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, sinh hoạt Đảng, quan liêu, thiếu trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, bệnh thành tích, bao che cho cấp dưới vi phạm, thực hiện quy tắc ứng xử, về giữ gìn đạo đức, lối sống để chủ động phòng ngừa vi phạm từ khi còn manh nha, ngay tại cơ sở, từ trong đảng bộ, chi bộ.

Các cấp ủy đã tập trung chỉ đạo kiểm tra, giám sát vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đề cao tự kiểm tra của đảng bộ, chi bộ cơ sở, trước hết là tự kiểm tra của người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Coi trọng kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; việc sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; việc phân tích chất lượng đảng viên, nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức hằng năm của các chi bộ, đảng bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc đảng bộ cơ sở để bảo đảm thực chất.

Công tác kiểm tra phải đi trước tạo sự lan tỏa, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

Dù kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa X đã tạo dấu ấn quan trọng, góp phần đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, minh chứng cho quyết tâm chính trị của Đảng trong đấu tranh phòng, chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sự đoàn kết, thống nhất và bảo đảm thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng; phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tránh nguy cơ quan liêu, xa dân của đảng cầm quyền, bảo thủ, trì trệ, cục bộ, bản vị, chống tham nhũng, tiêu cực” thực hiện có nội dung còn hạn chế, chưa tạo chuyển biến căn bản về công tác xây dựng Đảng. Quan điểm “Phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát” chưa thể hiện rõ trong thực tiễn.

Đại biểu nêu các đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo Đại biểu nêu các đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo

Theo quyền Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật Phạm Chí Thành, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết ở một số nơi chưa kịp thời, chưa thường xuyên. Một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát; công tác kiểm tra, giám sát chưa gắn chặt, xuyên suốt việc “xây” và “chống”. Chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm ở một số địa phương chưa cao, chưa đồng đều, có biểu hiện “trên nóng, dưới lạnh”. Việc thi hành kỷ luật trong Đảng còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thống nhất, còn nhiều bất cập. Chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng còn nhiều hạn chế...

Từ thực tế này, ý kiến của các đại biểu đề nghị cần tiếp tục đổi mới phương thức, đối tượng kiểm tra, giám sát. Chú trọng kiểm tra, giám sát tổ chức đảng ở những đơn vị kinh tế có dấu hiệu mất an toàn về tài chính; thí điểm việc cử cán bộ kiểm tra biệt phái để giám sát thường xuyên các tập đoàn, công ty nhà nước; giám sát việc đảng viên là cán bộ chủ chốt trong việc thực hiện trách nhiệm nêu gương; kiểm tra, xử lý cán bộ, đảng viên trong các cơ quan hành chính nhà nước có hành vi “tham nhũng vặt”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa Trần Quang Đảng, mấu chốt nhất là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ Kiểm tra, có bản lĩnh chính trị, tinh thông nghiệp vụ và phải trung thực. Nếu không tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra thì mục tiêu đặt ra khó thực hiện.

Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Cao Văn Thống cho biết, thời gian tới, Ủy ban kiểm tra Trung ương tiếp tục đề ra chương trình, kế hoạch kiểm tra giám sát một cách có trọng tâm, trọng điểm; tập trung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên.

“Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Vì những vi phạm của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên ngày càng nghiêm trọng, phức tạp tinh vi đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải có bản lĩnh, chính khí, chính kiến và tính chiến đấu cao mới thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Cũng như thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, công tác kiểm tra phải đi trước tạo sự lan tỏa thúc đẩy từ trên xuống, từ dưới lên, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” - đồng chí Cao Văn Thống nói.

Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo