Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia

Buổi họp báo của Bộ GD-ĐT ngày 26/3

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 26/3, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) họp báo về tình hình thực hiện nhiệm vụ quý 1 năm 2019 và kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm quý 2 năm 2019.

Khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo

Trong quý 1, Bộ GD-ĐT đã tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản về GD-ĐT như phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025; phê duyệt Đề án bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh sinh viên (HSSV) giai đoạn 2018 - 2025; phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 – 2025. Cũng trong thời gian này, Bộ GD-ĐT đã chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ trong nhà trường. Bộ GD-ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng phòng GD-ĐT và Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ GD-ĐT ban hành. Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định. Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên. Các cơ quan quản lý giáo dục tuyệt đối không chỉ đạo phát hành hoặc trực tiếp phát hành các loại hồ sơ, sổ sách của nhà trường và của giáo viên.

Đối với xử lý vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành tăng cường chỉ đạo, khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống các vi phạm về đạo đức nhà giáo. Thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời, không bố trí đứng lớp các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật.

Bộ GD-ĐT cũng cho hay, hiện nay cơ sở dữ liệu về mầm non, phổ thông đã được đưa vào sử dụng đã thu thập được 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, 24 triệu hồ sơ học sinh từ 50.000 trường học trên cả nước và thông tin nhà vệ sinh của gần 31.000 trường học. Triển khai đề án Hệ tri thức Việt số hóa: đã chuyển kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử e-learning các cấp học phổ thông; trên 300 đề án tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ; trên 32.000 luận án tiến sĩ; khoảng 27.000 câu hỏi trắc nghiệm và dữ liệu trường học kết nối. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương huy động, hướng dẫn giáo viên đóng góp học liệu vào Kho học liệu số toàn ngàn và kết nối với iTriThuc.

Xử nghiêm mọi gian lận thi cử

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Báo GD-ĐT đã trả lời các câu hỏi của báo chí về xử lý gian lận thi cử, chuẩn bị SGK GDPT mới giảm áp lực cho giáo viên.

Về xử lý gian lận thi cử, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho hay, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã nỗ lực suốt 9 tháng qua, kiên quyết xử lý nghiêm mọi sai phạm, không dung túng bất kỳ ai, kết quả điều tra là câu trả lời mà Bộ GD-ĐT gửi đến xã hội trong việc quyết tâm loại bỏ mọi gian lận. Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã đầu tư thiết bị, con người để chỉ rõ mọi sai phạm, kết luận chấm thẩm định là kết quả cuối cùng. Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an chủ trì, Bộ GD-ĐT phối hợp mở rộng điều tra xác minh để xử lý các tiêu cực và gian lận có tổ chức tại Hội đồng thi một số địa phương. Kết quả điều tra cho thấy, đã phát hiện 44 thí sinh tại cụm thi Sơn La với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Tại cụm thi Hòa Bình phát hiện 64 thí sinh, trong đó có 63 người năm 2018 và một người năm 2017 có sự thay đổi, điểm chấm thẩm định giảm so với điểm công bố.

Hiện Bộ GD-ĐT chưa nhận được báo cáo về xử lý của Sơn La, Hòa Bình, nhưng tinh thần là rất nghiêm túc, kiên quyết. Về việc có công bố danh tính của phụ huynh, thí sinh gian lận hay không, theo ông Mai Văn Trinh, điều này đã có nhiều ý kiến, nhưng việc công khai căn cứ vào Hiến pháp, vào luật Dân sự, và nhất là căn cứ vào thực tiễn điều tra của các cơ quan điều tra. “Công khai đến đâu, mức độ nào là căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng, đồng thời phải cân nhắc nhiều yếu tố có thể tác động đến con người, xã hội”, ông Mai Văn Trinh nêu quan điểm. Ông Mai Văn Trinh cũng khẳng định, từ sự cố thi năm 2018, Bộ GD-ĐT đã hoàn thiện quy chế thi THPT quốc gia 2019, bảo đảm có muốn gian lận cũng không thể. Hiện Bộ GD-ĐT đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2019.

Về triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT) mới, Bộ GD-ĐT cho biết đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình mới với 63 tỉnh, thành; hội nghị các trường sư phạm triển khai nhiêm vụ bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý GDPT thực hiện chương trình GDPT mới. Ban hành kế hoạch về biên soạn SGK theo chương trình mới. Hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017-2025; đến nay, hầu hết các địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai.

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo