Thứ Ba, ngày 13 tháng 5 năm 2025

Đức hạnh cần phải tu dưỡng suốt đời

Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. (Ảnh: Thanhuytphcm)

(Thanhuytphcm.vn) - Liêm, sỉ là một trong những phạm trù đạo đức cơ bản của con người. Theo Từ điển Tiếng Việt, liêm sỉ nghĩa là đức tính của người trong sạch và biết tránh những điều làm cho mình phải xấu hổ. Liêm và sỉ chính là đức hạnh mà con người cần phải tu dưỡng suốt đời. Bởi, liêm là liêm khiết, là thanh liêm. Liêm vừa bao hàm ý nghĩa liêm khiết, trong sạch vừa bao hàm ý nghĩa tiết kiệm, thanh đạm. Không tham lam cũng được xem là liêm, không tham mà trở nên trong sạch. Còn sỉ là sự xấu hổ, biết xấu hổ trước những việc làm sai trái của mình. Cảm thấy “ngại” khi mình mắc lỗi, mình phạm sai lầm và từ đó chỉnh sửa, tu dưỡng lại bản thân mình cho đúng, cho đẹp.

Người xưa rất đề cao liêm sỉ trong xã hội và cho rằng, giáo hóa cho cộng đồng hiểu về liêm sỉ còn quan trọng hơn là dùng trọng hình. Bởi vì khi đạo đức của con người được nâng cao, khi họ biết xấu hổ, biết việc gì nên làm việc gì không nên làm, biết rõ đúng sai, phải trái để từ đó điều chỉnh hành vi của mình thì có thể không cần phải dùng đến hình phạt nữa.

Trong xu thế hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường như nước ta hiện nay, chúng ta thường xuyên tiếp nhận thông tin về những đại án tham nhũng liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - những người được Đảng và Nhà nước trao cho quyền lực để lãnh đạo, điều hành, quản lý nhiều mặt của đất nước, mà nguyên nhân chính nằm ở chỗ văn hóa liêm sỉ không được coi trọng, thẩm thấu trong đội ngũ cán bộ có chức có quyền. Bởi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống là nguyên nhân chính làm cho đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là những người có chức có quyền thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công vụ, đạo đức cách mạng; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân; quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân, từ đó dẫn đến tham nhũng (tham nhũng, về bản chất là sự lạm dụng quyền lực nhà nước, sự tha hóa quyền lực bởi người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước nhằm đem lại lợi ích riêng).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời, thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”(5), phải chăng cái đức mà Bác nói năm xưa chính là cái liêm, cái sỉ mà chúng ta đang đề cập ở đây… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nhận định: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”.(4)

“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”(6). Lời Bác dạy năm xưa nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là đặt vào bối cảnh đất nước ta hiện nay. Giữ cho được chữ “liêm”, chữ “sỉ” của người cán bộ âu cũng là việc quyết định đến sự thành hay bại của muôn việc nước nhà!.

Đặng Thị Bích Phượng (Học viện Chính trị khu vực II)

-------

(1), (2). Trích nguồn Trithuc.vn

(3). Chu Văn An - người thầy của muôn đời, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014.

(4). Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb CTQG Sự thật, HN, 2023

(5). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 117.

(6). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t5, tr. 309.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo