Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Để mọi sự đổi mới, năng động, sáng tạo đương nhiên sẽ vì lợi ích chung

ảnh minh họa (nguồn: Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) – “Chúng ta cùng xác định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 31, Nghị quyết 98, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; để xây dựng lại hình ảnh cán bộ công chức, viên chức TP thật sự năng động, dám nghĩ dám làm, đối diện khó khăn, tìm giải pháp để vượt qua. Quyết tâm, hành động này phải đến từ các bên, từ lãnh đạo TP, sở, ngành, đơn vị và chính cán bộ, công chức, viên chức của TP” - đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh tại hội nghị gặp gỡ lãnh đạo cấp phòng của các cơ quan TP với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”.

Chủ trương này được cả xã hội quan tâm vì liên quan đến tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trước thực tiễn lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc không ít cán bộ còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, vướng mắc do một số quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa hoàn thiện. Thậm chí nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ hoặc liên thông, không còn phù hợp với thực tiễn. Nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại hoặc dễ bị lợi dụng để làm trái, trục lợi trong quá trình triển khai thực hiện... Điều này khiến cho cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng còn chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí còn e ngại, sợ bị xử lý kỷ luật khi có khuyết điểm, thậm chí có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự. Song song đó, thành phố cũng chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích đối với cán bộ và đặc biệt là thiếu các cơ chế để bảo vệ cán bộ trong những trường hợp quyết định sáng tạo, đột phá có sai sót.

Từ đó, để chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, có thể nhanh chóng đi vào thực tiễn, Thành phố cần sớm ban hành các văn bản cụ thể hóa Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị quy định khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và Kết luận 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung như nghị định, thông tư, hướng dẫn… nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý khi triển khai thực hiện; trong đó, cần quy định cụ thể các nội dung như: cán bộ năng động, sáng tạo được tuyên dương, biểu dương trước tập thể cơ quan, đơn vị và được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Trong đánh giá hoàn thành nhiệm vụ cuối năm, được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được ưu tiên, tạo điều kiện trong đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với cán bộ; được quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn vị trí đang đảm nhiệm hoặc được bổ nhiệm, quy hoạch vượt cấp…

ảnh minh họa (nguồn: Thanhuytphcm.vn) ảnh minh họa (nguồn: Thanhuytphcm.vn)

Song song đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nghiêm túc tổ chức quán triệt Kết luận 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân để mọi người nhận thức đúng và đầy đủ nội dung của Kết luận. Các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị ngoài việc nhận thức, thấm nhuần nội dung của Kết luận, chỉ đạo rà soát, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ các văn bản của Đảng và Nhà nước có liên quan đến việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo đúng yêu cầu của Kết luận 14, để làm căn cứ thực hiện trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý hoặc phụ trách...

Việc xây dựng, ban hành bộ tiêu chí cụ thể về đổi mới, năng động, sáng tạo đối với từng chức vụ lãnh đạo, chức danh nghề nghiệp, từng vị trí cán bộ, công tác cũng cần có quy định, tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Bởi trong thực tiễn, sự năng động, đổi mới, sáng tạo và sự lạm quyền, lộng quyền của cán bộ là ranh giới rất mong manh, đôi khi nó lại phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người đứng đầu, nhất là đối với những trường hợp có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách và những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn. Khi có tiêu chí cụ thể, tổ chức đảng, cán bộ sẽ giải phóng tư tưởng, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, dám chịu trách nhiệm cả khi chứa đựng những yếu tố rủi ro khách quan và chủ quan mà không sợ bị quy trách nhiệm một cách phiến diện, bị gièm pha, đánh giá không đúng… Nếu không có bộ tiêu chí cụ thể thì trong thực tiễn vẫn có trường hợp những cán bộ có năng lực đổi mới, năng động, sáng tạo nhưng để “yên thân”, họ chỉ làm theo các quy định, quy chế đã có mà không dám “xé rào, đột phá” vì sợ lại bị quy vào vi phạm những điều đảng viên không được làm theo quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII).

Cùng với đó, cũng cần có quy định cụ thể, rõ nội dung đổi mới, sáng tạo nào phải báo cáo cấp trên trước khi triển khai thực hiện và nội dung không phải báo cáo cấp trên. Mỗi tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu được đổi mới, năng động, sáng tạo trong trách nhiệm, thẩm quyền, vị trí của mình. Do đó, việc trao quyền lực cho tổ chức, cán bộ phải bảo đảm “đủ quyền, đúng quyền, rõ quyền, thực quyền” để cán bộ chủ động năng động, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện thẩm quyền của mình, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm. Những sáng kiến đổi mới, sáng tạo vượt thẩm quyền “phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan, cá nhân hoặc cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm”. Khi đã báo cáo cấp trên, nếu sự “đổi mới, sáng tạo” vẫn có những sai sót thì cấp trên phải chịu trách nhiệm liên đới.

Dĩ nhiên, cùng với những quy định, tiêu chí… nêu trên, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát là hoạt động vô cùng cần thiết. Bởi vì, thực tiễn luôn luôn vận động, biến đổi, phát triển không ngừng theo các quy luật khách quan, nên đề xuất đổi mới, sáng tạo dù được nghiên cứu, tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng vẫn có những thiếu sót, sơ hở, thiếu tính khả thi… Do vậy, cần thường xuyên tổng kết thực tiễn và kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các đề xuất đổi mới, sáng tạo để chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm. Nhất là, phải xử lý nghiêm minh việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tha hóa quyền lực, thực hiện hoặc bao che hành vi trục lợi, tham nhũng, tiêu cực, thực hiện chủ nghĩa cá nhân…

Cuối cùng, vấn đề then chốt, căn bản nhất vẫn là công tác cán bộ và cán bộ, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng từng chức danh, vị trí đảm nhiệm, có đức, có tài. Khi đó, mọi sự đổi mới, năng động, sáng tạo đương nhiên sẽ vì lợi ích chung hoặc nếu có rủi ro, sai sót thì Đảng, Nhà nước, tập thể vẫn đánh giá công tâm, khách quan.

Trần Hữu Nghĩa

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo