Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Chuyện về những thước phim mầu Điện Biên Phủ

Tối  5-4, trên sóng VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát sóng bộ phim tài liệu mầu Việt Nam của cố đạo diễn Roman Karmen. Chung quanh chuyện những thước phim mầu về chiến dịch Điện Biên  Phủ lần đầu tiên đến được với khán giả Việt Nam này còn có nhiều bất ngờ thú vị...
Mua phim

Người có công phát hiện những thước phim mầu quý giá này chính là Thanh Lâm, phó trưởng ban thời sự Đài THVN. Từ tháng 4-2003, qua một số mối quen biết, anh có dịp tiếp xúc với Patrick Barberis, phóng viên truyền hình tự do người Pháp rất am hiểu về Việt Nam, đến Hà Nội làm phim tài liệu về cuộc chiến tranh Đông Dương.

Tù binh Pháp tại Điện Biên Phủ.

Tháng 10-2003, nhằm chuẩn bị đợt tuyên truyền kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Thanh Lâm được cử sang Pháp gặp gỡ các nhân chứng lịch sử còn sống và tìm kiếm thêm các tư liệu quý về Việt Nam. Anh đã tìm gặp Patrick và đề nghị được giúp đỡ.

Patrick đã cho anh xem một bộ phim tài liệu do mình  đạo diễn có sử dụng hai phút phim màu lấy từ bộ phim Việt Nam của đạo diễn Karmen. Thanh Lâm rất vui mừng khi nhìn thấy những hình ảnh sống động về Bác Hồ, về ngày giải phóng thủ đô... và xin hai phút phim này mang về nước.

Đài THVN đã quyết định mua bản quyền bộ phim. Tháng 2-2004, nhân một chuyến công tác Thụy Điển, Thanh Lâm ghé qua Pháp, tìm gặp Patrick, nhờ nhà báo này giới thiệu đầu mối mua phim và biết được nơi đang sở hữu bộ phim chính là Viện Lưu trữ phim ảnh - tài liệu quốc gia Liên bang Nga.

Tháng 3-2004, Đài THVN, và Viện Lưu trữ phim ảnh - tài liệu Liên bang Nga đã ký bản hợp đồng mua bán bản quyền bộ phim.

Theo đó, Đài THVN được phép phát sóng bộ phim ba lần trong vòng một năm với chi phí bản quyền khoảng 7.000 USD. Nếu mua đứt bộ phim, giá tiền sẽ lớn hơn gấp nhiều lần, khoảng 800 USD/phút.

Chuyện đằng sau bộ phim

Bộ phim Việt Nam của đạo diễn Roman Karmen thuộc thể loại phim tài liệu nghệ thuật có độ dài 69 phút, thuật lại cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong bối cảnh ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Phim có sử dụng một số cảnh tư liệu của các nhà quay phim hàng đầu Việt Nam thời đó như Mai Lộc, Tiến Lợi, Hồng Nghi, Quang Huy (cảnh máy bay bị bộ đội ta bắn rơi, cảnh đoàn tàu hỏa của Pháp bị quân ta đốt cháy...). Riêng những cảnh quay về chiến dịch Điện Biên Phủ, đạo diễn Karmen đã phải dựng lại.

R.Karmen đến Điện Biên Phủ một thời gian ngắn sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc và hoàn thành bộ phim Việt Nam vào năm 1955. Đại tá Hoàng Đăng Vinh (một trong những người đã từng tham gia bắt sống tướng De Castries ngày 7-5-1954) đã kể lại rằng vào ngày 20-5-1954, ông đã gặp lại tướng De Castries theo yêu cầu của đoàn làm phim Liên Xô do đạo diễn Karmen dẫn đầu.

Nghệ sĩ ưu tú - đạo diễn - nhà quay phim Phạm Việt Tùng, 66 tuổi - người đã từng giúp việc cho nhà quay phim Tiến Lợi (một trong những người hỗ trợ Karmen thực hiện phim Việt Nam), cho biết tính chất của phim tài liệu nghệ thuật cho phép dựng lại với điều kiện nhân vật và câu chuyện là hoàn toàn có thật.  

Nhờ có sự giúp đỡ của Bác Hồ, đạo diễn R.Karmen đã hoàn thành được những cảnh quay dựng tại Điện Biên Phủ sau khi chiến dịch kết thúc như:  Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới hầm chỉ huy; bộ đội Việt Nam ào ạt xông lên tấn công hầm De Castries; cảnh phất cờ trên nóc hầm...

Các nhà làm phim của Việt Nam cũng đã giúp đạo diễn Karmen dựng một giàn giáo bằng tre để đặt máy quay, sao cho góc quay thật đẹp, thật hoành tráng.

Bên cạnh gương mặt của các vị lãnh tụ quen thuộc, rất nhiều khuôn mặt của các nhân vật lịch sử xuất hiện trong phim như các bác sĩ Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, thiếu tướng Vương Thừa Vũ, vị Chủ tịch UBND đầu tiên của thành phố Hà Nội - bác sĩ Trần Duy Hưng...  

Đẹp nữa là cảnh đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản thủ đô trong sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo người dân Hà Nội. Đạo diễn Karmen đã chuẩn bị cho những cảnh quay này rất kỹ.

Xem xong phim, đạo diễn Phạm Việt Tùng nhận xét: “Bộ phim Việt Nam của đạo diễn Karmen xứng đáng là bậc thầy cả về mặt tư liệu và thủ pháp làm phim. Phim có giá trị giáo dục rất lớn, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ”. 


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo