Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024

Cần tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp liên kết với cơ sở đào tạo

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi họp báo sau hội thảo. (ảnh: Đan Như)
(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 10/1, Trường Đại học Kinh tế TPHCM phối hợp Sở Giáo dục -  Đào tạo TP tổ chức Hội thảo khoa học “Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp”. Đến dự có Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong,

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, công tác giải quyết việc làm cho người lao động đã trở thành một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của TP. Tính bình quân mỗi năm, TPHCM đã giải quyết hơn 300.000 việc làm, tạo thêm 135.000 việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,8%. Riêng số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng tại TP đạt 72,3%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng, công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn còn nhiều thách thức. Một trong những tồn tại, hạn chế dẫn đến việc thất nghiệp hiện nay là do chưa có một thị trường lao động hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, sự biến đổi, vận hành không ngừng của nền kinh tế thị trường đã dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi. Trong khi đó vẫn còn khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp…

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, TP xác định giải quyết việc làm cho sinh viên là trách nhiệm của chính quyền với xã hội, do đó, TP cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm hoàn chỉnh hệ sinh thái thị trường lao động. Đồng thời hỗ trợ các điều kiện cần thiết nhằm tăng cường sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, để giảm đến mức thấp nhất khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp. Qua đó, tạo nhiều cơ hội hơn cho các sinh viên tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong bày tỏ mong muốn các chuyên gia đề xuất các giải pháp căn cơ để TP sớm hoàn thiện thị trường lao động, trước mắt là hình thành hệ sinh thái thị trường lao động hiệu quả, gồm chính quyền - nhà trường - doanh nghiệp và sinh viên.

Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động nước ta còn thấp, chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động; năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN; nhiều ngành nghề sẽ biến mất và có những công việc mới ra đời. 

Sinh viên Trường Đại học Sài Gòn trong một giờ học trong phòng thí nghiệm. (ảnh: Đan Như) Sinh viên Trường Đại học Sài Gòn trong một giờ học trong phòng thí nghiệm. (ảnh: Đan Như)

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Trần Anh Tuấn cho rằng, một thực trạng dễ thấy là các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhưng ngược lại nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kỹ năng. Ngoài ra, một số ngành nghề cũng đang mất cân đối giữa các cấp đào tạo và nhu cầu tuyển dụng.

Nhiều ý kiến cho rằng sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đã dần được chú trọng, tuy nhiên chưa đạt hiệu quả cao, dẫn đến việc đào tạo vẫn chưa thật sự bám sát với nhu cầu thực tế. Để nhà trường đào tạo được sinh viên chất lượng, doanh nghiệp có được lao động đáp ứng được yêu cầu, rất cần đẩy mạnh liên kết hai bên. Cùng với sự chủ động, năng động của nhà trường và doanh nghiệp trong xây dựng các mô hình liên kết, cần có sự hỗ trợ, định hướng của cơ quan quản lý. Cụ thể, có các chính sách khuyến khích liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối các cơ quan hữu quan để dự báo nhu cầu nhân lực và hướng nghiệp.

Theo GS.TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, để đáp ứng yêu cầu thực tế, các trường đại học và doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị, cùng chia sẻ và hợp tác chặt chẽ với nhau trong vấn đề đào tạo và sử dụng lao động để đón đầu xu hướng thị trường này. Để chương trình đào tạo sát với thực tế, nhà nước cần phát triển khả năng dự báo thị trường lao động trong dài hạn, từ đó các trường có định hướng chuyển đổi cơ cấu ngành nghề và chương trình đào tạo phù hợp. Cùng với đó cần tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp liên kết với cơ sở đào tạo. Bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, các cơ sở giáo dục cần chú trọng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong bối cảnh quốc tế hóa.

S.Hải

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo