Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

8 nhóm giải pháp để tăng cường môi trường đầu tư kinh doanh của TPHCM

Các đại biểu trao đổi tại phiên thảo luận tại hội trường

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 10/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng, kỳ họp thứ 20, HĐND TPHCM khóa IX tiến hành thảo luận tại hội trường. Tại phiên thảo luận, các đại biểu (ĐB) đã nêu lên nhiều ý kiến về vấn đề tăng trưởng kinh tế của TP, các vấn đề dân sinh như ngập nước, ô nhiễm môi trường, trợ giá xe buýt, chính sách nhà ở cho người dân… và đã được các sở, ngành, UBND TP giải trình một cách thấu đáo.

Phó Chủ tịch HĐND TP Phan Thị Thắng điều hành phiên thảo luận tại hội trường sáng 10/7 của kỳ họp thứ 20 HĐND TP khoá IX, nhiệm kỳ 2016-2021 Phó Chủ tịch HĐND TP Phan Thị Thắng điều hành phiên thảo luận tại hội trường sáng 10/7 của kỳ họp thứ 20 HĐND TP khoá IX, nhiệm kỳ 2016-2021

Đề xuất thu phí ngập nước đối với các chủ đầu tư nhà cao tầng

Tại buổi thảo luận, ĐB Trần Quang Thắng cho rằng: Hiện nay, việc xây nhà cao tầng đang là xu hướng của đô thị TP. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển của nhà cao tầng là nguyên nhân dẫn đến kẹt xe, ngập nước. Vì vậy, kiến nghị TP có chính sách thu phí những công trình xây nhà cao tầng, đây sẽ là kinh phí dự phòng cho TP để giải quyết các vấn đề về ngập nước và ùn tắc giao thông.

Đại biểu HĐND TP Trần Quang Thắng (Quận 8) phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Đại biểu HĐND TP Trần Quang Thắng (Quận 8) phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường

Còn ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (quận Thủ Đức) chia sẻ: Vừa qua, khi tiếp xúc cử tri nghe phản ánh tôi rất đau lòng. Đó là việc buông lỏng trong công tác quản lý, để đầu nậu tích trữ đất, thu gom đất làm dự án bán lại cho người dân. Ở đây có nhiều nguyên nhân, đó là người dân không nắm được quy định pháp luật, nhu cầu nhà ở không đáp ứng được, cũng có thể do người dân ham rẻ. Cho nên, tôi mong muốn TP tính toán lại chương trình nhà ở. Bây giờ, cưỡng chế những trường hợp này thì bố trí cho người dân ở đâu. Bởi vì, họ là người nghèo, gom góp ít tiền mua miếng đất cất cái nhà để ở. Theo quy định pháp luật, sai thì sai rồi, nhưng trách nhiệm của chính quyền đến đâu trong việc lo chỗ ở cho người dân. 

Đại biểu HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thủ Đức) phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Đại biểu HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thủ Đức) phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường

Bên cạnh đó, các ĐB cũng nêu lên nhiều vấn đề đời sống dân sinh đề nghị các sở, ngành, UBND TP có giải pháp xử lý. ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm (quận Bình Tân) đặt vấn đề: Hàng năm, TP chi cả ngàn tỷ đồng trợ giá cho xe buýt, nhưng chất lượng xe buýt và số lượng hành khách đi xe buýt ngày càng giảm. Vừa qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) có văn bản đề xuất điều chỉnh tăng bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020. Tuy nhiên, điều nghịch lý ở chỗ là nguồn tiền trợ giá nằm ở kho bạc, đơn vị vận tải không nhận được tiền trợ giá dẫn đến cắt tuyến, ngưng tuyến, còn Sở thì xin thêm tiền trợ giá. Vậy Sở GTVT lý giải như thế nào về vấn đề này?.

Đại biểu HĐND TPHCM Nguyễn Thị Tố Trâm (Bình Tân) phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Đại biểu HĐND TPHCM Nguyễn Thị Tố Trâm (Bình Tân) phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường

Giải trình vấn đề ĐB đặt ra, Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm cho biết: Về trợ giá xe buýt, năm 2011 - 2012, có thời điểm trợ giá 1.300 tỷ đồng/năm. Những năm gần đây, Sở được giao gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ thống định mức đơn giá, khấu hao phương tiện, tiền lương, chi phí tăng cao nên cần điều chỉnh kịp thời, tạo điều kiện cho các DN phát triển. Song Sở cũng ý thức rằng, việc sử dụng ngân sách sao cho hiệu quả nên đã thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục rà soát mạng lưới tối ưu hơn, thực hiện tổ chức đấu thầu tuyến, kết hợp đổi phương tiện; xây dựng đề án chính sách giá vé…

Tại buổi thảo luận, phát biểu làm rõ một số ý kiến ĐB đặt ra về vấn đề chống ngập, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết: Đối với dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 đã hoàn thành 85% và dự kiến tháng 10/2020 đưa vào sử dụng. Nếu hoàn thành dự án này sẽ giải bài toán cơ bản về vấn đề chống ngập do triều kết hợp với mưa và biến đổi khí hậu, tạo ra cảnh quan thiên nhiên sông nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, về vấn đề chống ngập, nhiều giải pháp đã được TP làm và sắp tới làm tiếp. Trong đó, có những giải pháp TP làm như yêu cầu các chủ đầu tư khi xây dựng các khu đô thị mới từ 50 đến 100ha trở lên phải có hồ điều tiết. Những dự án công trình nào nằm ven sông, lân cận sông có thể quản lý hệ thống sông rạch để tạo sự thoát nước tự nhiên. TP dự kiến dành 5.000 - 10.000ha diện tích đất ở khu vực biền, các triền ven sông để giảm ngập tự nhiên. 

Liên kết vùng để giải quyết bài toán tiêu thụ nội địa

Cũng tại thảo luận, ĐB Võ Thị Ngọc Thúy (quận Thủ Đức) đánh giá thời gian qua, kinh tế TPHCM, quá trình sản xuất kinh doanh không còn phụ thuộc nhiều vào lao động, năng suất lao động tăng, việc ứng dụng công nghệ có những bước tiến. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như chỉ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) và PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Do đó, cần phân tích rõ đâu là yếu tố chưa đạt chỉ số ICOR. Về PCI, có 3 nhóm chỉ số cần quan tâm nhiều hơn là thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, quản lý mặt bằng; TTHC về quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị; về tiếp cận vốn. Do đó, ĐB Võ Thị Ngọc Thúy đề xuất trong 6 tháng cuối năm, TP cần có gói kích cầu chung của TP cho nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào những lĩnh vực có tính lan tỏa như dịch vụ, du lịch,… Đồng thời, chủ động kích cầu từng ngành để tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, có sự liên kết vùng để giải quyết bài toán tiêu thụ nội địa, giao thương.

Đại biểu HĐND TP Võ Thị Ngọc Thuý (Thủ Đức) phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Đại biểu HĐND TP Võ Thị Ngọc Thuý (Thủ Đức) phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (quận Thủ Đức) phân tích: Trong những tháng vừa qua, tăng trưởng ở TPHCM rất thấp. Trong đóng góp GDP chung của cả nước thì TPHCM cho thấy khả năng sụt giảm còn tiếp tục. Do đó, các ngành và UBND TP cần rà lại một cách rất chi tiết, xem dư địa của TPHCM đang ở đâu? Theo đó, UBND TP cần phải biết rằng doanh nghiệp (DN) họ cần cái gì? Mà muốn biết DN cần cái gì phải phân khu vực DN ra, loại DN nào, lĩnh vực gì, ngành nghề nào, cần cái gì?

Giải trình những vấn đề ĐB đặt ra, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai thông tin: Do ảnh hưởng của dịch Covdi-19, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế TP chịu ảnh hưởng nhiều và chưa bao giờ mà TPHCM có tỷ lệ tăng trưởng GRDP thấp; chỉ số ICOR chưa đạt được theo kế hoạch đề ra. Do đó, hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu TP những giải pháp để tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường

Đó là có giải pháp hỗ trợ cho DN khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 phát triển bền vững hơn. Tập trung phát triển thị trường trong nước, đặc biệt là du lịch và các ngành dịch vụ mà TP có lợi thế. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cũng như nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong vấn đề điều hành hoạt động của từng cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh cải cách TTHC, đơn giản hóa TTHC, cải thiện môi trường đầu tư. Tập trung giải quyết các điểm nghẽn, điểm bất cập và tạo điều kiện thuận lợi hơn, thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư, DN phát triển. Cùng với đó, phát huy vai trò của các hội đồng phát triển kinh tế ngành, nhất là các ngành kinh tế trọng yếu của TP. Mặt khác, phát triển hệ thống phân phối trên địa bàn TP; tổ chức quảng bá hình ảnh điểm đến hấp dẫn của TP thân thiện và an toàn; chọn lọc nguồn vốn FDI; triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ theo xu hướng chung của thế giới hiện nay.

Về chỉ số PCI, sắp tới TP có 8 nhóm giải pháp để tăng cường môi trường đầu tư kinh doanh của TP; công khai minh bạch về thông tin phục vụ nhân dân, DN; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để giảm chi phí đào tạo cho DN; phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ DN; hoàn thiện quy trình, TTHC, giảm chi phí gia nhập thị trường cho DN; tăng cường khả năng tiếp cận đất đai, cũng như sử dụng ổn định mặt bằng sản xuất cho DN; tăng cường tính năng động và tiên phong của TP; nâng cao hiệu quả thực thi của các thiết chế pháp lý.

Đình Lý - Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo