Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

76 đầu việc thực hiện chủ đề năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị

Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP Huỳnh Thanh Nhân trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 20 của HĐND TP khoá IX

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 11/7, dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, kỳ họp thứ 20, HĐND TP khóa IX đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao TP liên quan lĩnh vực phụ trách. Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong.

Thực hiện 4 nhóm trọng tâm về hoạt động văn hóa cơ sở

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Văn Đạt (quận Bình Tân) cho rằng: TPHCM chọn chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, chủ đề này được Nhân dân TP hết sức quan tâm. Đến nay, đã qua 6 tháng thực hiện, với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan thường trực trong thực hiện chủ đề này, giám đốc sở cho biết công tác triển khai và kết quả thực hiện?

Đại biểu HĐND TP Nguyễn Văn Đạt phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Đại biểu HĐND TP Nguyễn Văn Đạt phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Giải trình vấn đề ĐB đặt ra, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Huỳnh Thanh Nhân thông tin: Trên cơ sở kế hoạch thực hiện chủ đề năm 2020, trong đó có những nội dung, chương trình công việc cụ thể. Cụ thể, trên lĩnh vực văn hóa có 44 đầu việc với 5 nhóm nhiệm vụ. Đó là xây dựng và triển khai các đề án chiến lược phát triển của ngành văn hóa và thể thao; tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động của lễ hội và sự kiện; tổ chức các hoạt động văn hóa; hoạt động thể dục thể thao gắn với hoạt động văn hóa; đầu tư cơ sở vật chất của ngành. Trong 6 tháng đầu năm, các hoạt động văn hóa được đẩy mạnh, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, các hoạt động văn hóa - thể thao tạm dừng. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh thực hiện 7 chương trình đề án; tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động của lễ hội và sự kiện; thực hiện 4 nhóm trọng tâm về hoạt động văn hóa cơ sở…

Trên lĩnh vực văn minh đô thị có 32 đầu việc. Trong 6 tháng đầu năm, Sở Xây dựng đã triển khai liên quan thực hiện Chỉ thị 23; Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai liên quan thực hiện Chỉ thị 19; Sở Nội vụ triển khai liên quan đến Quyết định 67 của UBND TP về công tác ứng xử tại các cơ quan đơn vị trên địa bàn TP của cán bộ, công chức, người lao động. Vừa qua, Sở đã chủ trì với các sở, ngành liên quan và UBND 24 quận, huyện rà soát lại việc đánh giá thực hiện các công việc nêu trên.

Chưa thống nhất trong quản lý tiếng ồn

Cũng tại phiên chất vấn, các ĐB nêu lên những vấn đề dân sinh như vấn đề quảng cáo, rao vặt; tiếng ồn trong khu dân cư… đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao làm rõ và có những giải pháp khắc phục, chấn chỉnh thời gian tới. 

ĐB Tăng Hữu Phong (quận Tân Bình) cho biết: Trong phiên khai mạc kỳ họp này, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP có nêu vấn đề karaoke, loa kéo đang là vấn nạn và lập tức nhận được sự quan tâm của đồng bào cử tri TP. Với trách nhiệm là Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, quan điểm của Sở về vấn đề này và hướng khắc phục như thế nào?

Đại biểu HĐND TP Tăng Hữu Phong phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Đại biểu HĐND TP Tăng Hữu Phong phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Huỳnh Thanh Nhân cho hay: Với trách nhiệm của ngành văn hóa - thể thao TP, thời gian qua nhận được phản ánh của người dân và tất cả các phản ánh đó Sở cho Thanh tra phối hợp với các quận, huyện để xử lý. Về trách nhiệm xử lý, đối với Sở Văn hóa - Thể thao làm trưởng đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để xử lý về tiếng ồn.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 155 của Chính phủ về xử lý môi trường thì Sở không có chức năng để đo tiếng ồn nên phải ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để đo tiếng ồn xử lý theo quy định. Cũng theo Nghị định 155 của Chính phủ thì trách nhiệm xử lý tiếng ồn là của ngành tài nguyên môi trường. Theo Nghị định 167 thì Công an TP được xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự về vi phạm tiếng ồn nhưng mức xử phạt thấp. “Về vấn đề này, ngành văn hóa tiếp tục phối hợp với quận - huyện trong công tác quản lý; cũng như đề nghị các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng phường, xã, thị trấn trong công tác quản lý, xử lý để không phát sinh những mâu thuẫn từ tiếng ồn ảnh hưởng đến xã hội” - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Huỳnh Thanh Nhân cam kết. 

Làm rõ thêm vấn đề, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Về vấn đề tiếng ồn, năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 167 cho phép thẩm quyền UBND các cấp và lực lượng thanh tra chuyên ngành kiểm soát tiếng ồn từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng ở các khu dân cư. Trên địa bàn TP, 6 tháng đầu năm có 46 trường hợp bị lập biên bản xử lý bằng tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Đối với trường hợp gây ra tiếng ồn lớn, năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định 155 cho phép ngành tài nguyên môi trường cùng với các cơ quan có thẩm quyền để đo đạc và xử lý; việc xử lý này, mang tính chuyên ngành.

Chưa hài lòng với phần giải trình của các sở, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho rằng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này chưa thống nhất. Do đó, yêu cầu Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TP chủ trì phối hợp các ngành chức năng liên quan rà soát lại các quy định pháp luật, các bộ tiêu chí ngành đã xây dựng, nhất là tiêu chí về ứng xử văn hoá nơi công cộng. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân có văn hoá ứng xử trong cộng đồng để cùng nhau xây dựng khu phố văn hoá.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM

Bên cạnh đó, tại phiên chất vấn, ĐB Cao Thanh Bình (Quận 9) đặt vấn đề: Hiện nay, một số di tích chưa được kịp thời trùng tu bảo dưỡng có dấu hiệu xuống cấp. Vậy việc kiểm kê danh mục di tích, bảo quản phục hồi di tích như thế nào? Có khó khăn gì trong trùng tu di tích?.

ĐB Cao Thanh Bình phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ĐB Cao Thanh Bình phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Huỳnh Thanh Nhân thông tin: Dự kiến trong năm 2020, tổng số công trình và tổng vốn cho khởi công công trình mới và chuyển tiếp các công trình trùng tu di tích trên địa bàn TP khoảng 352 tỷ đồng. Trên cơ sở làm việc của UBND TP với các quận, huyện, UBND TP đã có chủ trương giao Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp với các quận, huyện rà soát lại các di tích (177 di tích) và 100 danh mục kiểm kê để xếp hạng di tích nhằm thực hiện trùng tu; trong đó TP chỉ đạo chấp thuận cho UBND các quận, huyện làm chủ đầu tư các di tích trên địa bàn, Sở Văn hóa - Thể thao khảo sát và phối hợp với quận, huyện trong thẩm định, hỗ trợ cho các di tích trên địa bàn quận, huyện để trùng tu bảo tồn theo đúng Luật Di sản văn hóa.

Tuy nhiên, trong danh mục các quận, huyện; trung tâm bảo tồn di tích của Sở làm chủ đầu tư đề xuất, cái khó hiện nay là Thủ tướng Chính phủ chưa thông báo tổng mức về đầu tư xây dựng cơ bản cho TPHCM nên hiện nay một số dự án chưa được thông qua.

Đình Lý - Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo