Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư tặng hoa và biểu trưng chúc mừng các nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho sân khấu cải lương (Thanhuytphcm.vn) - Tối 13/1, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1), hơn 400 nghệ sĩ, nhạc sĩ, diễn viên đã cùng tụ hội mang đến chương trình giao lưu, biểu diễn và tôn vinh 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương thật hoành tráng, ấn tượng như sự kỳ vọng của bao khán giả mộ điệu và những người yêu mến nghệ thuật dân tộc.
Đến dự chương trình có các đồng chí lãnh đạo: nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ, lãnh đạo các sở ngành, đoàn thể TP; cùng các NSND, NSƯT, soạn giả, đạo diễn, nhà lý luận phê bình, các gia tộc cải lương, nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên đã và đang gắn bó với nghệ thuật cải lương.
Phát biểu chúc mừng tuổi bách niên của nghệ thuật cải lương, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết chương trình tôn vinh 100 năm nghệ thuật cải lương là một trong những sự kiện quan trọng của TP chào mừng 320 năm Sài Gòn - Gia Định - TPHCM. Nhìn lại quá trình 100 năm hình thành và phát triển, hiếm loại hình nào có được sự yêu thương trải dài từ Bắc chí Nam, từ thành thị đến nông thôn như nghệ thuật cải lương với nhiều tác phẩm, vai diễn đi vào lịch sử, thấm đẫm giá trị chân thiện mỹ sáng ngời. Có thể khẳng định nghệ thuật cải lương là đứa con tinh thần ko thể thiếu của người dân vùng đất Nam bộ, đã kế thừa tinh hoa truyền thống dân tộc và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật các nước, lại được nhân dân nuôi dưỡng, bảo tồn, gắn với tâm tư tình cảm và thể hiện rõ nét tâm hồn, khí chất con người Nam bộ hào sảng, nghĩa hiệp, sáng tạo.
Tiết mục “Vọng trăng xưa” với sự tham gia của các nghệ sĩ “thế hệ vàng” mở đầu cho chương trình TPHCM thực hiện chương trình giao lưu, biểu diễn và tôn vinh 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương nhằm ghi nhận đóng góp của bao cá nhân, tập thể cho sân khấu cải lương suốt 100 năm qua, cũng như khẳng định vị trí quan trọng của sân khấu cải lương đối với nghệ thuật dân tộc và văn hóa Nam bộ. Đồng thời giới thiệu đến khán giả mộ điệu, đến các du khách về một TP phát triển, năng động, sáng tạo, giàu nghĩa tình, mến khách. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, TP quan tâm phát triển kinh tế hài hòa với văn hóa xã hội, chăm lo giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đó cải lương là một viên ngọc sáng trong các loại hình nghệ thuật dân tộc, để cải lương tiếp tục tiến bước trong chặng đường hội nhập phát triển mà vẫn giữ đậm đà bản sắc.
Hơn 400 nghệ sĩ, nhạc sĩ, diễn viên cùng hội tụ trong chương trình mừng 100 năm sân khấu cải lương Tại chương trình, Ban Tổ chức đã tôn vinh những bậc nghệ sĩ tiền phong, tiền bối; các nghệ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, các nghệ sĩ Đoàn Văn công Giải phóng Trung ương Cục; các NSND, NSƯT, các soạn giả, nhạc sĩ, nhà thiết kế sân khấu, phục trang, kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, công nhân hậu đài; các gia tộc cải lương, các đoàn cải lương tiêu biểu; các cơ quan truyền thống có nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương.
Lần đầu tiên, giới sân khấu cải lương có sự hội tụ quy mô lớn như thế trong một chương trình với sự góp mặt của gần như đủ mặt các nghệ sĩ nhiều thế hệ: NSND Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Trọng Hữu; NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ, Thanh Điền, Thoại Mỹ, Phượng Loan, Kim Tử Long, Phượng Hằng, Tấn Giao, Vũ Luân, Mỹ Hằng…; các nghệ sĩ Hồng Nga, Tuấn Thanh, Trinh Trinh, Chí Linh, Vân Hà, Thy Trang, Lê Thanh Thảo, Lê Trung Thảo…; các diễn viên trẻ trưởng thành từ giải thưởng Trần Hữu Trang, cuộc thi “Chuông vàng Vọng cổ”, “Bông Lúa Vàng”, các diễn viên nhí của nhóm “Bầu trời xanh”, cùng các nghệ sĩ đại diện cho cải lương miền Tây, miền Đông Nam bộ và phía Bắc.
Chương trình đã khái quát tiến trình sân khấu cải lương và những nét đặc sắc của nghệ thuật này với các tiết mục đặc sắc: ca cảnh Vọng trăng xưa, bài ca cổ Bánh bông lan, hoạt cảnh Lấp sông gianh - Thái hậu Dương Vân Nga, các trích đoạn Chiến binh, Cờ nghĩa Tây Sơn, Sóng dậy Bạch Đặng giang, Câu thơ yên ngựa, Rạng ngọc Côn Sơn, Dấu ấn giao thời…