Thứ Năm, ngày 10 tháng 7 năm 2025

Tìm giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng hiệu quả

Toàn cảnh buổi hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - "Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng hiệu quả” là chủ đề buổi hội thảo do Báo Giao thông tổ chức vào sáng 28/7 với sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo đã cùng trao đổi, thảo luận và đề ra các giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng hiệu quả.

Nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi thói quen đi lại của người dân

Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), hiện toàn quốc có 57/63 tỉnh thành có hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Trong đó, Hà Nội và TPHCM có mạng lưới phát triển nhất. Thị phần đảm nhận của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt còn rất thấp. Hà Nội đáp ứng 17,03% nhu cầu đi lại. TPHCM khoảng 9,2%, bao gồm cả tuyến cố định liên tỉnh. Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ khoảng 1%, các địa phương còn lại đều ở mức dưới 1% (số liệu tính năm 2019, trước khi có dịch Covid-19).

Về trợ giá: Hiện trên địa bàn cả nước chỉ có ở Hà Nội và TPHCM có hình thức trợ giá từ nhà nước trực tiếp. Các tỉnh thành phố còn lại hoạt động trợ giá mới chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ một phần kinh phí và cho một số tuyến.

Về giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng, ông Lê Đỗ Mười cho rằng, cần tăng cường số lượng, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên các hành lang giao thông chính. Để hoàn thiện đồng thời cả mạng lưới vận tải hành khách công cộng là rất khó khả thi. Vì vậy, việc lựa chọn các tuyến đường hành lang chính để tăng cường số lượng, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng là hướng tốt nhất để hoàn thiện dần chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng nói chung.

Tại TPHCM, hiện đang có 2.109 phương tiện xe buýt hoạt động trên 128 tuyến xe buýt, trong đó 91 tuyến xe buýt có trợ giá. Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 22/22 quận huyện (đạt 100%) và 178/322 số xã phường, thị trấn (đạt 55,3%).

Mạng lưới tuyến buýt lâu đời, dựa trên mạng lưới tuyến đường hiện hữu, hình thành các tuyến trục và nhánh phân bổ theo dạng hình quạt. Các tuyến trục chính hướng tâm và xuyên tâm từ 2 trung tâm chính là Bến Thành và Chợ Lớn. Trong bối cảnh đó, việc phát triển vận tải hành khách công cộng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù trung tâm vận tải hành khách công cộng tại TPHCM đều có những giải pháp để cải thiện chất lượng, đổi mới phương tiện, thay đổi cung cách phục vụ của nhân viên… nhưng sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt trong những năm gần đây liên tục sụt giảm.

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM phát biểu tại hội thảo Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM phát biểu tại hội thảo

Tái cấu trúc mạng lưới vận tải hành khách công cộng ở TPHCM

Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách TPHCM cần có một cuộc “đại phẫu thuật” để tìm ra nguyên nhân người đi xe buýt ngày càng ít. Theo đó, giải pháp đặt ra là cần tái cấu trúc mạng lưới vận tải hành khách công cộng ở TPHCM, bao gồm tuyến trục, tuyến chính và thu gom. Từ đó, chỉ ra những điểm yếu của hệ thống vận tải hành khách công cộng, có một cuộc cách mạng toàn diện thì mới có thể thành công. Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng cần nhanh chóng trình UBND TPHCM một kế sách tái cấu trúc, phong cách phục vụ, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhằm mang lại hiệu quả. Đối với chính sách trợ giá cũng cần có chính sách dài lâu, 5 năm, 10 năm thay vì từng năm như hiện nay. Bên cạnh đó, TPHCM cần nghiên cứu để đưa ra đường ưu tiên dành riêng cho xe buýt để thực sự mang lại hiệu quả cho xe buýt.

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho hay, Sở đã có Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng kết hợp với việc kiểm soát xe cá nhân, trong đó có 27 nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án nhỏ. Mấy năm vừa qua, lĩnh vực vận tải hành khách công cộng có sự thuận lợi trong chỉ đạo điều hành. Một số công việc, đặc biệt như Metro, BRT…,

Về nhiên liệu sạch, từ chỗ xe buýt dùng dầu, khí ga CNG và hiện tại là điện. Nhưng với Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng thì khó khăn nhất định. Sắp tới TP sẽ hướng tới sử dụng xe buýt điện. Tuy nhiên, phát triển xe buýt điện cũng cần lưu ý hạ tầng, trạm sạc, điểm sạc, loại hình sạc. Nhà sản xuất xe buýt điện, giá thành. Từ giá thành còn liên quan câu chuyện trợ giá và giá vé. Người quản lý phải tính toán hài hoà nhất. Trợ giá nhiều quá thì nhà nước khó chấp nhận. Trợ giá mức độ thì giá vé lại cao, người dân khó chấp nhận.

Cùng với các giải pháp tái cấu trúc mạng lưới, nhiều chuyên gia cũng đề xuất cần phải sớm đầu tư đổi mới nhóm phương tiện đã sử dụng lâu (trên 10 năm), thông qua tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị đảm nhận khai thác tuyến. Trong thời gian chưa đầu tư mới, cần tăng cường công tác kiểm tra chất lượng phương tiện, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.

Hội thảo kỳ vọng góp phần tạo nhận thức và sự đồng thuận trong dư luận xã hội về lợi ích của vận tải hành khách công cộng và trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp phát triển xe buýt nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Từ đó tạo ra sự thay đổi trong thói quen đi lại của người dân.

M.Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo