Về phía TPHCM có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng các đồng chí Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Tìm giải pháp để TPHCM phát triển tốt hơn
Định hướng nội dung buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, buổi làm việc với TPHCM là công việc thường xuyên, buổi làm việc nhằm đánh giá lại tình hình KT-XH quý I và tìm giải pháp sát với TP; Chính phủ cùng TPHCM khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 qua hai năm phòng chống, đẩy lùi, nhưng hậu quả không phải ngày 1 ngày 2 giải quyết được, do vậy, cần có đánh giá, tìm hiểu nhiệm vụ giải pháp sắp tới cho phù hợp. Bên cạnh đó, tình hình thế giới, kinh tế đang trên đà suy giảm, chính sách tiền tệ, lãi suất ngân hàng tăng, gây tác động khó khăn với đất nước; các vấn đề nội tại của nền kinh tế có tích lũy tiềm năng phát huy, bộc lộ khó khăn sâu sắc hơn sau đại dịch…
Thủ tướng cho rằng, những yếu tố khách quan, chủ quan cần phân tích rõ, từ đó có nhiệm vụ giải pháp để kịp thời, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả. Qua ban hành một số chính sách, từ thực tiễn lãnh đạo điều hành KT-XH tại TP, còn vướng mắc, cần điều chỉnh cho phù hợp cùng sự phối hợp giữa TP và Chính phủ, TP với các bộ ngành. Qua buổi làm việc cùng nhau thảo luận tìm giải pháp để thực hiện tốt hơn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh VOV)“TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP đóng góp lớn cả nước về GDP, thu ngân sách, có tác động rất lớn đến cả nước. Nếu TP phát triển tốt thì cả nước có tác động lan tỏa, nếu TP khó khăn thì cả nước cũng khó khăn. Sự phối hợp giữa TP và các bộ ngành phải nhịp nhàng, cộng đồng trách nhiệm, trên cơ sở bám sát nội dung, định hướng, chính sách pháp luật của nhà nước. Qua buổi làm việc, Chính phủ có kết luận buổi làm việc, trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc khó khăn thì tiếp tục làm việc để giải quyết.” – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
TPHCM kiến nghị 6 nhóm vấn đề
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM thông tin một số kết quả nổi bật trong Quý I năm 2023: Tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) ước tăng 0,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,7% (cùng kỳ giảm 4,8%); doanh thu du lịch tăng 77,2% so với cùng kỳ. TP thu hút được gần 498 triệu USD vốn FDI, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,08%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 124.796 nghìn tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm. Tổ chức thành công đấu thầu tập trung thuốc với giá trị 1.481 tỉ đồng; các bệnh viện trực thuộc đã tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc bổ sung, đảm bảo hầu hết nhu cầu cho công tác điều trị.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc (Ảnh: VGP)“Trước những khó khăn, thách thức trong quý I, qua đánh giá tình hình, trước mắt, TP chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, mà tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt từ 7,5%. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tăng cường sự lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và theo tình hình, yêu cầu thực tế hiện nay, tạo sự đoàn kết, thống nhất hành động quyết liệt hơn nữa trong hệ thống chính trị.” – đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định.
Về nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2023, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tập trung lãnh đạo tổ chức sơ kết nửa nhiệm kỳ, triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương; Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị; tiếp tục triển khai Nghị quyết 05 của Thành ủy về kế hoạch tổng thể phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế trên địa bàn TP. Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo cùng với các cơ quan TP phối hợp tham mưu trình Quốc hội nghị quyết thay Nghị quyết 54 cũng như xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết này sau khi Quốc hội thông qua.
Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh VOV)TP đề xuất Thủ tướng Chính phủ thống nhất các nội dung dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 để trình Quốc hội; chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 4 năm 2023 sớm chủ trì, xây dựng dự thảo Nghị định mới hướng dẫn, để triển khai ngay sau khi Nghị quyết mới có hiệu lực thi hành. Tập trung triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, cả đầu tư công và đầu tư tư nhân. Tập trung các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Tập trung đôn đốc tiến độ các dự án trọng điểm như Nhà ga T3; Tuyến Metro số 1; dự án rạch Xuyên Tâm; nút giao An Phú… Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả thực hiện công vụ, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị gắn với kế hoạch thúc đẩy đầu tư công. TP có tình trạng lo ngại về thực hiện công vụ của một số bộ phận cán bộ công chức viên chức là có thật. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ có chỉ thị về nội dung này, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện khung pháp lý để cán bộ công chức yên tâm thực hiện công vụ theo hướng vừa chống tham nhũng có hiệu quả vừa kiến tạo môi trường phát triển. Tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vướng mắc về thủ tục; kết nối ngân hàng-doanh nghiệp hỗ trợ xúc tiến thương mại, xuất khẩu, cung ứng lao động, đào tạo nghề; Bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục lao động, triển khai các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với các nhóm dễ bị tổn thương do giá cả gia tăng, mất việc.
Tại buổi làm việc, UBND TP kiến nghị 6 nhóm vấn đề, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu các động lực, cơ chế phát triển đột phá TP nhằm thực hiện đúng vai trò đầu tàu như Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị xác định. Kiến nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo triển khai sớm các dự án giao thông trọng điểm vùng, liên vùng (Dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài; Dự án đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TP - Trung Lương; Dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; Đường Vành đai 3 TP; Đường Vành đai 4 TPHCM; Dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Dự án đường sắt TPHCM-Cần Thơ, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, ga đường sắt Thủ Thiêm, ga đường sắt Bình Triệu; các dự án đường sắt đô thị...) và quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế cho 3 bệnh viện cửa ngõ TP.
TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản: Nghị định 152 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Quyết định số 46 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo hướng tăng mức hỗ trợ đào tạo nghề; Nghị quyết về điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP thí điểm thực hiện cấp giấy phép lao động điện tử cho người lao động nước ngoài để phù hợp với chủ trương, chương trình chuyển đổi số; Có cơ chế đặc thù thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà; Chủ động quyết định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn TP năm 2023. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước trực thuộc UBND TPHCM giai đoạn 2021 – 2025. Đề nghị Thủ tướng cho chủ trương TP phối hợp các bộ/ngành Trung ương sắp xếp lại các cơ sở nhà đất trên địa bàn TP. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản quan tâm giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến Phương án sử dụng đất các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phẩn hóa; doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa chuyển mục đích sử dụng đất.