Chủ Nhật, ngày 13 tháng 7 năm 2025

Thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam: Tài sản vô giá phải gìn giữ và phát huy!

NSND Trà Giang vai O Dịu trong Vỹ tuyến 17 ngày và đêm đã chinh phục hoàn toàn khán giả Nhật từ năm 1978. (Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) - Nhắc đến Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là không chỉ đơn thuần nhắc đến một hãng phim quốc gia mà còn nhắc đến một gia tài đồ sộ với khoảng 400 bộ phim đã mang đến những giá trị không thể đong đếm được cho lịch sử, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Sau vụ việc trong quá trình cổ phần hóa giá trị thương hiệu VFS bị định giá “0 đồng”, bên cạnh những bức xúc của dư luận, nhiều nghệ sĩ đã trải qua “thời vàng son” của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam cho rằng, dù ở hình thức nào cũng phải giữ cho được thương hiệu “Hãng phim truyện Việt Nam”.   

NSND Thế Anh: Đừng đánh mất một “viên ngọc vô giá”!

Với nền điện ảnh và cả văn hóa Việt Nam thì VFS - địa chỉ số 4 Thụy Khê (Hà Nội) là cả một niềm tự hào, là một “viên ngọc vô giá”. Đó là cái nôi đã làm nên những bộ phim kinh điển phản ánh các giai đoạn lịch sử của đất nước, như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm là cuộc đấu tranh của người dân ở hai bờ sông Bến Hải chia cắt đất nước; Nổi gió là bi kịch của những gia đình miền Nam có những người thân trong gia đình ở hai bờ chiến tuyến; Em bé Hà Nội ra đời khẳng định nghị lực của người dân Thủ đô khi Mỹ leo thang chiến tranh ném bom miền Bắc… Đây cũng là những “sứ giả văn hóa” nổi bật nhất, giúp thế giới phương Tây biết đến và khâm phục ý chí Việt Nam. Tôi nhớ rất rõ những lần tham dự các liên hoan phim ở nước ngoài, khi chiếu Nổi gió ở Liên Xô, Mối tình đầu ở Liên Xô, Ấn Độ, Cánh đồng hoang ở Pháp…, khán giả các nước không ngừng trầm trồ về phim Việt Nam. Người Pháp đã đứng bật dậy dành cho Cánh đồng hoang những tràng pháo tay rất dài và khâm phục tại sao trong chiến tranh khốc liệt chúng ta lại làm được bộ phim tuyệt vời đến thế. Chẳng phải đấy là những giá trị vô giá chúng ta nên giữ gìn hay sao?

Cổ phần hóa (CPH) là chủ trương đúng đắn để giải cứu VFS sau thời gian dài sa sút trước sức ép của kinh tế thị trường, nhưng phương thức CPH cần phải xem xét lại. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải thể hiện vai trò của mình trong việc lựa chọn cổ đông chiến lược cho VFS, đó phải là nhà đầu tư có tầm, có tâm, có hiểu biết về điện ảnh và quan tâm tới việc phát triển điện ảnh.

Thế hệ chúng tôi từng vinh dự được Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến xem phim, bắt tay động viên rằng mình là “những hạt vàng của đất nước”. Tất cả văn nghệ sĩ chúng tôi đã cùng thăng hoa với sự quan tâm chân tình đó của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Có cảm tưởng các cấp quản lý bây giờ chưa quan tâm đúng mức đến phát triển văn hóa, nghệ thuật, ngay cả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng không làm tròn trách nhiệm với những điều tiếng không hay vừa qua. Hơn lúc nào hết, VFS - một di sản văn hóa đồ sộ - cần có sự tiếp sức của Nhà nước. Không thể bao cấp như xưa nhưng chúng ta hoàn toàn có thể học tập Mosfilm của nước Nga. Khi Mosfilm - niềm tự hào của điện ảnh Liên Xô trước đây và nước Nga sau này - đứng trước nguy cơ đóng cửa (những năm 1990), Chính phủ Nga đã đứng ra bảo hộ, không cho cổ phần hóa hãng mà tái phát triển Mosfilm theo những định hướng chiến lược lâu dài và hòa nhập với thị trường (mở rộng thêm các hoạt động bảo tàng chuyên nghiệp, giáo dục điện ảnh, chủ động liên kết sản xuất phim…). Từ đây Mosfilm, một trong những hãng phim lớn nhất và lâu đời nhất Châu Âu, đã hồi sinh và hiện là một “Hollywood trong lòng nước Nga”.

NSND Thế Anh cho rằng VFS có thể học tập mô hình phát triển của Mosfilm hiện nay. (Ảnh: Ngọc Tuyết) NSND Thế Anh cho rằng VFS có thể học tập mô hình phát triển của Mosfilm hiện nay. (Ảnh: Ngọc Tuyết)

NSND Trà Giang: Giữ gìn VFS là giữ gìn di sản văn hóa!

Tôi rất mừng khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có chỉ đạo thanh tra lại việc định giá và quá trình CPH VFS. Nhưng tôi cũng rất lo vì giá bán cao không phải là ưu tiên đối với VFS. Nếu VFS không còn được tiếp tục làm phim thì việc tồn tại của nó cũng là vô nghĩa. Nếu 60 năm trước, Đảng - Nhà nước ta xem nhẹ việc làm phim thì VFS đã không ra đời, mảnh đất số 4 Thụy Khê, mà nay đã trở thành “đất vàng” giữa lòng Hà Nội, đã được sử dụng vào việc khác, chứ không được ưu ái giao làm trụ sở, nhà xưởng cho hãng phim.

Tôi quan niệm một đất nước phải được xây dựng từ nhiều cơ sở và nền tảng khác nhau, không chỉ có đất hoặc tiền mà còn có những giá trị văn hóa, thẩm mỹ, tinh thần, tâm linh… Nhưng có vẻ những giá trị tinh thần, văn hóa đó đang bị xem nhẹ. Tôi tin chắc những bộ phim chứa đựng các giá trị văn hóa, mang lại cái hồn của dân tộc sẽ luôn được mọi người nhớ đến. Tôi nhớ kỷ niệm năm 1978, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm là bộ phim điện ảnh đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam được giới thiệu ở một nước tư bản là Nhật Bản. Chưa bao giờ tôi thấy bộ phim được đón nhận nồng nhiệt như thế, có rất nhiều người trẻ, những cặp vợ chồng trẻ bồng bế con đi xem phim. Mà đấy là do chính nước Nhật mời chúng ta đến với lý do là: cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam đã thành sự thật mà Vỹ tuyến 17 ngày và đêm là bộ phim đã nói lên được tâm hồn, ý chí của người Việt Nam. Họ rất khâm phục và mong muốn mời đích thân nghệ sĩ tham gia đoàn phim đến Nhật Bản chiếu phim và giao lưu. Rõ ràng, những giá trị văn hóa đó là vô cùng quan trọng, là di sản tinh thần không thể thay thế!

Qua sự việc này, tôi cho rằng VFS là một ví dụ cho nhiều ngành nghề, nhiều địa chỉ văn hóa, lịch sử khác nữa trước “cơn lốc thị trường”. Đã đến lúc cần sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước, của các cấp quản lý vì nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì hôm nay là VFS, ngày mai sẽ đến các bảo tàng lịch sử, các di tích văn hóa khác…

* Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Không được biến “vàng ròng” thành “đất sét”

Ngọc Tuyết - Văn Bảy

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo