Tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM Nguyễn Huy Cận cho rằng, tại TPHCM, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập, trong thời gian qua đã tạo được sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện, tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân và toàn xã hội, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập theo chủ trương, định hướng của các bộ, ngành Trung ương và định hướng phát triển chung của TPHCM.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả công tác này trong bối cảnh TPHCM được công nhận là thành viên Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), cần tiếp tục đề ra các giải pháp đẩy mạnh việc triển khai thực hiện dưới nhiều góc độ nhìn nhận khác nhau, đưa ra các đánh giá, ý kiến nhận định và cùng trao đổi kinh nghiệm, cách làm hiệu quả, phù hợp.
Chia sẻ cách làm, đề xuất các giải pháp nhằm làm tốt việc thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn TP, đồng chí Lê Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Củ Chi cho biết, muốn có một xã hội học tập thì không thể coi nhẹ yếu tố gia đình học tập. Đến đầu năm 2024, toàn huyện có 71.462 gia đình được công nhận là gia đình học tập, chiếm 63,03% so tổng hộ dân trên địa bàn.
Bên cạnh việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, các cấp khuyến học trong huyện còn đẩy mạnh phát triển cộng đồng học tập. Tất cả các xã, thị trấn đều có trung tâm học tập cộng đồng, tổ chức các lớp dạy nghề, sinh hoạt chuyên đề về kỹ năng sống, giúp nhau làm kinh tế gia đình, từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ hộ khá tại địa phương.
Ông Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM phát biểu tham luận Trong bối cảnh toàn cầu hóa công nghệ số, ông Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, việc ứng dụng rộng rãi chuyển đổi số sẽ tạo dựng một phương thức hoạt động mới trong thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài. Ngoài ra, tăng cường kết nối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài trường, cựu sinh viên trường nhằm kêu gọi các nguồn tài trợ về học bổng, dự án hỗ trợ cho viên chức, người lao động và sinh viên, chung tay tham gia xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, góp phần đắc lực vào mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Tại tọa đàm, chia sẻ về những thách thức, tồn tại trong công tác khuyến học, khuyến tài, đồng chí Nguyễn Thị Bé Hai, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức cho rằng cơ sở vật chất, trường lớp, tiến độ xây dựng trường lớp mặc dù được quan tâm đầu tư, song vẫn chưa bắt kịp với tốc độ tăng dân số; hiện nay, sĩ số học sinh cấp tiểu học vượt chuẩn quy định. Hiện sĩ số trung bình có 42 học sinh/lớp, chưa đạt chỉ tiêu đề ra là 35 học sinh/lớp. Việc dân số tăng cơ học nhanh dẫn đến việc quy hoạch mạng lưới trường học, đặc biệt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp là một thách thức và khó khăn rất lớn đối với ngành Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng
Theo đồng chí Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Tuyên truyền - Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, vai trò của công tác truyền thông đối với công tác khuyến học, khuyến tài không chỉ dừng lại ở việc báo chí thông tin, tuyên truyền sự kiện, mà nên thường xuyên có thông tin về kết quả hoạt động, đánh giá kết quả thực tế các mô hình; đồng thời, có những đề xuất, kiến nghị và hiến kế về công tác khuyến tài, khuyến học với những góc độ khác nhau, từ đó, đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả. Ngoài truyền thông báo chí, các đơn vị, tổ chức cần sử dụng thêm những loại hình truyền thông khác, như xây dựng thêm trang cá nhân của tổ chức, để thông tin thường xuyên các hoạt động công tác khuyến học, khuyến tài tại đơn vị, tạo sự lan tỏa hơn nữa.
Đồng chí Nguyễn Minh Hải phát biểu tại tọa đàm Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy, cấp ủy các cấp, toàn hệ thống chính trị và các đoàn thể, công tác giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài TP tạo được thành công.
Để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn, đồng chí Lê Hồng Sơn cho rằng, trong thời gian sắp tới, cần phát huy hơn nữa vai trò của các cấp ủy và hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong lãnh đạo tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 11, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Thành ủy; quan tâm thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Các cấp hội tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hội khuyến học cơ sở, đặc biệt sự phối kết hợp của hội khuyến học với ngành Giáo dục - đào tạo cần đồng bộ, chặt chẽ, cụ thể; đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng tạo nên sức mạnh tổng hợp là yếu tố cốt lõi cần được các đơn vị quan tâm; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp mới với các mô hình đang thực hiện nhằm thu hút, đổi mới hơn; ngành Giáo dục - đào tạo thường xuyên rà soát, nắm chắc nhu cầu học và khả năng cung ứng của hệ thống trường lớp trên địa bàn TP, tránh tình trạng quá tải trường lớp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân và yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học.
Qua các bài tham luận và các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ tập hợp đầy đủ các nội dung, báo cáo cho Thường trực Thành ủy, để có những chỉ đạo thực hiện tốt trong thời gian sắp tới.