Thứ Ba, ngày 13 tháng 5 năm 2025

Thống nhất trình Quốc hội miễn học phí cho học sinh công lập, hỗ trợ học sinh tư thục, dân lập

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 25/4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2025-2026. Dự thảo Nghị quyết sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và sẽ áp dụng chính sách từ năm học 2025-2026.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự thảo Nghị quyết lần này dự kiến bổ sung các đối tượng được miễn, hỗ trợ đóng học phí là: trẻ em mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục và học sinh THPT, người học Chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục.

Theo dự thảo Nghị quyết, Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục, thể hiện tính ưu việt của chế độ và thực thi chính sách thống nhất, công bằng đối với người học; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết, theo số liệu thống kê năm học 2023-2024, cả nước có 23,2 triệu học sinh. Trong đó, có 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập, chiếm 7%. Chính phủ ước tính tổng nhu cầu kinh phí ngân sách Nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông dân lập, tư thục ước tính khoảng 30.600 tỷ đồng. Trong đó, khối công lập là 28.700 tỷ đồng; khối dân lập, tư thục là 1.900 tỷ đồng.

Thực tế, tổng ngân sách Nhà nước đã thực hiện miễn (không thu) học phí với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở từ năm học 2025-2026 là 22.400 tỷ đồng. Trong đó, khối công lập là 21.800 tỷ đồng; khối dân lập, tư thục là 600 tỷ đồng. Như vậy, ngân sách Nhà nước phải đảm bảo thêm khi thực hiện chính sách theo nghị quyết của Quốc hội là 8.200 tỷ đồng. Trong đó, khối công lập là 6.900 tỷ đồng; khối dân lập, tư thục là 1.300 tỷ đồng.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với chính sách miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, dân lập, tư thục của dự thảo Nghị quyết. Dự thảo Nghị quyết quy định phương thức hỗ trợ học phí với người học chi trả thông qua các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị thực hiện theo phương thức hỗ trợ đóng học phí là cấp trực tiếp cho người học. Giải trình sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thống nhất với hướng hỗ trợ học phí trực tiếp cho người học thông qua cha mẹ, người giám hộ của học sinh vì phương án này khả thi và hợp lý.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết UBTVQH thống nhất sự cần thiết ban hành nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; đề nghị các cơ quan hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Cùng chiều 25/4, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Chính sách này nhằm tránh nguy cơ gián đoạn, đứt gãy trong hoạt động tuyển sinh và đào tạo tài năng nghệ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa nghệ thuật của Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày nêu rõ, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm nổi bật tính cấp thiết ban hành Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đáng chú ý, Thường trực Ủy ban không tán thành việc quy định khung thời gian đào tạo trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên môn đặc thù từ 1 - 9 năm và cho rằng, người học phải bảo đảm điều kiện đầu vào, đạt chuẩn đầu ra căn cứ Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia. Việc điều chỉnh thời gian đào tạo trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên môn đặc thù cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ để có thể xem xét khi sửa đổi các luật về giáo dục, trong đó có Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đối với mục tiêu ươm mầm, đào tạo tài năng nghệ thuật, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp đối với người học, người dạy, người chăm sóc... trong cơ sở đào tạo ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật thì sẽ thuyết phục hơn.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đây là lĩnh vực đặc thù, có nội dung chưa quy định cụ thể, có nội dung các luật chưa quy định. Do đó, đề nghị Ủy ban Văn hóa và Xã hội cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu để thiết kế và đề xuất hình thức văn bản với UBTVQH, bảo đảm hài hòa thẩm quyền và trách nhiệm của các bên.

Cũng trong chiều 25/4, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phá sản. Qua thảo luận, UBTVQH cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo duật; nhất trí với phạm vi của dự thảo luật là tập trung sửa đổi các quy định về thẩm quyền của tòa án nhân dân các cấp liên quan trực tiếp đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án Nhân dân tối cao.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo