Xã Trung Lễ cùng với xã Tùng Ảnh của huyện Đức Thọ là hai vùng đất hiếu học, rất trọng chữ nghĩa. Từ nhỏ, ông được học chu đáo tại quê nhà, lớn lên ông được ra Vinh học ở Trường Quốc học - nay là Trường phổ thông trung học Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây ông bắt đầu tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng nên bị mật thám Pháp truy lùng, phải chạy sang Lào rồi sang Campuchia dạy học và hoạt động.
Cuối năm 1944, từ Campuchia ông về Sài Gòn hoạt động trong phong trào Việt Minh rồi tham gia giành chính quyền ở Sài Gòn - Gia Định trong Cách mạng tháng Tám 1945. Đúng ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn - mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai thì ông nhập ngũ, và gắn cuộc đời binh nghiệp của mình với chiến trường Đông Nam Bộ - mà chủ yếu ở Sài Gòn - Gia Định suốt 30 năm chiến tranh ròng rã. Những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông thuộc quân số của Đại đội 1 - Chi đội 1 của Khu 7, chiến đấu ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và vùng phụ cận. Từ người chiến sĩ, qua khói lửa chiến tranh, ông trở thành cán bộ chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, rồi trung đoàn. Từ tháng 10 năm 1949, ông trở thành Tham mưu trưởng của Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn cho đến khi đi tập kết.
Đơn vị vũ trang đầu tiên của nhân dân Sài Gòn - Gia Định (đồng chí Trần Hải Phụng mặc áo trắng, ngồi giữa). Nguồn: Ảnh tư liệu Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, đất nước tạm chia đôi, ông được phân công tập kết ra Bắc vào cuối năm 1954. Từ cuối năm 1954 đến năm 1957, ông được tin tưởng giao trọng trách Trưởng đoàn đại biểu quân sự trong Ban Liên hợp khu phi quân sự giới tuyến Vĩnh Linh.
Năm 1958, sau khi có Nghị định của Chính phủ quy định cấp bậc quân hàm Quân đội Nhân dân Việt Nam, đồng chí Trần Hải Phụng được phong quân hàm Trung tá và đến năm 1961 được phong quân hàm Thượng tá khi vừa tròn 36 tuổi.
Sau thời gian công tác ở giới tuyến quân sự Vĩnh Linh, ông được điều về công tác tại Bộ Quốc phòng với chức vụ Cục phó Cục Vật tư rồi sau đó làm Cục trưởng cho đến khi lên đường trở lại chiến trường Nam Bộ. Tháng 3 năm 1961, ông nhận được lệnh của Bộ Quốc phòng bí mật chuẩn bị vào Nam. Ông được phân công làm Trưởng đoàn Sài Gòn - Gia Định trong Đoàn Phương Đông 1 rời đất Bắc vào tháng 5 năm 1961, mãi tháng 8 năm 1961 mới về đến Bắc Củ Chi, khi đó đã được giải phóng sau Đồng khởi năm 1960 - là căn cứ của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Đây là đoàn cán bộ quân sự lớn gồm nhiều cán bộ có năng lực và dày dạn trận mạc mà Bộ Quốc phòng chi viện cho Bộ Chỉ huy quân Giải phóng miền Nam vừa được thành lập. Trong đoàn của ông còn có một người đồng đội gắn bó với ông trong suốt những năm tháng đánh Mỹ trên chiến trường đô thành - đó là ông Tư Chu (Nguyễn Đức Hùng) sau này là Phó Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng các lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định - tức là cấp phó của ông. Vào đến Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, ông được bổ sung vào Ban Thường vụ Khu ủy phụ trách quân sự và gắn bó với chiến trường đô thị cho đến ngày miền Nam toàn thắng.
Ban Chỉ huy Quân sự Tiền phương Sài Gòn - Gia Định (1961 - 1972) (người đứng giữa là Tư lệnh Trần Hải Phụng). Nguồn: Ảnh tư liệu Ngày 23 tháng 1 năm 1961, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ và đến tháng 10 năm 1961, Trung ương Cục miền Nam chính thức đi vào hoạt động. Tháng 2 năm 1961, quân Giải phóng miền Nam cũng được chính thức thành lập. Tháng 5 năm 1961, trên cơ sở phân chia lại các chiến trường, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam quyết định thành lập Quân khu Sài Gòn - Gia Định và cử Thượng tá Trần Hải Phụng là Quyền Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu. Quân khu Sài Gòn - Gia Định trực thuộc Ban Quân sự Miền, sau phát triển thành Bộ Tư lệnh Miền, có nhiệm vụ trinh sát, thu thập thông tin tình báo quân sự, phá hoại các cơ sở quân sự, đánh vào cơ quan đầu não của địch, đồng thời xây dựng lực lượng vũ trang tại chỗ, tổ chức bảo vệ các căn cứ vùng ven đô… Đồng chí Trần Hải Phụng và Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ này trong suốt cuộc chiến tranh ác liệt. Sau khi Quân khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập và đi vào hoạt động, đồng chí Trần Hải Phụng được đề bạt chính thức làm Tư lệnh, và đồng chí Tư Chu làm Phó Tư lệnh phụ trách các lực lượng biệt động của Quân khu.
Trên cương vị là Tư lệnh Quân khu, ông khôi phục, xây dựng lực lượng vũ trang địa bàn Sài Gòn - Gia Định thành ba vùng liên hoàn kết nối với nhau: vùng giải phóng, vùng tranh chấp và vùng nội đô. Ông cũng là người đề xuất phương châm, hình thức và nội dung đấu tranh thích hợp giữa quân sự và chính trị, tranh thủ tối đa thế hợp pháp để hoạt động bí mật trong nội đô, bất ngờ và hiệu quả; giữ vững vùng căn cứ giải phóng, nhất là căn cứ đầu não của Khu ủy và Quân khu tại vùng tam giác sắt; mở rộng vùng làm chủ trong vùng tranh chấp, tạo thế bao vây và làm bàn đạp tiến công nội đô.
Chiều 5/6/2015, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Thiếu tướng Trần Hải Phụng, nguyên Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định Tất cả các trận đánh lớn nhỏ của lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định, nhất là của biệt động Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra dưới sự chỉ huy tài giỏi, mưu lược của ông. Đánh biệt động là phải bày mưu, tính kế, phải sâu sát địa bàn nên ông thường xuyên đột nhập vào nội thành hoặc ở vùng ven để điều tra, nghiên cứu và chỉ huy những trận đánh xuất quỷ nhập thần của biệt động Sài Gòn ở Phú Thọ Hòa, đánh chìm tàu sân bay Card, ở khách sạn Caravell, Brinks, Tòa Đại sứ Mỹ, Sân bay Tân Sơn Nhất tiêu diệt sinh lực cấp cao của địch làm cho chúng choáng váng. Ông cũng là người trực tiếp chỉ huy lực lượng chủ lực, lực lượng vũ trang vùng ven lập nên những chiến thắng vang dội ở vùng Ràng – Trung Hiệp, Láng Le - Bàu Cò, Bàu Lách, Công Trắc, Thành Tuy Hạ, Kho xăng Nhà Bè, ở Củ Chi đất thép - vành đai diệt Mỹ.
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Quân khu 7 và Quân khu Sài Gòn - Gia Định được giải thể để thành lập Khu trọng điểm gồm sáu phân khu theo hướng tiến công vào nội đô Sài Gòn. Ông được cử làm Tư lệnh Phân khu 6 - Phân khu nội đô gồm các ban ngành, đoàn thể và lực lượng biệt động, an ninh nội thành, đồng thời tham gia Bộ Tư lệnh tiền phương Nam gồm đồng chí Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Trần Hải Phụng, đánh vào Tây Nam thành phố. Chính đội biệt động đánh vào sứ quán làm rung chuyển nước Mỹ do ông trực tiếp lên kế hoạch và tổ chức lực lượng chỉ một tuần trước ngày Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân theo yêu cầu của đồng chí Võ Văn Kiệt.
Sau đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, tháng 5 năm 1968, ông được thụ phong quân hàm Đại tá ngay tại chiến trường. Tháng 8 năm 1972, Quân khu Sài Gòn - Gia Định được lập lại, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu cho đến tháng 10 năm 1974. Do sức khỏe bị giảm sút mạnh sau những năm tháng ác liệt ở chiến trường, tháng 1 năm 1975, ông được lệnh ra Bắc chữa bệnh và chuẩn bị ra nước ngoài học tập.
Khi ra tới miền Bắc, chưa kịp ra nước ngoài học tập thì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nổ ra, ông được điều về Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp theo dõi chiến trường Sài Gòn - Gia Định và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Quân khu 7 được lập lại, ông được Bộ Quốc phòng điều về làm Tư lệnh Đoàn 500, Tư lệnh Đoàn 600 trực thuộc Quân khu 7.
Năm 1978, ông trở lại làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh cho đến năm 1983. Trước khi ra nước ngoài công tác, ông được cử làm Phó Tư lệnh Quân khu 7.
Theo đề nghị của Đảng Cộng sản và Nhà nước Cuba, tháng 3 năm 1985, Đảng và Nhà nước, Quân đội ta thành lập Đoàn chuyên gia quân sự 385 sang giúp bạn. Thiếu tướng Trần Hải Phụng được tin cậy giao trọng trách Phó Trưởng đoàn chuyên gia 385 đặc trách về công tác phòng thủ đô thị cho Cuba. Sau 3 năm công tác ở Cuba, tháng 3 năm 1988, ông về nước.
Năm 1991, Thiếu tướng Trần Hải Phụng được nghỉ hưu sau 45 năm trong quân ngũ, chủ yếu gắn cuộc đời binh nghiệp của mình với lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định suốt 30 năm kháng chiến và là Tư lệnh của Thành phố qua nhiều giai đoạn.
Sau khi được nghỉ hưu, ông tham gia Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối lực lượng vũ trang, tham gia Tổng kết chiến tranh trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định và làm chủ biên nhiều công trình về lịch sử kháng chiến của Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông mất ngày 4 tháng 3 năm 1997, hưởng thọ 72 tuổi, an táng tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh.
Ghi nhận những đóng góp của ông, Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng ông nhiều huân huy chương cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba.
Ông được Đảng và Nhà nước Cuba tặng thưởng Huân chương Che Guevara.
18 năm sau ngày ông qua đời, ngày 25 tháng 4 năm 2015, Đảng và Nhà nước ta truy tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tên ông cũng được đặt cho một con đường ở Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.