Nghệ sĩ Bạch Mai luôn được khán giả nhớ đến bởi những vai đào võ rất xuất sắc của mình. (Ảnh: Thanh Hiệp) (Thanhuytphcm.vn) - Sau thời gian điều trị Covid-19 tại bệnh viện An Bình, nghệ sĩ Bạch Mai đã không qua khỏi và trút hơi thở cuối cùng vào đêm 25/8, thọ 73 tuổi. Sự ra đi của nghệ sĩ kiêm soạn giả - đạo diễn Bạch Mai là sự mất mát to lớn của sân khấu cải lương tuồng cổ với những cống hiến không mệt mỏi của bà suốt hơn 60 năm theo nghề ở cả lĩnh vực biểu diễn lẫn sáng tác.
Nghệ sĩ Bạch Mai tên thật là Nguyễn Ngọc Nga, sinh năm 1948, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, là ái nữ của đôi nghệ sĩ hát bội tài danh Bảy Huỳnh - Ngọc Hương. Cùng với những anh chị em trong gia đình là Thanh Bạch, Kim Phượng, Bạch Nga, Thanh Châu, bà là trụ cột của đoàn hát gia đình từ gánh Thanh Bình - Kim Mai (trước năm 1975) đến bảng hiệu Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long lừng lẫy sau này. Nghệ sĩ Bạch Mai nổi danh từ thập niên 1960 với các vai đào võ trên sân khấu cải lương tuồng cổ mà đặc sắc nhất là Lưu Kim Đính trong vở Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu mà đến nay dù được nhiều nữ nghệ sĩ tên tuổi thể hiện, trong đó có cả con gái của bà là nghệ sĩ Bình Tinh, thì với đại bộ phận khán giả đây vẫn là vai diễn không thể thay thế được của nghệ sĩ Bạch Mai.
Đặc biệt, bà thuộc số hiếm hoi những nữ soạn giả - đạo diễn của sân khấu cải lương với hàng loạt kịch bản ăn khách như: Xử án Phi Giao, Giang sơn mỹ nhân, Ngọc Kỳ Lân, Thập tứ nữ anh hào, Mai trắng se duyên, Mặt trời đêm thế kỷ, Trưng nữ vương… Là linh hồn lèo lái Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, nghệ sĩ Bạch Mai đóng góp rất lớn cho việc “truyền nghề” khi đã góp phần nâng đỡ, tạo tên tuổi cho nhiều nghệ sĩ ngôi sao, có đến 2/3 nghệ sĩ đoạt giải Trần Hữu Trang đều từng cộng tác với đoàn Huỳnh Long hoặc biểu diễn những sáng tác của bà.
Những năm qua, nghệ sĩ Bạch Mai ít xuất hiện, bà lui về hậu trường cổ vũ, động viên cô con gái út là nghệ sĩ Bình Tinh đưa Đoàn Cải lương Huỳnh Long hoạt động trở lại, nỗ lực tiếp cận khán giả trẻ. Nghệ sĩ Bạch Mai mất đi thực sự là tổn thất không thể bù đắp đối với gia tộc cải lương tuồng cổ Huỳnh Long khi chỉ trong một tháng đã mất đi 3 trụ cột. Trước đó, hai người em của nghệ sĩ Bạch Mai là nghệ sĩ - nghệ nhân làm phục trang Kim Phượng và nhạc sĩ cổ nhạc Thanh Châu cũng đều đột ngột qua đời vì Covid-19.
Cũng trong ngày 25/8, NSƯT Lâm Bửu Sang (tên thật là Huỳnh Bửu Nga, sinh năm 1959) cũng qua đời tại Bệnh viện Đa khoa Quận 8 ở tuổi 62 sau thời gian điều trị Covid-19. NSƯT Lâm Bửu Sang là một trong những tên tuổi trụ cột của Đoàn Ca kịch Thống Nhất Quảng – Triều (trực thuộc Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM). Gắn bó với đoàn suốt 40 năm, bà là diễn viên xuất sắc đóng được cả vai kép và nhiều loại vai đào, đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả qua các vai diễn: Lữ Bố (Phụng Nghi Đình), Lương Sơn Bá (Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài), Hoa Mộc Lan (Hoa Mộc Lan)… Từ năm 1991, NSƯT Lâm Bửu Sang đã quan tâm đến việc truyền nghề cho các diễn viên trẻ trong đoàn, góp công lớn vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu ca kịch Quảng - Triều.
NSƯT Lâm Bửu Sang (giữa) tham gia vở ca kịch Nghĩa tình năm ấy về đóng góp của cộng đồng người Hoa trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. (Ảnh: Ngọc Tuyết) Sau những đạo diễn Lê Văn Tĩnh, nhạc sĩ Thanh Châu, nhạc sĩ Thanh Dũng… thì nghệ thuật sân khấu truyền thống tiếp tục mất đi hai tên tuổi lớn là nghệ sĩ - soạn giả Bạch Mai và NSƯT Lâm Bửu Sang. Tất cả đều để lại niềm tiếc nhớ sâu sắc cho gia đình, người thân, bạn bè đồng nghiệp và khán giả mộ điệu.