Thứ Bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024

Thể dục và thể thao

Ảnh minh họa. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 27/3 là Ngày Thể thao Việt Nam. Ngày này 76 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia Giáo dục. Nha gồm có Phòng Thanh niên Trung ương và Phòng Thể dục Trung ương. Cũng trong ngày này, Người có bài viết “Sức khỏe và thể dục” đăng trên báo Cứu quốc. Trong bài viết, Người kêu gọi: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khỏe mạnh tức là cả nước khỏe mạnh. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước…”.

Lâu nay, lời dạy “bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước” có lẽ ít được chúng ta quan tâm và thực hiện.

Ngày 29/1/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký Quyết định số 25/CT lấy ngày 27/3 làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. Quyết định ghi rõ, Ngày Thể thao Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân và phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động thể thao văn hóa lành mạnh. Ngày 27/3/1946 chính thức là ngày thành lập ngành thể dục thể thao Việt Nam.

Đôi khi, Ngày Thể thao Việt Nam được nhìn sâu ở khía cạnh “thể thao” mà ít để ý đến tính “thể dục”. Thể dục là hệ thống các động tác tập luyện thân thể, thường được sắp xếp thành những bài nhất định, nhằm rèn luyện và tăng cường sức khỏe. Thể thao là những hoạt động nhằm nâng cao thể lực, sức khỏe con người, thường được tổ chức thành các hình thức trò chơi, luyện tập, thi đấu theo những quy tắc nhất định.

Như vậy, thể dục và thể thao có chung một mục tiêu quan trọng là rèn luyện nhằm nâng cao sức khỏe. Thể dục tự mỗi người có thể tập, rèn luyện nhưng thể thao thì thường tập, rèn luyện, thi đấu cùng với người khác, có tính đối kháng, dù cá nhân hoặc đồng đội. Thể dục có thể tập luyện ở nhiều môi trường, nhiều điều kiện, hầu hết theo nhu cầu, thể trạng, sở thích của cá nhân, còn thể thao có tính chất quy tắc, với những thể lệ nhất định, trong những không gian và môi trường nhất định. Với thể thao thành tích cao, tính chặt chẽ trong khâu tổ chức, thi đấu thể hiện rất rõ. Trái lại, trong hoạt động thể dục, đôi lúc có tính tự phát, tùy nghi theo điều kiện cụ thể của từng người.

Ở điều kiện của đô thị, đặc biệt là như TPHCM, không gian và môi trường để rèn luyện, thi đấu thể thao thường khó khăn, hạn chế. Ngày trước, chiều chiều, thanh niên hay rủ nhau vào Công viên Gia Định để đá bóng, nhưng giờ nơi đây được tổ chức lại, gần như không còn chỗ để làm thành một sân bóng có nhiều người chơi. Hay trước đây, tìm một vài bãi đất trống để làm thành sân bóng đá, bóng chuyền không phải quá hiếm, giờ thì cũng rất ít; muốn chơi thì phải thuê sân cỏ nhân tạo hoặc sân trong nhà, không phải người nào cũng sẵn sàng bỏ tiền để chơi… Nên những môn thể thao ít tốn diện tích không gian, ít cần trang thiết bị như cầu lông, đá cầu, cờ vua, cờ tướng… được khá nhiều người chuộng. Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều người chọn chơi quần vợt, golf, bowling… ở những nơi chi phí khá đắt.

Để rèn luyện sức khỏe thì có lẽ chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến hoạt động thể dục, hay ít nhất là việc vận động thể chất. Người có thói quen tốt, mỗi sáng thức dậy có thể dùng 15 phút để tập các động tác vươn vai, duỗi chân, giang tay kết hợp với hít và thở…, có tác dụng giãn gân cốt, đúng như Bác Hồ đã chỉ trong bài viết “Sức khỏe và thể dục”: “Ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”. Người có thời gian và tính kỷ luật tốt hơn, có thể dành ra hẳn một khoảng thời gian cụ thể trong ngày để tập cho đủ một số bài tập hoặc khối lượng vận động, như chạy bộ trên máy, đạp xe thể dục trong nhà hoặc đạp xe ra đường đủ thời gian hoặc quãng đường, tập các bài dưỡng sinh, tập yoga, bơi ở hồ bơi công cộng… Một số người khác còn có tính tập thể hơn có thể tham gia các hội, nhóm để tập dưỡng sinh, đến phòng tập aerobic, tập tạ, hay đến các công viên nơi có các thiết bị tập được lắp sẵn để vừa tập vừa trò chuyện với mọi người…

Một số người khác có điều kiện về thời gian hơn (nhất là thanh niên) có thể tham gia một số hoạt động thể thao quần chúng, như tham gia các câu lạc bộ, đội bóng bàn, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, bi da…, tập và thi đấu vào những ngày nhất định, đều đặn. Khi có điều kiện thì tham gia các giải đấu nội bộ, giao lưu giữa các câu lạc bộ, đội, nhóm hoặc dự các giải của địa phương, của ngành… Các hoạt động này không chỉ có ý nghĩa về mặt rèn luyện sức khỏe mà còn tạo mối giao lưu, gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cá nhân với nhau.

Các hoạt động trên đây được ghi nhận và tổng hợp để thành số liệu về tỷ lệ người dân tập luyện thể dục thể thao thường xuyên ở một địa phương. Đây là một tiêu chí thường có trong nghị quyết các tổ chức đảng gắn với địa bàn dân cư.

Tuy nhiên, với nhiều người khác, nếu chưa có điều kiện để tập thể dục hoặc thể thao thì vẫn có thể tăng cường vận động tay chân. Chẳng hạn, cách đây ít lâu, Bộ Y tế phát động thực hiện bài thể dục giữa giờ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… Theo đó, người làm việc văn phòng sau 1 - 2 giờ nên đứng dậy và tập một số động tác trong vòng vài phút. Ngoài ra, mỗi người nên thường xuyên đứng dậy, đi lại và tránh ngồi quá lâu trên ghế, như thay vì ngồi trên ghế đẩy để di chuyển (khi lấy tài liệu, nghe điện thoại…) thì nên đứng lên và vài bước chân đi lại đó vẫn có tác dụng tích cực cho sức khỏe.

Đặc biệt, ở cơ quan có nhiều tầng lầu, người lao động nên đi thang bộ thay vì dùng thang máy, vừa đi vừa kết hợp động tác hít thở, không chỉ có ý nghĩa rèn luyện đôi chân, vận động hông… mà còn góp phần tăng dung tích sống cho phổi. Nếu có việc phải di chuyển, tùy theo điều kiện cụ thể, trong khoảng một cây số thì nên đi bộ, thay vì lúc nào cũng gắn với xe máy. Trong giờ làm việc, lúc họp hành, nếu thuận tiện thì nên tản bộ ở hành lang để hít không khí trong lành, giúp máu từ tim đến não, đến chân được lưu thông thông suốt…

Nhân Ngày Thể thao Việt Nam, mỗi người chúng ta hẳn chú trọng hơn đến rèn luyện sức khỏe bằng cách tập luyện thể dục, thể thao theo điều kiện cụ thể của riêng mình. Nhưng nếu ít có điều kiện thì cũng nên tìm cách vận động nhiều hơn, như đi lại, làm các việc tay chân ở nơi làm việc, tại nhà…, thay vì “dính” quá nhiều đến cái ghế, cái võng, cái giường hoặc cái yên xe! Tức là, chúng ta ráng rèn luyện thể thao, không thì ráng tập luyện thể dục, hoặc ít nhất cũng ráng có vận động cơ thể một cách thường xuyên, hợp lý!

Trúc Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo