Anh công nhân Hoàng Trọng Khánh và lớp học của mình(Thanhuytphcm.vn) - Có một lớp học khá đặc biệt tại khu Gò Mã, phường Phước Long B, Quận 9, TPHCM, khi giáo viên đứng lớp ban ngày là một anh công nhân, ban đêm lại dạy kèm cho con em những gia đình lao động, gia đình công nhân nghèo tại địa phương. Hơn 7 năm qua, nhiều học sinh đã trưởng thành tại lớp học này bằng tình yêu thương của người thầy công nhân.
Tầm lòng của người yêu nghề “gõ đầu trẻ”
Nhân vật được nhắc đến trong bài viết này là Hoàng Trọng Khánh, đoàn viên chi đoàn Công ty Liên doanh Bio - Pharmachemie, thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một Thành viên. Hiện tại Khánh đang là công nhân thuộc phân xưởng Thuốc sát trùng. Những năm qua, người dân lao động nghèo tại khu vực này đã quen với hình ảnh một anh công nhân trẻ, tan giờ làm là tất bật chạy về phòng trọ để kịp giờ dạy cho các bạn học sinh.
Nói về cơ duyên với lớp học, Khánh cho biết cách đây 7 năm, trong một dịp tình cờ ghé thăm nhà một người bạn tại khu Gò Mã, Quận 9, thấy 4 đứa trẻ túm tụm ôn bài, cãi nhau về đáp án nhưng đáp án nào cũng sai. “Thấy vậy nên mình vô chỉ mấy đứa, chỉ hăng say tới tối mà chưa muốn về. Mấy đứa năn nỉ mình hôm sau quay lại giảng bài giúp, thế là mình bén duyên với đám trẻ tại xóm nghèo này từ đó” – Khánh chia sẻ. Từ cơ duyên đó, Khánh trở thành thầy giáo của bọn trẻ. Hằng ngày sau giờ làm việc, Khánh đều đặn đến dạy cho các em, giúp các em ôn bài, làm bài tập, ôn lại kiến thức đối với các em bị mất căn bản.
Mỗi tối, lớp học bắt đầu từ 17 giờ 30 và kết thúc vào lúc 20 giờ 30. Ca sớm là học sinh lớp 7, 9. Còn ca muộn hơn là học sinh lớp 6, 8. Khánh dạy tất cả các môn nhưng chủ yếu là Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn. Riêng môn tiếng Anh thì Khánh chỉ nhận dạy lớp 6, 7 vì trình độ có hạn. Lịch trong tuần luân phiên giữa các môn. Để có thể dạy học trò, Khánh phải luôn mày mò tự học từng ngày. Anh mua sách giáo khoa về học, rồi học trên mạng internet. Với Khánh, mỗi lần đứng lớp là một lần tự học. “Mình không dạy kiến thức mới của buổi học trước mà chỉ giúp các bạn học sinh ôn lại những kiến thức cũ và giải những bài tập khó. Ở lớp mình hướng dẫn cách để các bạn học sinh có thể tự học và có ý thức trong học tập, như vậy thì mới tiến bộ được” – Khánh cho biết.
Học sinh tại lớp lúc đầu học trong một căn phòng trọ nhỏ, rồi học sinh đông thêm nên chuyển ra một khoản sân trống mà một người bạn Khánh cho mượn. Thấy lớp học đông sợ ảnh hướng tới sinh hoạt của gia đình chủ nhà, Khánh quyết định thuê luôn một căn nhà nhỏ để các em có chỗ ngồi ổn định.
Tiền thuê nhà được trích từ chính tiền lương công nhân của Khánh, lớp học dần khang trang, số lượng học sinh đông lên hẳn, mỗi khóa có từ 40 - 50 em. “Điểm chung của các em học sinh là hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học thêm hoặc thuê gia sư dạy kèm. Ba mẹ vất vả mưu sinh nên không có nhiều thời gian dạy các em học tập. Có không ít em sức học kém nếu không có sự hỗ trợ kịp thời thì có nguy cơ bỏ học rất cao” – Khánh cho biết.
Để động viên học sinh của lớp, hàng năm, Khánh luôn trích một phần nhỏ trong đồng lương công nhân của mình mua những phần quả nhỏ như tập, bút, ba lô để tặng các em. Bên cạnh đó, tận dụng khoảng vườn nơi khu trọ rộng rãi, Khánh tăng gia nuôi thêm gà để “bồi dưỡng” học trò của mình. Mới đây, khi được công ty thưởng cho 4 triệu đồng, không ngần ngại, Khánh lấy ngay số tiền đó mua gần chục bộ bàn ghế cho học trò và hai chiếc bảng viết.
Quả ngọt từ tấm lòng tình nguyện
Trong căn nhà nhỏ rộng chừng 20m2, tầng trệt làm khu dạy học khối lớp 7, tầng trên rộng rãi hơn dành cho khối lớp 9, bảng viết thậm chí chỉ là tấm gạch ốp tường. Trên bục giảng, thầy vẫn mặc nguyên bộ đồ thanh niên, say sưa giảng về từ trường, những công thức ngoại ngữ, phía dưới trò say mê nghe.
Điều đáng mừng là sau một thời gian học, kết quả học tập của các bạn học sinh ở trường đã tiến bộ rõ rệt. Nhiều bạn từ yếu kém đã trở thành khá giỏi, nhiều bạn còn dẫn đầu lớp môn Hóa với điểm số cuối năm lên đến 9,75. Có bạn đã trở thành sinh viên đại học.
Nguyễn Thị Phương Thảo (học sinh Trường THPT Đặng Tấn Tài, Quận 9) cho biết, những kiến thức trên trường không hiểu, khi về đây được thầy Khánh chỉ dẫn tận tình. Chính vì được thầy Khánh kèm cặp trong thời gian vừa qua nên kết quả học tập của em tiến bộ rõ rệt.
Còn chị Hoàng Thị Huệ (người dân phường Phước Long B, Quận 9) cho biết, hiện hai vợ chồng làm công nhân, thường xuyên tăng ca, không có thời gian kèm cặp con nên nhờ Khánh kèm cặp. Đến nay các con không những tiến bộ hơn mà còn có ý thức tự học nên hai vợ chồng rất yên tâm.
Khánh đang là công nhân tại Công ty Liên doanh Bio – Pharmachemie, thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTVMặc dù không còn tham gia lớp học nhưng nhiều học sinh vẫn nhớ đến lớp như là ngôi trường thứ hai của mình. “Có 2 bạn học sinh nhà mãi tận Đồng Nai, đến học tại lớp học của mình trong 3 tháng hè, vậy mà ngày 20/11 vẫn lặn lội từ nhà đến lớp học để tặng quà cho mình khiến mình cảm động mãi không thôi” – Khánh tâm sự.
Dù đã ngoài 30 tuổi nhưng vẫn chưa nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình mà dành hết công sức, thu nhập để duy trì lớp học. Ngoài dạy miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Khánh còn tích cực tham gia các chiến dịch tình nguyện, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, giờ thứ 9... mà công ty phát động.
Có thể thấy ở Khánh là hình ảnh điển hình của thanh niên công nhân TP, hăng say trong lao động, tích cực trong các hoạt động tình nguyện. Với những việc làm của mình, mới đây Hoàng Trọng Khánh được tuyên dương gương “Người tốt việc tốt năm 2017” và nhân rộng điển hình trong đội ngũ công nhân lao động thành phố.