Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM Lê Hoàng Châu phát biểu tại tọa đàm (Thanhuytphcm.vn) - Sáng 9/11, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho bất động sản” nhằm để lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các khách mời nhằm tìm giải pháp tháo gỡ nút thắt, khơi thông dòng chảy cho thị trường bất động sản (BĐS), thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững.
Đánh giá thực trạng về thị trường BĐS, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định thị trường BĐS đang trên đà phục hồi tuy nhiên vẫn còn chậm. Một trong những nguyên nhân quan trọng là pháp lý, đòi hỏi có thời gian, đặc biệt trong bối cảnh sợ sai, sợ trách nhiệm ở một số bộ ngành, địa phương.
Thị trường hiện nay có 2 phân khúc tương đối khả quan là BĐS nhà ở và BĐS khu công nghiệp (KCN), thấy rõ ít bị ảnh hưởng nhất trong thời gian qua. Như BĐS nhà ở, đây là báo cáo sơ bộ của Hội môi giới BĐS Việt Nam đâu đó đã phục hồi, quý sau cao hơn quý trước. Đã có khoảng 20.000 sản phẩm được tung ra, lượng giao dịch tăng dần qua các quý, riêng quý III tăng 56% so với quý trước.
Đối với BĐS KCN, có gần 400 KCN trên cả nước, trong đó có khoảng 292 KCN đang hoạt động và công suất hay tỉ lệ lấp đầy khoảng 80-82%. Và 106 KCN đang được xây dựng. Tỉ lệ lấp đầy, đến hết quý III năm lấp đầy khoảng 82% ở miền Nam và 80% ở miền Bắc…
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM Lê Hoàng Châu khẳng định, vướng mắc pháp lý rất quan trọng trong thị trường BĐS. Hiệp hội đã báo cáo Chính phủ, khó khăn lớn nhất chính là pháp lý, chiếm đến 70% vướng mắc của các dự án. Theo ông Lê Hoàng Châu có 3 cấp độ vướng, trong đó vướng lớn nhất là một số quy định thiếu tính đồng bộ, mâu thuẫn, xung đột pháp luật. Một số quy định trong văn bản dưới luật có liên quan đất lĩnh vực BĐS cũng vướng. Đặc biệt, vướng mắc trong thực thi pháp luật của cán bộ viên công chức các sở, ngành. Cùng một văn bản nhưng có địa phương giải quyết tương đối tốt, còn một số địa phương không tháo gỡ được, gây ách tắc cho các dự án tại địa phương. Vướng lớn thứ 2 là tiếp cận nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, vốn từ trái phiếu, tín dụng từ các ngân hàng thương mại, nguồn vốn từ khách hàng, đối tác nhưng khi những vướng ban đầu chưa thông thì vướng này cũng tắc. Hiện nay phân khúc thuận lợi nhất cho thị trường BĐS có lẽ là BĐS công nghiệp. 3 năm đại dịch lĩnh vực này không tác động nhiều, điều này cũng tạo điều kiện thúc đẩy các ngành nghề khác.
Về vướng mắc pháp lý, hiện nay có 3 vấn đề, đó là vướng quy định pháp luật; quy định dưới luật là các nghị định, thông tư; và quyết định của cấp tỉnh. Chính những vướng mắc này gây khó khăn cho cán bộ, công chức xử lý hồ sơ liên quan tới lĩnh vực BĐS như sợ trách nhiệm, đùn đẩy, ngại đề xuất.
Cho biết Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay Quốc hội đang xem xét và chuẩn bị thông qua, ông Lê Hoàng Châu mong có quy định phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Đồng thời, kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi được xem xét thông qua ở thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, việc sửa đổi các Luật liên quan như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai là rất quan trọng, bên cạnh đó là Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu giá tài sản.
Trưởng Phòng phát triển nhà và thị trường BĐS, Sở Xây dựng TPHCM Phạm Đăng Hồ cho rằng 9 tháng đầu năm tăng trưởng BĐS âm hơn 8%, so với đầu năm nhưng giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã qua. Thời gian qua, Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS của UBND TPHCM đã có nhiều cuộc họp tháo gỡ, chủ yếu tập trung vấn đề có tính chất liên ngành mà một đơn vị không thể quyết định được mà cần sự thống nhất; cách hiểu, cách vận dụng pháp luật thống nhất để tháo gỡ khó khăn; các quy định pháp luật không đề cập vướng mắc cần tháo gỡ.
Về giải pháp thời gian tới, đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho rằng cần hoàn thiện cơ sở pháp luật. Ngoài ra, cần hoàn chỉnh quy trình 1 dự án vì hiện nay còn rải rác ở các luật. Việc trình tự nằm rải rác nên các tỉnh, thành làm khác nhau, cần thống nhất. TPHCM đã ban hành trình tự nhà ở xã hội và xây dựng lại chung cư cũ, dự án nhà ở thương mại đang tiếp tục tham mưu. Cần hệ thống thực hiện thủ tục đầu tư, đặc biệt nhà ở xã hội cần quy trình riêng và đơn giản hóa thủ tục hành chính.