Kinh tế liên tục tăng trưởng theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước: năm 2000 tăng 9%, năm 2001: 9,5%, năm 2002: 10,2% và năm 2003: 11,2% (chỉ tiêu Đại hội đề ra mức tăng bình quân trong 5 năm là 11% trở lên). Cơ cấu tăng trưởng của các khu vực kinh tế là: kinh tế tư nhân: 4,6%; kinh tế nhà nước: 3,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: 2,6%. Các chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Nhà nước đang từng bước khơi dậy tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân. Cơ cấu tăng trưởng giữa các ngành diễn ra theo đúng kế hoạch chỉ tiêu của Đại hội: giá trị các ngành thuộc khu vực I (nông - lâm - ngư nghiệp) tăng 9,1% (chỉ tiêu là 2%); khu vực II (công nghiệp và xây dựng) tăng 15,3% (chỉ tiêu là 13%); khu vực III (dịch vụ - thương mại) tăng 9,6% (chỉ tiêu là 9,5%). Như vậy, qua năm "bản lề", các ngành đã vượt "ngưỡng" chỉ tiêu, tạo động lực cơ bản và điều kiện thuận lợi để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội trong 2 năm cuối của kế hoạch 5 năm (2001 - 2005). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng khu vực II (công nghiệp và xây dựng) ngày càng tăng theo chiều thuận với động thái vận hành của một khu vực đang được công nghiệp hóa mạnh mẽ. Các sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng khoa học cao chiếm tỷ trọng tăng dần trong nhiều ngành công nghiệp (cơ khí, chế tạo máy, luyện kim, điện tử, tin học, phần mềm, hóa chất...). Tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông và không thuận lợi về nguồn nguyên liệu (chế biến nông - lâm sản...) đã giảm từ 40,4% (1995) xuống còn 31,4% (2003). Trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, cho phép Thành phố huy động vốn và chi cho đầu tư phát triển tiếp tục tăng cao. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 38 491 tỉ đồng (tăng 8,7% so cùng kỳ), trong đó nổi bật là thu ngân sách nhà nước phần nội địa đạt 22 184 tỉ đồng (tăng 17,9% so cùng kỳ). Từ đó đã chi cho đầu tư phát triển 7 000 tỉ đồng (tăng 52,6% so với cùng kỳ năm 2002).
Với sự đóng góp của nhiều thành phần kinh tế, sản xuất công nghiệp đã đa dạng hơn cả về quy mô, trình độ công nghệ, chủng loại và chất lượng sản phẩm. Đây cũng là kết quả bước đầu của các chương trình, các chính sách khuyến khích hướng vào những nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực có thế cạnh tranh cao. Xuất khẩu hàng công nghiệp chiếm hơn 90% tổng kim ngạch; trong đó, bên cạnh dầu thô, các mặt hàng nông sản (cà-phê, cao-su...), may mặc có tỷ trọng tăng khá cao, đặc biệt là hàng xuất vào thị trường Mỹ (tăng 3 lần, chiếm 24,7% tổng kim ngạch).
Khu vực dịch vụ đã chuyển biến tích cực dù rằng trong những tháng đầu năm đã chịu ảnh hưởng xấu của đại dịch SARS, nhưng trong những tháng cuối năm đã dần dần hồi phục và phát triển nhanh, đưa kết quả tăng trưởng lần đầu tiên đạt mức bình quân của kế hoạch 5 năm 2001 - 2005. Điểm nổi lên trong khu vực này là các thế mạnh của Thành phố vẫn tiếp tục phát huy vai trò động lực của phát triển. Nhân dịp diễn ra SEA Games 22, với việc tuyên truyền quảng bá trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, với nỗ lực nâng cao chất lượng và mở rộng các loại hình du lịch... đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan và mua sắm ở Thành phố, góp phần tăng 7% doanh thu.
Nông nghiệp có sự tăng trưởng vượt bậc với mức 9,1% (vượt xa chỉ tiêu do Đại hội đề ra từ năm 2000 là 2%; năm 2003 là 4,5%), tạo cơ sở thuận lợi để hoàn thành chương trình xóa đói giảm nghèo; tạo thế và lực mới để tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn ngoại thành. Đây là kết quả quan trọng đánh dấu sự định hướng đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, với Chương trình Phát triển 2 cây - 2 con.
Bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế, các mục tiêu xã hội như giải quyết việc làm, đào tạo nghề, xóa đói giảm nghèo, giải quyết các tệ nạn xã hội đều đạt được những kết quả tích cực theo chiều hướng tăng trưởng kinh tế gắn liền với các mục tiêu phát triển xã hội.
Năm 2003 đã trở thành cái mốc quan trọng của quá trình 12 năm thực hiện Chương trình Xóa đói giảm nghèo. Đến nay, về cơ bản Thành phố không còn hộ nghèo.
Với kết quả tập trung 30 000 đối tượng nghiện ma túy vào các trung tâm giáo dục, dạy nghề, Chương trình "3 giảm" đã thu hút sự chú ý và đồng tình của dư luận cả nước. Đây cũng là mũi đột phá của Thành phố kiên quyết tấn công, ngăn chặn những tệ nạn xã hội lâu nay được coi là bị "nhờn thuốc". Nhờ vậy, trong khi tình hình chung trên cả nước vẫn hết sức phức tạp, nhức nhối vì tội phạm gia tăng thì ở Thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ phạm pháp đã giảm xuống gần 10% mỗi năm.
Nét nổi bật của đời sống xã hội của Thành phố trong vài năm gần đây là vấn đề quản lý đô thị. Trước đây, vấn đề này ít được quan tâm, ngay cả trong Nghị quyết Đại hội VII của Đảng bộ Thành phố cũng chưa đặt ngang tầm với yêu cầu của cuộc sống. Với sự nỗ lực và đóng góp tích cực của các ngành, các cấp và của toàn xã hội, bằng nhiều phong trào quần chúng sâu rộng, "Năm trật tự, kỷ cương, nếp sống văn minh đô thị" mà Thành phố phát động đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, trước hết là trong nhận thức của mỗi người dân và của toàn xã hội, đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong công tác quản lý đô thị. Các chương trình chống ùn tắc giao thông nội thị, chống lấn lòng lề đường, lập lại trật tự kỷ cương trong xây dựng, quản lý đất đai, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị, v.v.. đã thu được những kết quả bước đầu, tạo ra những nếp nghĩ và hành động của người dân phù hợp dần với lối sống văn minh đô thị. Rõ ràng là, với một thành phố lớn và đông dân, trình độ và hiệu quả quản lý đô thị là một trong những nhân tố có tính quyết định đến sự phát triển của tất cả các mặt hoạt động. Muốn quản lý đô thị tốt, phải thực hiện một loạt vấn đề: hoàn thiện hệ thống pháp chế, thể chế quản lý các lĩnh vực của đời sống đô thị; có quy hoạch hoàn chỉnh, có bộ máy quản lý phù hợp.
Trên chặng đường về đích, Thành phố còn phải đối mặt với biết bao khó khăn do thời gian qua chưa khắc phục được những yếu kém, hạn chế. Vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, bảo đảm sự phát triển bền vững vẫn đang là yêu cầu gay gắt. Để khẩu hiệu "Phải giành thắng lợi trong cạnh tranh và hội nhập" thành hiện thực, trước hết phải nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng sản phẩm. Thế mạnh cả về thị trường và khoa học - kỹ thuật vẫn chưa được phát huy đầy đủ. Chương trình phát triển sản phẩm các ngành chủ lực: cơ khí, điện tử viễn thông, công nghệ sinh học v.v.., triển khai chậm và chưa phát huy đáng kể hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng một số ngành dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ cao cấp: vận tải, tài chính tiền tệ, giao dịch bất động sản, tư vấn, bảo hiểm... còn thấp, chưa góp phần tạo ra các ưu thế trong cạnh tranh. Trước nhu cầu khách quan của tiến trình hội nhập, còn khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp tính ỷ lại, thiếu năng động, sáng tạo, chưa chủ động tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ.
Công tác quản lý đô thị vẫn tiếp tục bộc lộ sự bất cập từ việc quản lý thực hiện quy hoạch, quản lý các dự án, đến quản lý xây dựng, nhất là trình độ và phẩm chất của cán bộ chuyên môn chưa đáp ứng nhu cầu để vận hành một đô thị lớn và đông dân nhất nước. Mặc dù gần đây Thành phố đã huy động lực lượng các nhà khoa học tham gia, song cho đến nay, đây vẫn là lĩnh vực còn nhiều bất ổn, gây nhiều lo ngại trong nhân dân và trong dư luận xã hội về năng lực quản lý, về hiệu quả của các giải pháp đã thực hiện.
Văn hóa - xã hội vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra khá gay gắt bởi những yếu kém lâu nay vẫn chưa được khắc phục: chất lượng giáo dục, điều kiện, môi trường sống, khám chữa bệnh; công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa còn nhiều bất cập, nảy sinh nhiều tiêu cực; các tệ nạn xã hội tuy đã suy giảm song vẫn diễn biến rất phức tạp... luôn là nỗi lo canh cánh trong lòng mỗi người dân.
Nhiệm vụ phải hoàn thành trong hai năm cuối của kế hoạch 5 năm còn hết sức nặng nề. Năm 2004 là năm có tính quyết định đến thời gian và kết quả hoàn thành kế hoạch 5 năm. Chính vì vậy, năm 2004 đang đặt ra những yêu cầu rất cao cả về nhịp độ và chất lượng công việc, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu của sự phát triển. Trong năm nay, phải phấn đấu tăng GDP gần 12% (ít nhất phải 11,5%, trong đó dịch vụ tăng 11,5%, công nghiệp tăng 15,5%, nông nghiệp tăng 6%); tạo việc làm mới cho 80 nghìn người, thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 47 000 tỉ đồng. Nếu đạt được những chỉ tiêu đó thì lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 sẽ hiện thực hơn và có điều kiện thuận lợi để xây dựng kế hoạch các năm tiếp theo. Để đạt được những chỉ tiêu trên đây, cần sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ của mọi cấp, mọi ngành trên nhiều lĩnh vực và ngay từ những ngày đầu năm. Tiếp tục tập trung sức đột phá mạnh hơn nữa vào các ngành mũi nhọn; triển khai thực hiện 16 chương trình mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm mỗi chương trình phải có đề án thực hiện trong năm 2004, tập trung sức mạnh cho Chương trình Sản xuất các sản phẩm chủ lực, tạo thế mạnh để giành thắng lợi trong cạnh tranh và hội nhập.
Công tác quản lý đô thị có tầm quan trọng đặc biệt bảo đảm cho sự phát triển bền vững, giải quyết hài hòa các lợi ích trước mắt và lâu dài, bộ phận và toàn cục, cá nhân và cộng đồng. Vì thế, cần tập trung nghiên cứu để tháo gỡ tình trạng bế tắc, yếu kém trong quản lý và hoàn thiện các định chế, thiết chế, các thành tố liên quan đến quản lý đô thị, tạo ra bước chuyển quan trọng nhằm nâng cao trình độ quản lý theo hướng văn minh hiện đại. Mô hình quản lý đô thị phải được xây dựng phù hợp với văn minh đô thị, được điều hành bởi hệ thống bộ máy chức năng có sự phân công rõ ràng. Mọi người phải dựa vào hệ thống chức năng của các cơ quan quản lý, các hoạt động của các tổ chức và cá nhân trong xã hội đô thị để sống và làm việc, không thể tùy tiện, vô tổ chức và cũng không thể lệ thuộc vào một cá nhân hay vài cá nhân nào. Ở đây, đòi hỏi mọi người, dù ở cương vị nào, cũng đều phải phát huy đầy đủ ý thức công dân của một xã hội dân sự có tổ chức cao. Có sự thống nhất trong nhận thức như vậy mới có thể tập trung sức lực giải quyết một số vấn đề cấp bách để tạo ra bước chuyển quan trọng về quản lý đô thị trong năm 2004 như: điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể, thực hiện nhanh quy hoạch chi tiết, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất; xây dựng các khu đô thị mới, các khu kinh tế, văn hóa; tiếp tục tấn công mạnh vào các vi phạm trật tự, kỷ cương đô thị; tăng cường quản lý dân cư, quản lý văn hóa và hoàn thiện các dịch vụ phục vụ đời sống của nhân dân ở đô thị; gắn công tác quản lý đô thị với thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ văn hóa - xã hội để tạo dựng một xã hội đô thị hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, nâng cao mức sống và chất lượng sống cho người dân; xây dựng đời sống văn hóa đô thị.
Một trong những nhiệm vụ hết sức nặng nề được đặt ra trong năm 2004 là, tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Chương trình "3 giảm"; thực hiện thành công bước đầu Đề án "Sau cai nghiện" cho hàng ngàn người; tiếp tục đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo ra môi trường sống ngày càng lành mạnh, kết hợp tăng cường các chương trình phát triển văn hóa xã hội theo lộ trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên mà Thành phố phải làm trong năm nay là nâng cao hiệu quả toàn diện, phát huy vai trò vị trí đi đầu, vị trí trung tâm của mình. Trước hết, tiếp tục mở rộng hợp tác kinh tế với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như tăng cường các quan hệ hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các mô hình, các dự án đang thực hiện, đồng thời chọn các mũi đột phá vào một số lĩnh vực chính có mối quan hệ đến sự phát triển lâu dài và có thể phát huy vai trò động lực của Thành phố như: phối hợp bố trí và xây dựng các khu công nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật về cầu đường để kết nối các khu kinh tế, các đô thị trong vùng; phối hợp giải quyết vấn đề môi trường, tạo điều kiện để phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.
Bước sang năm thứ tư của kế hoạch 5 năm 2001 - 2005, năm thử thách quyết liệt mà kết quả sẽ cho thấy được sự "thành hay bại" của cuộc tiến quân về đích trong giai đoạn 5 năm đầu của thế kỷ mới. Với kinh nghiệm và bản lĩnh được tôi luyện, bồi đắp qua những năm tháng khó khăn, không coi thường những tai ương nghiệt ngã của thiên nhiên vẫn thường bất ngờ xảy ra, cùng những khó khăn, biến cố phức tạp của thời cuộc, với truyền thống và ý chí, với tri thức và trách nhiệm cao nhất, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang vững bước trên con đường xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, quyết tâm đến đích kịp và vượt thời gian.