Chủ Nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024

Thành cổ Quảng trị - Bản tráng ca hào hùng 81 ngày đêm

Hình ảnh hai cha con người dân địa phương không quản ngại gian lao đưa các chiến sĩ vào Thành cổ chiến đấu

(Thanhuytphcm.vn)- Trong suốt chiều dài lịch sử, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, Thành cổ Quảng Trị không chỉ có vai trò to lớn đối với sự phát triển của địa phương, mà còn có vị trí quan trọng to lớn đối với tiến trình phát triển của dân tộc. Đặc biệt, trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ thị xã - Thành cổ Quảng Trị 49 năm qua vẫn luôn là bản tráng ca hào hùng của toàn thể nhân dân cả nước, là bức tranh đẫm máu và hoa cùng với bao trận đánh anh dũng khác làm nên kỳ tích, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, quét sạch giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi đất nước…

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương chính thức được ký kết. Theo Hiệp định, Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới chia cắt tạm thời. Một phần của Quảng Trị từ Sông Bến Hải trở ra được giải phóng, các huyện từ Gio Linh trở vào Hải Lăng trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Thị xã Quảng Trị, trong đó có Thành Cổ Quảng Trị đã trở thành trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội, Mỹ - ngụy đã biến Thành Cổ thành khu quân sự, làm kho tàng quân đội và trung tâm chỉ huy chiến dịch toàn tỉnh, đồng thời mở thêm nhà giam để đàn áp các phong trào cách mạng của ta.

Mỹ - ngụy luôn coi tuyến phòng thủ Quảng Trị là “con đê ngăn chặn” vững chắc nhất ở miền Nam Việt Nam, chỉ khi Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 mở ra, sau 2 đợt tấn công và nổi dậy mãnh liệt (từ ngày 30/3 đến 1/5/1972), quân và dân ta đã hợp đồng chặt chẽ tấn công và nổi dậy, quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố nhất và đập tan bộ máy kìm kẹp tàn bạo của Mỹ - nguỵ từ sông Bến Hải đến Mỹ Chánh, từ Khe Sanh đến Cửa Việt, một vùng đất rộng lớn của quê hương được hoàn toàn giải phóng, “con đê ngăn chặn” mà Mỹ xây dựng cũng bị quân giải phóng chọc thủng, lá cờ chiến thắng của quân ta tung bay trên nóc Dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền, báo hiệu toàn tỉnh Quảng Trị được giải phóng.

“Nụ cười chiến thắng” dưới chân Thành cổ Quảng Trị - một trong những bức ảnh nổi tiếng của Phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính “Nụ cười chiến thắng” dưới chân Thành cổ Quảng Trị - một trong những bức ảnh nổi tiếng của Phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính

Để mất Quảng Trị, địch lên kế hoạch phản kích tái chiếm lại thị xã Quảng Trị trong tháng 7 và toàn tỉnh Quảng Trị trong tháng 9 năm 1972. Vì vậy, chúng điên cuồng tập trung vào đây một lực lượng quân đội khổng lồ với nhiều binh chủng, nhiều sư đoàn mạnh nhất, trong đó có cả những sư đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị Quốc gia.

Ngày 13/6/1972, Nguyễn Văn Thiệu quyết định mở cuộc hành quân  mang mật danh “Lam Sơn 72” hòng “Tái chiếm lại Quảng Trị”. Để chắc thắng, Nguyễn Văn Thiệu đã huy động lực lượng tham gia chiến dịch mạnh nhất, tương đương 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn và nhiều đơn vị không quân, pháo hạm của Mỹ; đồng thời điều Trung tướng Ngô Quang Trưởng - một viên tướng được kỳ vọng nhiều nhất trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội Việt Nam Cộng hòa làm Tư lệnh Quân khu 1, Quân đoàn 1.

Pháo 130mm của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ở mặt trận Quảng Trị năm 1972 Pháo 130mm của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ở mặt trận Quảng Trị năm 1972

Về mặt chính trị, kẻ thù hy vọng cuộc hành quân này sẽ lấy lại được tinh thần, xóa được tâm lý thất bại đang phát triển tràn lan trong quân đội ngụy, đồng thời gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris.

Về mặt quân sự, chúng hy vọng sẽ phá được cuộc tấn công của quân ta, giữ vững Cố đô Huế và chiếm lại được Quảng Trị - mảnh đất địa đầu chiến lược miền Nam, là đầu mối giao thông quan trọng nối liền Việt Nam với Trung, Hạ Lào.

Về mặt chiến lược, đây là một trong những nỗ lực cuối cùng để cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đang bị phá sản, từ những lý do đó địch điên cuồng tập trung vào đây một lực lượng quân đội khổng lồ.

Sau mấy ngày đổ bộ nghi binh, bắn phá dọn đường, sáng sớm ngày 28/6/1972, từ tuyến xuất phát đông Mỹ Chánh, bộ binh và xe tăng địch chính thức mở cuộc phản kích mang mật danh “Lam Sơn 72”. Chúng kết hợp tiến công đường bộ (đường số 1 và đường số 68), đổ bộ đường không (nam sông Nhùng, Cổ Lũng) và đường biển (Thuận Đầu) từ nhiều hướng tiến đánh các chốt của ta trên đường tới thị xã. Với tham vọng và nỗ lực rất lớn của cả Mỹ lẫn quân đội Sài Gòn, mặt trận Quảng Trị, đặc biệt là thị xã, Thành cổ Quảng Trị trở thành mục tiêu trọng yếu nhất, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch trong 81 ngày đêm lịch sử.

Đài chứng tích sinh viên - chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị Đài chứng tích sinh viên - chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị

Về phía ta, để chủ động đối phó cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị, ngày 25/6/1972, Bộ Tư lệnh B5 lệnh cho Tỉnh đội Quảng Trị khẩn trương chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng đánh bại cuộc phản kích lớn của địch.

Ba mươi vạn nhân dân phía nam Quảng Trị lại phải đương đầu với thử thách mới, một thử thách vô cùng quyết liệt. Bộ đội địa phương, du kích vừa phối hợp khẩn trương đưa 8 vạn dân của thị xã và 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng đến các nơi an toàn, vừa tổ chức nhiều đợt tập kích đánh địch ở nhiều hướng. Khắp các xã, phường phía Nam tỉnh, trên tuyến sông Vĩnh Định, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích nung nấu lời thề “còn người còn trận địa, quyết tử bảo vệ quê hương”, kiên cường chiến đấu không cho địch tiến vào thị xã.   

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị bố trí lực lượng tại khu vực thị xã với biên chế đầy đủ cho Tiểu đoàn bộ binh 8, Tiểu đoàn bộ binh 3, Đại đội 32 của thị xã, cùng các đơn vị du kích tập trung phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực bảo vệ địa bàn. Trên hướng Đông, Tiểu đoàn bộ binh 14, với nhiệm vụ chủ yếu là cùng bộ đội chủ lực chốt giữ khu vực Cửa Việt, đồng thời cùng với cán bộ cơ sở vận động, tổ chức sơ tán nhân dân về phía sau, kể cả địch tràn qua. Chuẩn bị mặt trận sau lưng địch, Tiểu đoàn 10 đặc công và các đại đội bộ đội địa phương của hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng cùng các đội du kích, bám trụ thôn xã, sẵn sàng tập kích đánh vào hậu phương địch.

Cuộc đánh trả địch phản công của quân và dân Quảng Trị cùng với bộ đội chủ lực trên mặt trận Quảng Trị quyết liệt ngay từ những ngày đầu.  Sau 20 ngày tiến công vào thị xã, địch chỉ lấn thêm đến làng Tri Bưu, làng Cổ Thành và khu vực chợ Sãi, mọi cuộc tấn công ồ ạt của quân địch đều bị chặn lại trước những chốt thép kiên cường của quân ta.

Trong suốt thời gian từ ngày 04/7/1972 đến ngày 27/7/1972, địch đã nhiều lần tấn công vào các trận địa của ta nhưng đều bị ta đánh trả quyết liệt. Tiểu đoàn 14 của tỉnh phối hợp với du kích tại chỗ đánh địch ở tuyến các làng Cu Hoan, Trà Trì, Trà Lộc.

Ngày 22/7/1972, địch đổ bộ bằng trực thăng xuống bắc sông Vĩnh Định đã bị lực lượng vũ trang tỉnh cùng với bộ đội chủ lực đánh thiệt hại nặng.

Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ ác liệt và hy sinh, các chiến sĩ của ta đã chiến đấu kiên cường, chỉ trong vòng từ 28/6 đến 27/7/1972, các đơn vị chốt giữ thị xã và Thành cổ đã đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn dù 2 và 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, buộc sư đoàn dù (đã bị thương vong gần 5.000 tên) phải lui về phía sau củng cố. Ở phía Nam tỉnh, trong vùng địch tràn qua, chiến tranh du kích lan rộng. Lực lượng vũ trang tỉnh mở những trận đánh táo bạo ở Hội Yên, Gia Đẳng (Tiểu đoàn 10), ở Trà Trì, Trà Lộc (Tiểu đoàn 14), đánh sập cầu Hội Yên, Ngô Xá Đông, cầu Ba Bến trên tỉnh lộ 68 (Đại đội 24 công binh). Du kích Triệu Sơn, Triệu Trạch, Triệu Thượng… tập kích địch bằng súng bộ binh, chông bẫy…

Bước sang tháng 8, cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch ở khu vực thị xã và Thành cổ ngày càng diễn ra ở mức độ cao hơn. Sau khi chiếm được một số địa bàn có lợi, địch chuyển sang tấn công vào thị xã. Với ý chí “còn người, còn trận địa”, K3 Tam Đảo còn, Thành Cổ Quảng Trị còn, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 8 chốt giữ trong thành đã đánh bật nhiều đợt phản kích của địch. Nhiều tên liều chết tìm cách leo lên bờ thành cắm cờ liền bị Trung đội trưởng Hán Duy Long (Tiểu đoàn 3) và đồng đội tiêu diệt.

Để giữ được Thành cổ, chiến sĩ ta đã phải sử dụng chiến thuật phối hợp hỏa lực và vận động, dùng pháo binh, xe tăng dẫn đầu đánh tan những vị trí địch yếu kém. Các dàn súng phòng không cơ động ngăn không cho máy bay đến đúng tầm có thể yểm trợ, nhờ đó xe tăng ào tới chiếm các mục tiêu của địch.

Nhằm hỗ trợ cho tinh thần quân ngụy, ngoài máy bay chiến thuật, chiến lược oanh tạc theo yêu cầu của bộ binh ở tiền duyên, Mỹ còn cho pháo hạm, pháo mặt đất tầm xa bắn tới hai vạn viên đạn suốt một ngày. Với chiến thuật “chậm chắc” mỗi khi gặp quân ta, địch dừng lại, gọi bom, pháo đánh rồi mới tổ chức tiến công tiếp.

Do hỏa lực của địch quá mạnh, phòng tuyến vòng ngoài của ta bị vỡ dần. Từ đầu tháng 9 cuộc chiến đấu đã diễn ra vô cùng ác liệt trong lòng thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Ta và địch giành nhau từng căn nhà, góc phố, từng mảng tường Thành Cổ. Thời tiết lúc này không thuận lợi, áp thấp nhiệt đới liên tục xảy ra, nước sông Thạch Hãn dâng cao, cả thị xã chìm trong biển nước. Lợi dụng tình hình đó địch tăng cường bắn phá vào công sự của ta. Các chiến sĩ của ta vừa thay nhau tát nước chống ngập công sự, vừa chống trả địch, suốt ngày ngâm mình trong nước, ăn lương khô, uống nước lã nên sức khoẻ giảm sút, thương vong rất lớn có ngày trên 100 người. Trước tình thế đó, quân ta được lệnh rút lui sang sông Thạch Hãn vào 18 giờ, ngày 16/9/1972.

Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm từ 28/6 đến 16/9 được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150 - 170 lần máy bay phản lực, 70 - 90 lần chiếc B52 để ném bom huỷ diệt thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Báo chí phương Tây thời đó bình luận tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945. Có ngày số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miền Nam trong các năm 1968-1969. Dữ dội nhất là ngày 25/7, thị xã phải chịu 35.000 quả đạn pháo của Mỹ, chưa kể bom từ máy bay. Với việc huy động một số lượng bom đạn khổng lồ, quân Mỹ hoàn toàn có ưu thế áp đảo về hỏa lực.

Dưới mưa bom, bão đạn khốc liệt của kẻ thù, các đơn vị bộ đội của ta đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, kiên cường bám trụ, chốt giữ, giành giật với địch từng mét chiến hào, từng đống đổ nát; mưu trí, linh hoạt, phát hiện và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thậm chí tiêu diệt cả những bộ phận nhỏ, lẻ, bí mật lẻn vào bằng đường hầm hòng cắm cờ trên Thành Cổ. Qua gần 3 tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường, các lực lượng đã hoàn thành nhiệm vụ chiến lược được giao, làm thất bại ý đồ nhanh chóng “tái chiếm Thành Cổ” của Mỹ - ngụy, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh chính trị, ngoại giao.

Và dù trên mình mang đầy thương tích nhưng những chiến sĩ, những anh hùng cách mạng vẫn chiến đấu ngoan cường, quyết không rời trận địa, quyết bảo vệ trận địa đến hơi thở cuối cùng. Báo Quân đội nhân dân ra ngày 9/8/1972 đã viết: “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành Cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”. Trong 81 ngày đêm ấy, hàng ngàn chiến sĩ hy sinh tại đây chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát, hàng vạn các chiến sĩ bất chấp hiểm nguy, vượt con sông Thạch Hãn, vượt qua mưa bom bão đạn, chỉ một mục tiêu tiến đến giữ được Thành cổ Quảng Trị để rồi hết lớp người này đến lớp người khác ngã xuống, thân thể hòa vào lòng sông Thạch Hãn, mãi mãi hy sinh ở tuổi đôi mươi. Sau này, cựu chiến binh Lê Bá Dương ngày hòa bình trở về chất đầy một thuyền hoa huệ trắng thả xuống sông viếng bạn bè, và từ tim anh, những câu thơ yêu thương ứa máu dành cho đồng đội:

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”.

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972), gắn với dòng sông Thạch Hãn đầy bi tráng đã đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử, lay động lương tri loài người, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch ấy, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch cùng với tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm, quên mình và cách đánh sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, Thành Cổ không những đã đứng vững dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, mà còn đẩy Mỹ mắc sai lầm tiếp theo là mở Cuộc tập kích đường không bằng máy bay chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng; kết cục là phải chuốc lấy thất bại thảm hại.

Thắng lợi chiến dịch Xuân - Hè 1972 giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu ngoan cường 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ đã trở thành vấn đề chính trị trung tâm làm lung lay cả nước Mỹ, dập tắt ý đồ leo thang chiến tranh của các thế lực hiếu chiến, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và ký kết hiệp định Paris. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần quyết định làm chuyển biến mạnh mẽ thế bố trí chiến lược giữa ta và địch, tạo tương quan lực lượng có lợi cho ta phát huy sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta mở cuộc tấn công vũ bão, thần tốc làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bằng tính kỷ luật tuyệt vời của người lính, ý chí ngoan cường và sự hi sinh vô bờ bến, các chiến sĩ đã kiên quyết giữ vững trận địa trong suốt 81 ngày đêm. Đó là 81 ngày đêm lịch sử đầy hi sinh mà mãi mãi bất tử. Yếu tố con người đã chiến thắng và đập tan mọi tính toán quân sự, ngoại giao của kẻ thù. Như cách mà Đồng chí Lê Duẩn đã tôn vinh: “Chúng ta đã chịu đựng không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam, với truyền thống 4000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại” (Trích bài viết của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Bảo tàng Thành Cổ).

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

(Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM)


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo