Rất nhiều người đang thực hiện tập tục “đánh kẻ tiểu nhân” tại Hội quán Ôn Lăng(Thanhuytphcm.vn) - Là một trong những tập tục truyền thống lâu đời của người Hoa, “đánh kẻ tiểu nhân” du nhập từ Hồng Kông, được cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn, TPHCM lưu truyền cho đến hôm nay. Tập tục mang ý nghĩa cầu may mắn, bình an đồng thời xua đuổi những điều xui xẻo, những “kẻ tiểu nhân” đi theo quấy rối mình.
Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng, tập tục diễn ra từ tháng Giêng kéo dài cho đến đầu tháng Hai âm lịch, trong đó lễ chính là vào ngày vía thần Bạch Hổ. Bởi theo quan niệm dân gian của người Hoa, thần Bạch Hổ cũng là khắc tinh của “tiểu nhân”. Để linh ứng, tập tục “đánh kẻ tiểu nhân” phải được diễn ra trước khu vực thờ Bạch Hổ. Lễ vật cúng bao gồm thịt heo, huyết heo, trứng vịt (tất cả đều là thịt sống), rượu trắng… để dâng lên ngay khi thần Bạch Hổ mở miệng.
Hội quán Ôn Lăng, hay còn gọi là chùa Quan Âm tại Quận 5 là nơi được đông đảo người dân đến cúng bái và thực hành tập tục này. Nếu như trước đây tập tục gói gọn trong cộng đồng người Hoa thì những năm gần đây nhiều người Kinh cũng bắt đầu làm quen và tin tưởng vào tập tục này. Điểm khác biệt của một buổi lễ thực hành tập tục “đánh kẻ tiểu nhân” so với những tập tục khác là người hành lễ sẽ dùng giày dép đập liên tiếp vào những hình nhân tượng trưng cho những “kẻ tiểu nhân” đang theo quấy rối, cho đến khi các hình nhân kia tan tát, đại ý để chắc rằng “kẻ tiểu nhân” đã bị đánh, sau này không nói năng bừa bãi, không thể hại người được nữa… Ngoài ra còn kèm một số nghi lễ khác.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thái Hòa, chuyên gia nghiên cứu tín ngưỡng trong các hội quán người Hoa, tập tục “đánh tiểu nhân” trước đây thường diễn ra vào ngày Kinh trập, đây cũng là ngày vía của thần Bạch Hổ. Kinh trập là một trong 24 tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Ngày bắt đầu tiết Kinh trập thường diễn ra vào khoảng ngày 5 hay 6 tháng 3 dương lịch, trước ngày Tết Thanh minh đúng một tháng. Chẳng hạn như năm nay, ngày vía Bạch Hổ sẽ là ngày 6/3, nhằm ngày Kinh trập 1/2 âm lịch (Tết Thanh minh là ngày 1/3 âm lịch). Dân gian quan niệm rằng, vào ngày này các loại côn trùng, sâu bọ và những điều xấu xa - “tiểu nhân” đều thức tỉnh và làm hại con người. Vì vậy cần phải “đánh” để tránh “tiểu nhân” làm hại. Lễ vật thường thấy là nhang, đèn, giấy tiền, hình nhân… Người muốn “đánh” sẽ ghi tên tuổi, địa chỉ của mình lên tờ giấy… Người đánh sau khi khấn vái thì dùng giấy tiền quạt lên món đồ nhằm mục đích xua đuổi sâu bọ, xua đuổi những điều xấu xa, những kẻ “tiểu nhân” muốn làm hại. Cuối nghi thức, người “đánh” sẽ bỏ hình nhân xuống nền đất rồi dùng dép đánh vào đó, vừa đánh vừa cầu khấn thần Bạch Hổ… Nếu như ở Trung Quốc trước đây, tập tục này mang ý nghĩa cầu may, cầu phúc và thường đi theo các bước như: bái thần, bẩm cáo, đánh tiểu nhân, tế Bạch Hổ, hóa giải, cầu phúc, tiến bảo, bốc quẻ cầu may thì hiện nay, tập tục này đơn giản hơn rất nhiều.
Theo quan niệm dân gian của người Hoa, thần Bạch Hổ là khắc tinh của “tiểu nhân”.“Tuy nhiên thời gian gần đây, tập tục này có chiều hướng mang tính vụ lợi của những người cúng thuê, cúng mướn. Nhiều người cúng thuê lạm dụng sự cả tin của người dân mà bày vẽ, mang màu sắc mê tín dị đoan, làm biến đổi tập tục nhằm vụ lợi. Vì thế, có những người muốn “đánh tiểu nhân” nhưng không phải “đánh” vào những điều xấu xa, xui rủi mà “đánh” trực tiếp vào tên tuổi của những người cụ thể mà họ va chạm trong cuộc sống, hay những đối thủ trong làm ăn… Chính những điều này đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của tập tục”, chuyên gia này cho biết.
Bà Ngô Lệ Châu, đại diện Ban quản trị Hội quán Ôn Lăng cho hay, để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân khi đến chùa, Hội quán thường xuyên nhắc nhở người dân không nhất thiết phải thuê người cúng mà có thể tự thực hiện theo hướng dẫn của những người có kinh nghiệm trong hội quán, tránh trường hợp bị người bên ngoài bày vẽ vừa tốn kém mà làm cho tập tục biến đổi, mất đi ý nghĩa.